Bài Tin Mừng Ðức Giêsu

Một phần của tài liệu MTN-CN33B-18baigiang (Trang 68 - 72)

II. THÁI ĐỘ CẦN PHẢI CÓ 1 Chuẩn bị tâm hồn.

2. Bài Tin Mừng Ðức Giêsu

Trong đoạn sách Marcô hôm nay, cũng nói với chúng ta về thời kỳ cuối cùng này. Dường như Người đề cập tới sau khi nói về thời Giêrusalem bị tàn phá. Chúng ta biết hôm các môn đồ trỏ cho Người thấy cảnh huy hoàng của Ðền thờ. Mà rực rỡ thật khi thánh điện Giêrusalem được ánh mặt trời chiếu vào! Nhưng cảnh ấy có ngày sẽ không còn nữa và sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào của Ðền thờ hiện nay, vì Giêrusalem không biết đón nhận ngày Thiên Chúa đến viếng thăm mình.

Ðức Giêsu đã nhìn thấy trước ngày tàn phá đó. Người dùng những hình ảnh về thời kỳ chiến tranh, cũng như các công thức về thời cánh chung trong các sách tiên tri, để mô tả cảnh tàn phá của Giêrusalem. Rồi từ đó, Người nói sang thời kỳ cùng tận.

Nhưng lời của Người lại được các tác giả thánh diễn lại sau khi đã được chứng kiến ngày Ðền thờ sụp đổ và đã từng

sống những ngày thánh Hội Thánh bị bắt bớ vì danh Chúa. Do đó, bài sách Marcô hôm nay chẳng hạn, thu góp tất cả mọi nhân tố trên làm cho việc đọc trở nên phức tạp và khó hiểu. Ở đây chúng ta chỉ nói đến những tư tưởng trong bài đọc hôm nay.

Trước hết có những câu nói về sự suy sụp thay đổi trong trời đất: mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống và các thiên thể lay chuyển. Có lẽ chính ý tưởng cuối cùng này lại phải để ý đến trước hết. Là vì theo các tác giả thánh, mỗi khi có hiển linh là trời đất rung chuyển. Vậy hiện tượng các thiên thể lay chuyển là điềm báo Chúa đến, là dấu hiệu của ngày cuối cùng. Còn việc mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống, chẳng qua muốn nói rằng vũ trụ này sẽ qua đi và biến mất. Tất cả như lại trở về lúc khởi nguyên, lúc còn hỗn mang và chưa có ánh sáng gì cả. Và như thế, với nhiều hình ảnh mượn lại trong các sách tiên tri, ở đây thời sau hết được xác định như là thời thay đổi vũ trụ này, để rồi sẽ có một cảnh mới với trời mới và đất mới. Và người ta không phải chờ lâu. Sách Marcô đã viết ngay: bấy giờ người ta sẽ thấy Con Người đến trong mây... Rõ ràng tác giả mượn lại chương 7 sách Daniel, câu 13. Nhưng ông đã đem vào một nội dung mới.

Trong tiên tri Daniel, Con Người chỉ đến sau, khi triều đình thiên quốc đã bày biện xong. Thiên Chúa đã ngự trên ngai rồi, thì bấy giờ Con Người mới tiến lại. Người là ai? Theo Daniel đó là dân thánh của Thiên Chúa đến lãnh phần thưởng đời đời của mình. Về sau nhiều người đã đồng hóa Người với Ðấng Cứu thế Con Một Thiên Chúa. Ở đây, trong sách Marcô, Người là chính Ðức Giêsu Kitô Cứu thế.

Như vậy, "ngày của Chúa" không còn phải là ngày của Thiên Chúa nữa sao? Vì ở đây, người ta không thấy Thiên Chúa hiện đến, mà chỉ có Ðức Giêsu được mệnh danh là Con Người. Thật ra, khi nói Người đến trong mây, tác giả không có ý tưởng trong mây như là xa giá đưa Con Người đến. Nhưng cùng với công thức viết sau nói rằng: Người đến trong quyền năng cao cả và vinh quang, hình ảnh mây trời ở đây chỉ có ý nhấn mạnh đến tính cách "hiển linh" của việc Người đến. Và như vậy Con Người sẽ đến với Thần Tính và như là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa" khiến "ngày của Chúa" bây giờ trở thành "ngày của Thiên Chúa đến trong Con Người và nhờ Con Người".

Rồi khác với nhiều tác giả, thánh Marcô không nhắc đến việc phán xét và trừng phạt kẻ dữ. Người chỉ mô tả diện tích cực của ngày Chúa đến. Người sai các Thiên Thần đi khắp cùng mặt đất thâu họp những kẻ được chọn lại, dĩ nhiên là để đưa họ vào vinh quang của Người.

Và như vậy cái nhìn của Marcô về cánh chung rất bình an và đẹp đẽ. Nó đem tin tưởng lại cho lòng người ngay và tạo nên một cảm giác hạnh phúc.

Nhưng khi nào điều ấy xảy ra? Ðó là thắc mắc của mọi thế hệ loài người. Theo thánh Marcô, thì Ðức Giêsu trỏ tay bảo các môn đệ cứ xem cảnh vật thiên nhiên. Cây vả khi trổ lá thì báo tin mùa hè sắp đến sao? Cũng vậy, khi các điều kia xảy ra, thì phải biết Con Người đã gần bên cửa.

Trước hết, Người đã khéo léo gợi đến danh từ mùa hè. Ðó là mùa gặt hái. Và hình ảnh mùa gặt hái vẫn được Kinh

Thánh dùng để nói đến thời cánh chung và chung thẩm. Còn khi Người nói "các điều kia" thì phải hiểu như thế nào?

Trên đây, Người đã nói đến việc Ðền thờ bị phá, chiến tranh nổi lên, Kitô giả xuất hiện, niềm tin trở nên lạnh lẽo... và các tầng trời bị lay chuyển v.v... Do đó mỗi khi thấy các điều trên xảy ra, người ta đã tưởng tận thế đến rồi. Hơn nữa sau đó, Ðức Yêsu còn nói: "Thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi mọi điều ấy xảy đến". Người ta càng tin những ngày tận cùng không còn xa

Nhưng có lẽ người ta không để ý đủ đến lời cuối cùng của Người: "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được... cả Con Người nữa, trừ phi là Chúa Cha".

Dĩ nhiên có vấn đề: có phải chính Ðức Giêsu đã nói tất cả những điều trên đây không và trong cùng một văn mạch không? Hay đó là những lời nói ở những hoàn cảnh khác nhau và đã được xếp gần lại để diễn tả ý kiến về một vấn đề? Nếu thế thì ở đây chúng ta có thể thấy tác giả vừa muốn khẳng định thời kỳ cánh chung đã gần, vừa không gần vì hiện nay đã có những dấu hiệu như cảnh chiến tranh tàn phá, lòng tin ra nguội lạnh, nhiều sự dữ lộng hành, nhiều người lành khổ sở... nhưng chưa chắc đã là điềm báo cuối cùng, vì dù sao cũng chẳng ai biết được giờ nào, ngày nào, vì đó là bí mật Chúa Cha không muốn tiết lộ cho ai... Vì thế thái độ chân thực là luôn luôn phải sẵn sàng và tỉnh thức. Thánh Marcô đã kết luận như vậy. Và chúng ta, không nên thêm gì vào ý kiến của người. Chúng ta chỉ cần nhớ: vũ trụ này sẽ được biến đổi khi Con Người đến trong vinh quang.

Người sẽ tập họp các kẻ được chọn lại. Người không muốn cho ai biết ngày nào giờ nào. Nhưng Người mong muốn ai nấy cũng hãy sẵn sàng và bền vững cho đến cùng.

Bài thư Do Thái có thêm gì cho chúng ta không?

Một phần của tài liệu MTN-CN33B-18baigiang (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(84 trang)
w