Quan điểm nghệ thuật của Moliere là tinh thần duy lí, duy vật của thời đại. Theo quan điểm chung của chủ nghĩa cổ điển, hài kịch nhằm đả phá những tệ nạn xã hội và nhược điểm tâm lí của con người thời đại. Lí luận này yêu cầu hài kịch "sửa chữa phong hóa bằng tiếng cười", giúp người có lương tri xa lánh cái sai và thói xấu. Moliere viết "nếu tác dụng của hài kịch là sửa chữa tính xấu của con người thì tôi tin rằng không cần bỏ qua bất kì kiểu tính xấu nào. Những bài học luân lí nghiêm trang chưa hẳn có tác dụng bằng những nét châm biếm của một bài thơ trào phúng . . . Mô tả những thói xấu của con người là cách tuyệt diệu để sửa chữa nó" (Lời Tựa vở Tactuff - 1669) .
Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu của hài kịch là "làm vui" cho khán giả, độc giả. Muốn đạt được như thế trước hết phải "theo tự nhiên". Tự nhiên được hiểu là đáy sâu của những tâm hồn kín đáo mà chỉ có những cái nhìn tinh tường mới soi thấu được" (Boileau). "Tự nhiên" còn có nghĩa là theo truyền thống xã hội đã được thừa nhận (danh chính ngôn thuận). Moliere nói qua lời một diễn viên "Khi anh vẽ người, anh phải vẽ theo tự nhiên. Nếu anh không làm cho người ta nhận ra những con người của thời đại mình thì anh chẳng làm được gì hết" - Moliere trình bày lí luận của mình ngay trong tác phẩm như vậy.
Về đề tài: Moliere cho rằng có thể chọn bất kì đề tài nào kể cả cổ đại Hi Lạp - La Mã, miễn là đề tài ấy có sức thể hiện phong phú. Nhưng ông thích lấy ngay đề tài trong đời sống tâm hồn xã hội Pháp đương thời từ trong cung đình đến thành thị nông thôn nhờ vốn sống những nămgiang hồ phiêu dạt khắp nơi tiếp xúc đủ mọi loại người. Nhờ vậy Moliere sáng tạo được những tính cách điển hình. Chỉ ngoại trừ một mẫu người - kẻ đứng đầu triều đình - mọi loại người Pháp khác đều có mặt trên sân khấu Moliere. Tuy vậy nhân vật có mặt thường xuyên là nhân vật quí tộc, ngài hầu tước - hiện thân của chế độ phong kiến lỗi thời. . Moliere nói đại ý rằng: trong mọi vở kịch hề cổ xưa đều có một tên ăn cắp có nhiệm vụ gây cười cho khán giả thì trong các vở kịch ngày nay luôn luôn phải có một vị hầu tước lố lăng làm trò cười cho công chúng" (Vở Ứng diễn ở Verseill).
Nhìn chung Moliere không tự hạn chế kịch của mình trong khuôn khổ hạn chế của chủ nghĩa cổ điển nhằm phản ánh chân thực cuộc sống.