Hết Nhân Gian Vạn Tấm Lòng
Bạch Vân Trang
Làng tiên ngoài cửa gần non, Gậy lê tìm đến ngọn nguồn thâm u. Bò dê lác đác mây mù,
Chó gà vẳng tiếng thẳm sâu dâu ngàn. Đông tây nước chảy như đàn,
Ruộng cao ruộng thấp như bàn cờ vây. Lão nông vui chuyện cấy cày,
Vạn lòng nhân thế xưa rày đều quên. Thạch Phật Hiển Trung
Tin rằng tất cả những ai từng đọc qua ”Đào Hoa Nguyên ký” đều ngưỡng vọng cảnh tiên ngoài cõi thế mịt mờ mây khói ấy. Ở đó không có những phân tranh trần thế, chẳng cần ghi nhớ thời gian trôi chảy, thậm chí cả sinh lão bệnh tử, đều là lòng nhân từ của trời xanh với con người. Nghe nói trên đời chỉ kẻ có duyên mới có thể cưỡi chiếc thuyền đơn xuôi dòng đến thôn trang tránh nạn binh đao thời Tần ấy. Song bạn chỉ được nhìn xa, không thể lại gần, vì người trong thôn trang đó đều được khắc họa trong tranh, sống trong giấc mộng. Bọn họ không hay rằng thế giới này đã trải qua bao biến chuyển xoay vần, nương dâu bãi bể, cứ thế đời này qua đời khác sống trong thôn làng chất phác, bình đạm mà thỏa mãn qua ngày.
Sở dĩ ngưỡng vọng chốn đào nguyên vừa tránh gió xuân cũng tránh Tần kia, là bởi cuộc sống hiện tại chẳng khác nào một tên đao phủ, luôn thừa lúc sơ sểnh mà tàn nhẫn cắt xẻo chúng ta. Còn đương luống cuống chân tay, lưỡi đao đã vấy đầy máu đỏ, toan đòi thời gian một câu trả lời, nhưng trả lời rồi thì sao đây? Tháng ngày càng dài, tổn thương càng nặng. Có điều trong cuộc sống, luôn có một ngày mà bản thân chung tình, một số người sẽ xé ngày đó xuống bỏ vào hành trang, đem nó theo mình khắp chân trời góc bể. Mỗi con người từ khi sinh ra đã bắt đầu phiêu bạt, mà phiêu bạt lại nhằm tìm kiếm một chốn đào nguyên trong mộng, bình đạm từ bi sống ở một nơi xa rời hết thảy tổn thương.
Mãi tới khi đọc bài thơ thiền ”Bạch Vân Trang” mộc mạc tự nhiên của vị cao tăng thời Tống Thạch Phật Hiển Trung, khiến con người ta quên hết ngàn vạn tâm tình nhân gian trong khói lửa Tống triều. Bấy giờ mới sực tỉnh ngộ, thì ra những thiền ý sâu xa mà chúng ta một mực truy cầu, đều nằm trong những công việc nhà nông chất phác, trong bờ giậu nhà tranh, trong tiếng gà tiếng chó nối nhau, dưới bờ ruộng trồng dâu trồng gai. Thiền vốn thanh đạm như thế, chẳng khác một bông hoa nhài trong núi, một đóa cúc dại trên đường hoang, thanh đạm đến mức không có sắc màu. Tựa như một người đã hưởng hết phồn hoa mới hiểu được cái thú thuần chân ở nơi này; một kẻ nếm trải hết vị đời bể dâu, chỉ muốn uống một bát nước vương hoa sơn trà; một người đã nhìn chán ánh đao bóng kiếm, những mong gối lên tiếng sóng, cả đêm nghe chuyện phiếm của tiều phu và ngư phủ về những ấm lạnh tình đời.
Khai ngộ thực sự, sẽ chẳng ngồi trên bồ đoàn hỏi thiền lý, cũng chẳng nghĩ cách biết huyền cơ nữa. Có lẽ sẽ có hai vị sư quy y cửa Phật cùng một ngày, một vị đã thấu triệt, một vị còn chưa hề bước vào cảnh thiền. Giống như một gốc mai, cành nam đã lần lượt trổ bông, cành bắc hẵng còn chưa đâm chồi. Chúng ta luôn thích bày ra cạm bẫy, rồi đợi chờ tái ngộ khi hoa rừng tàn tạ. Há chẳng biết rằng, có những gặp gỡ trễ tràng, bị kẹp vào trang sách hôm qua của cuộc đời, chỉ một chớp mắt ngắn ngủi mà đã cách một đời. Đời người có quá nhiều chuyện bất ngờ, chúng ta chẳng cách nào ngăn trở, bởi chúng ta quá bé mọn. Đã chẳng thể liệu trước ngày mai, chi bằng hãy lắng tơ lòng, thân ở đào nguyên, sống đời bình thường, lĩnh ngộ thiền ý. Áng mây thanh khiết đã trôi đi, song chúng ta vẫn ở trong Bạch Vân trang, dừng bước vì một chú dê chú bò, đắm đuối theo một tiếng gà tiếng chó.
Kẻ ngưỡng vọng phồn hoa, sau khi mộng tưởng thành sự thật, cõi lòng sẽ hiu quạnh vô bờ. Còn người hướng đến thuần phác, khi hoàn thành ước nguyện, sẽ đạt được niềm thỏa mãn đủ đầy. Dưới sự dồn ép của thế
tục, trong dòng thời gian quạnh quẽ, chẳng ai có thể cự tuyệt một chốn đào nguyên không có phân tranh. Từ xưa đến nay, những người lánh đời vào núi, nào phải toàn nho sinh nhã sĩ u uất bất đắc chí. Cũng có rất nhiều người nếm hết vị đời, thưởng thức hết thảy phồn hoa thế gian, chỉ muốn tìm một quãng thời gian thanh bạch, sống nốt những tháng ngày còn lại. Thế thái phù hoa, chỉ đem trái tim nhuộm thành muôn tía nghìn hồng, làm mất hết vẻ thuần tịnh khi trước. Còn nông trang chất phác, lại có thể trút hết nhan sắc mỹ lệ trên đời, hưởng thụ niềm hạnh phúc giản đơn trong một chén nước sôi.
Quay lại giai đoạn khói lửa dưới thời Tống ấy, nghiễm nhiên trông thấy một vị Thi tăng, gậy trúc giày rơm, tìm kiếm cảnh đẹp u tĩnh trên sườn núi xanh. Dọc đường đi, ông thấy dê bò thả rông khắp ruộng hoang, hoặc tụ lại hoặc tản ra, sâu trong rừng dâu, văng vẳng nghe tiếng gà gáy chó sủa. Đồng ruộng cao thấp như bày một cuộc cờ, trong cái giản đơn lại bao hàm thâm ý không để người ta biết. Suối chảy róc rách hệt như tiên nhạc nhân gian, sóng xanh cuồn cuộn luôn đem lại cho tâm hồn bao tan vỡ, chúng ta đều cần hơi ấm của khe nhỏ chảy dài. Mà vị cao tăng ẩn cư trong chùa kia cũng cảm động lây trước cảnh ruộng vườn thảnh thơi êm đềm của nhà nông, mê mải nghe lão nông say sưa kể chuyện đồng áng, quên hết bao ưu phiền thế tục.
Đó là Thiền, cái thiền gắn bó mật thiết với cuộc sống thôn quê, luôn tồn tại trong mỗi nhành hoa ngọn cỏ, từng ngọn núi nhánh sông. Vì mộc mạc nên thuần khiết; vì thanh đạm nên từ bi; vì yên tĩnh nên trân quý. Hết thảy công danh đều vo viên giấy trắng, bao nhiêu chuyện cũ gửi cả vào trái chín. Thậm chí chuông trống, kinh sách, đèn xanh trong chùa đều chẳng có thiền ý bằng cây cỏ ngoài vườn ruộng. Mà hết thảy những điều đó, đều do cõi lòng người ngắm phong cảnh cả. Một người bôn ba nhiều năm, trước sau vẫn sẽ quyến luyến phong tình thuần phác chốn thôn quê. Sợi khói bếp lững lờ bốc lên trên căn nhà tranh, chứng thực nếp thanh bạch bần hàn, băng qua cây cầu nhỏ bắc ngang dòng nước, mới có thể hiển lộ tấm lòng đạm bạc ung dung. Ở cõi đào nguyên trong mộng này còn ai lo lắng bữa cơm ngày mai biết tìm đâu, còn ai ưu sầu vì áo quần lam lũ không chỗ vá? Há chẳng hay, hớt lấy một đám bọt sóng có thể lấp đầy tất cả hư không, xé một mảng mây trắng sẽ bao bọc được muôn vàn tâm sự?
An tâm làm một tiều phu đơn độc lui tới núi sâu dốc hiểm, làm một ngư phủ quăng lưới bắt cá ở khe nước bến sông, làm một nông phụ thổi lửa đợi chờ trong gian nhà tranh, làm một mục đồng thổi sáo trên cây cầu đá bên gốc liễu. Lại nhớ thuở nhỏ từng trông thấy trên chiếc tủ cũ của một nhà nông khắc bài Tứ quý thi, nét chữ thuần phác đơn giản, do nghệ nhân dân gian truyền thống khắc nên. ”Xuân chơi bãi cỏ biếc, hè ngắm hồ sen xanh, thu uống rượu cúc vàng, đông ngâm câu tuyết trắng.” Bốn câu thơ giản đơn như thế, chẳng khác nào lời ăn tiếng nói hằng ngày, song lại khiến chúng ta nảy sinh ảo tưởng vô biên trước cuộc sống bình dị ở thôn làng. Giờ đây, chúng ta còn lĩnh ngộ được chút thiền ý từ bài thơ này, bởi Thiền sớm đã dung nhập vào hoa xuân trăng thu. Có lẽ Hiển Trung pháp sư đã hiểu rõ, thấu triệt không phải là tĩnh tọa khô thiền suốt một đời. Cứ xem trong đêm tuyết, mấy lão nông quê mùa cắt nến hâm rượu, luận xưa bàn nay, kể vụ bội thu, chính là thiền lý sâu sắc nhất.
Nghe nói Vương An Thạch rất thích những vần thơ nhàn tản của Hiển Trung thiền sư, không chỉ viết lại treo lên tường, còn thường ngâm ngợi mãi không thôi. Là một nhà chính trị, nhà tư tưởng nổi danh thời Bắc Tống, song ông vẫn luôn hướng tới những phong thổ nhân tình chốn ruộng vườn êm đềm nhàn nhã. Nếu là thơ điền viên do một kẻ tầm thường vô danh viết ra, có lẽ trong câu chữ sẽ thiếu vài phần thiền ý không linh. Song nhờ tuôn chảy dưới ngòi bút một vị cao tăng, nên những vần thơ ấy mới có thể dĩnh ngộ siêu nhiên như thế. Đó là bởi thiền sư đã đạt đến cảnh giới tột cùng nào đó trong sinh mệnh, bằng những hồi tưởng cả đời. Giờ đây nghĩ đến, có lẽ cũng chỉ vào một ngày tình cờ, ông chống thiền trượng tha thẩn trong núi, ngẫu nhiên lạc tới chốn đào nguyên ngoài cõi thế, mơ một giấc mộng đẹp chẳng kém Nam Kha. Bất luận là lạc tới đào nguyên, sống một cuộc sống đạm bạc chất phác hay dốc lòng tham thiền, lặn lội từ xa tìm đến bờ bên kia sen nở, đều chỉ nhằm quên lãng hết thảy rối ren nhân thế, để tâm hồn được thanh khiết vô trần như mây nước. Một hồ nước lặng, một áng mây trắng, một tiếng ve, một bóng hình, ở chốn rừng mây sâu thẳm hay khói lửa nhân gian, đều ẩn chứa thiền cơ bình đạm.