1. Về quy hoạch
Tập trung thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh và lập các quy hoạch phát triển ngành giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến 2025 như: Quy hoạch phát triển công nghiệp – TTCN và phát triển khu, cụm công nghiệp; Quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản, Quy hoạch Điện lực, thủy điện... để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và định hướng phát triển trên từng lĩnh vực, giúp cho các nhà đầu tư khi đến Lào Cai tìm hiểu cơ hội đầu tư và yên tâm triển khai các dự án. Trong đó, Quy hoạch Khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải chỉ rõ nhiệm vụ chế biến sâu các nguyên liệu khoáng khai thác trên địa bàn, theo hướng sản xuất ra các sản phẩm cuối cùng nhằm lợi ích hóa tối đa tiềm năng tài nguyên khoáng sản. Chú trọng quy hoạch rõ nét 3 loại khoáng sản có trữ lượng lớn, có tính chiến lược như: apatit, đồng, sắt, hạn chế xuất khẩu và bán quặng thô ra khỏi địa bàn.
2. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi
- Ưu tiên đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc và các công trình phúc lợi xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp; tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư.
- Đầu tư hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tranh thủ sự hỗ trợ của
các bộ, ngành trung ương về vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến.
- Tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây công nghiệp tập trung bảo đảm về quy mô và chất lượng như cây chè, thuốc lá, cao su, cây ăn quả...
- Chỉ đạo sát sao các cấp, ngành hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được nhanh chóng hiệu quả. Đồng thời xây dựng phương án tái định canh, định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất sản xuất, canh tác.
3. Phát triển nguồn nhân lực
Trong giai đoạn 2011 – 2015, để đáp ứng nhu cầu phát triển cho ngành công nghiệp phải bổ sung mới khoảng 10.500 lao động. Trong đó:
+ Cán bộ quản lý, văn phòng: 1.000 người;
+ Cán bộ kỹ thuật (kỹ sư, thợ bậc cao...): 1.500 người; + Công nhân kỹ thuật các ngành được đào tạo: 6.000 người; + Lao động phổ thông: 2.000 người.
Giải pháp cụ thể:
- Thực hiện xã hội hoá công tác đào tạo nghề nhằm thu hút mọi nguồn lực trong xã hội cho các hoạt động đào tạo nghề, đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
- Ưu tiên đào tạo cho các ngành then chốt như: khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim, hoá chất, thuỷ điện, chế biến nông, lâm sản,...
- Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật có trình độ tay nghề cao đến làm việc lâu dài tại Lào Cai.
- Có những chương trình dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất, canh tác mới đối với những lao động mất việc làm do công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất sản xuất, canh tác.
4. Giải pháp về khoa học công nghệ
- Đối với cơ sở sản xuất hiện có cần tiến hành hiện đại hoá từng phần và đổi mới công nghệ thiết bị ở từng công đoạn, từng bộ phận trong dây truyền sản xuất, tiến tới từng bước hiện đại hoá toàn bộ dây truyền nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
- Đối với các dự án đầu tư mới cần cân nhắc áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến phù hợp với từng giai đoạn phát triển, không nhập khẩu công nghệ và
thiết bị đã lạc hậu. Từng bước loại bỏ các công nghệ tiêu hao, sử dụng nhiều năng lượng; khuyến khích ưu tiên việc sử dụng các loại công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.
- Áp dụng chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, miễn giảm thuế cho phần vốn nghiên cứu đổi mới công nghệ, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng thay thế hàng nhập khẩu trong một thời gian nhất định.
5. Giải pháp về vốn
- Khuyến khích đầu tư đối với các dự án lớn huy động bằng các hình thức liên doanh, liên kết, cổ phần hoá, vay nước ngoài. Đồng thời cần tận dụng và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
- Phát triển mạnh mô hình công ty cổ phần để huy động vốn trong các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển công nghiệp. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để trình xin hỗ trợ từ ngân sách trung ương và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
- Các ngân hàng thương mại tiếp tục nghiên cứu, cải tiến thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc vay vốn như: nới rộng điều kiện thế chấp, áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho các khoản vay dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.
- Áp dụng chính sách đầu tư bằng thuê mua tài chính, huy động vốn ứng trước đối với khách hàng.
- Phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.
6. Giải pháp về môi trường
- Triển khai rà soát đánh giá tác động từ việc phát triển các dự án công nghiệp đến an sinh xã hội, trước mắt tập trung kiểm tra đánh giá đời sống kinh tế của các hộ gia đình phải tái định cư nhường đất cho các dự án thủy điện và một số dự án có quy mô lớn phải di dời nhiều hộ dân.
- Các dự án đầu tư mới bắt buộc phải báo cáo đánh giá tác động môi trường với các giải pháp xử lý bảo đảm môi trường mới chấp thuận cho phép đầu tư.
- Đánh giá hiện trạng môi trường của tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp; kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm chính, định kỳ quan trắc phân tích để đưa ra các giải pháp xử lý hữu hiệu.
- Từng bước đưa sản xuất tập trung vào các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung tại các khu, cụm công nghiệp.
- Đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, ngoài các biện pháp bảo vệ môi trường đã được Nhà nước quy định, cần có biện pháp bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện công tác phục hồi môi trường ngay sau khi kết thúc khai thác.
7. Giải pháp về quản lý
- Thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện Đề án để điều chỉnh, bổ sung kịp thời các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm và cả giai đoạn.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý về công nghiệp của các cấp, các ngành trong, bảo đảm phát triển đúng định hướng, tăng trưởng mạnh và bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu cực do tăng trưởng nóng, ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Chú trọng phát triển tiểu, thủ công nghiệp và công nghiệp nông thôn phục vụ các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
8. Về cơ chế, chính sách
Tổng kết và sửa đổi bổ sung chính sách khuyến khích phát triển tiểu, thủ công nghiệp theo hướng: mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục hành chính...