Quyển 4 Chương 5: Trồng Một Gốc Tịnh Liên, Giữa Khói Lửa Tục Thế

Một phần của tài liệu 15411 - Duyên - Bạch Lạc Mai - [truyenclub.com] (Trang 59 - 61)

Ngàn việc chẳng bằng lùi nghỉ ngơi, Vốn không bằng cứ chẳng giũa mài. Trăng bồ đề trước song vằng vặc, Sen ngát trồng đầy giữa trần ai. Từ Thụ Hoài Thâm

Nhớ mang máng nhiều năm về trước, thường tình cờ trông thấy một nickname hay trang mạng nào đó dùng cụm từ sống động ”người đưa đò giữa hồng trần”. Thậm chí còn có một bức tranh vẽ cội mai bên bờ liễu,

một bóng người mảnh khảnh chèo con thuyền nhỏ, ung dung hòa vào sóng nước mênh mông. Xem xong rồi, tôi chợt nảy sinh một cảm giác hoang lương lạnh lẽo ”vạn sự quay đầu cũng thành không, sinh tử dạt dào đâu bờ bến”. Biết bao người cũng vì hình ảnh này mà mãi quyến luyến phong tình sông nước, dần dà hình thành trong lòng một giấc mộng không màng tỉnh lại. Thực ra chúng ta đều là khách sang sông trên dòng nhân thế, tha hương phiêu bạt đất khách, băng qua non nước điệp trùng, đến cuối cùng chỉ có trăng trong sao sáng tiễn đưa.

Có lẽ chúng ta chẳng nên trách những người chèo đò cứ chần chừ chẳng chịu cập bờ kia, biết đâu chẳng phải họ mải mê muôn ngàn phong cảnh trên mặt nước, mà chỉ sợ những dòng người kề vai lướt qua nhau giữa đường trần. Một kẻ riêng ưa thanh tĩnh, quen với cô độc, ngẫu nhiên trông thấy cảnh xuân muôn hồng ngàn tía, lòng khó tránh hoảng hốt không yên. Đó không phải là hèn nhát, phải biết rằng, bao nhiêu mưa gió tai kiếp, đều dựa vào một đôi tay chèo chống vượt qua. Trước sau họ chỉ để lộ bóng lưng, chứ chẳng nỡ nào để chúng ta trông thấy những nếp nhăn dâu bể vì năm tháng xói mòn cùng vết chai sần chồng chất. Đó đều là những vết sẹo thời gian, lõa lồ trước mây bay gió mát, chẳng thể che giấu.

Đọc xong bài thơ thiền của cao tăng Từ Thụ Hoài Thâm đời Tống, tôi chợt có một cách nhìn khác về những người khách qua đò luyến lưu sông nước. ”Ngàn việc chẳng bằng lùi nghỉ ngơi, vốn không bằng cứ chẳng giũa mài.” Thiền sư muốn khuyên nhủ những kẻ còn mải mê mùi tục, theo đuổi lợi danh, hi vọng họ đừng chìm đắm quá sâu vào bể đời nhơ bẩn nữa. Phải biết rằng lùi một bước gió tạnh mây quang, trời cao biển rộng, trong quá trình ngừng bước, có thể dần rời xa tham giận buồn phiền, lĩnh ngộ đạo lý vô vi. Mà ”nghỉ” lại chỉ nằm trong một ý niệm ngắn ngủi, nảy ra ý niệm ắt sóng đời dào dạt, dập tắt ý niệm tất mọi sự đều ngưng. Vạn vật trên thế gian đều mang bản tính chân thật, có lẽ trăm ngàn năm nữa ngoảnh đầu lại, những sự vật trước đây vẫn không sinh không diệt. Những kẻ đưa đò ấy, là quá lưu luyến sông nước, hay là chán ngán trần thế phân tranh trên bờ, thà làm cuộc lênh đênh mãi không cập bến? Từ Thụ Hoài Thâm, người đời Tống, tu theo tông Vân Môn, quê ở Lục An, phủ Thọ Xuân (nay là An Huy), khi chưa xuất gia mang họ Hạ, tên chữ là Từ Thụ, người đời gọi là Từ Thụ thiền sư. Mười bốn tuổi cắt tóc quy y, bốn năm sau lên đường vân du khắp chùa miếu trong thiên hạ, tầm sư học đạo. Về sau gửi thân ở chùa Tuệ Lâm, rồi lại đi vào núi Thiên Thai, ngụ trên Linh Nham, sau cùng thoái ẩn ở Bao sơn bên hồ Động Đình. Là vị tổ đầu tiên của Viên Giác. Trước tác có bốn cuốn ”Từ Thụ Hoài Thâm thiền sư quảng lục” truyền lại cho đời. Chẳng còn nhớ đã đọc ”Từ Thụ Hoài Thâm thiền sư quảng lục” ở đâu, chỉ nhớ rằng văn chương bay bổng khiến người ta phải đập bàn khen hay, vần thiền nhởn nhơ chảy giữa dòng mực thẫm. Khiến tôi hết lần này đến lần kia tưởng tượng ra hình ảnh vị cao tăng ấy tay cầm thiền trượng, bên bờ sông phất phơ lau biếc, chống sào gỗ một mình chèo một lá thuyền lan để đến bồ đề đạo tràng. Gối lên đá ngủ cùng mây, ăn rau cỏ mặc áo thô, cứ thế bôn ba gió bụi, lẽ nào chẳng phải cố chấp ư? Vạn sự chi bằng một bước lùi, thế gian được mất tùy duyên, có lẽ thong thả đi trên đường thiền cũng phải tùy duyên. Tin rằng bậc đạm định như thiền sư nhất định cũng hiểu mây trắng vô tâm, sở dĩ ngài chìm đắm trong cảnh thiền, là nhằm cứu vớt muôn ngàn chúng sinh đó thôi.

Đều nói cõi đời lắm huyễn hoặc, có lúc biết rõ là tội lỗi, song vẫn phạm vào sai lầm chẳng thể dung tha. Bụi bặm dục vọng tản mác giữa nhân gian, khiến mọi người đều không thể tránh khỏi gánh nặng sinh mệnh. Bị những chuyện thế tục dồn ép đến mức thân bất do kỷ, chúng ta thường muốn buông xuống, nhưng đã bị trói chặt, muốn dừng bước, lại phát hiện đã đi quá xa, chẳng thể quay đầu. Dù sao cũng chỉ là người phàm tục, dục vọng chẳng khác nào dòng nước chảy, chém hoài không đứt, dẫu tự thương tổn bản thân đến tả tơi thì dòng chảy vẫn dào dạt trong veo. Trên con đường thu lả tả lá vàng, chúng ta chẳng cách nào phân biệt được gian nhà cỏ nào là chốn về sau cuối của mình, cũng chẳng rõ ai là người cuối cùng để mình nương tựa. Vận mệnh là một món tiền cược đặt bừa, khởi đầu đã chẳng thể trông thấy thắng và thua, nhận được vẫn là kết cục thua và thắng.

Bởi mới nói, có những người không phải không muốn lui, mà là chốn hồng trần sâu thẳm có quá nhiều mũi nhọn sắc bén, khi ở giữa nước xiết sóng ngầm, chẳng biết phải làm sao mới có thể không chút dao động. Mỗi khi mỏi mệt, lại muốn đứng lặng mặc kệ sinh tử, mặc cho bao chuyện tạp nhạp trói buộc bản thân, chẳng buồn vùng vẫy, cũng chẳng buồn truy hỏi căn nguyên vận mệnh không thể đoán biết nữa. Những khi bất lực, cũng muốn tìm đến cao tăng, nghe ngài giảng kinh dạy thiền, dùng Phật pháp phủi hết bụi bặm trong lòng. Mặt nước thanh khiết trong ao phóng sinh, phản chiếu cảnh hoang vu của nhân thế. Chẳng rõ một người qua hết bể dâu ngâm mình xuống dòng nước trong xanh, liệu có thể tìm về bản thân ngày cũ hay chăng? Nếu như hết thảy gặp gỡ và biệt ly trên đời đều có thể thanh khiết như một, vậy chúng ta phải

cảm tạ sự ấm áp mà mối duyên trần này ban tặng.

Thiền sư viết: ”Trăng bồ đề trước song vằng vặc, sen ngát trồng đầy giữa trần ai.” Trước song, một vầng trăng vằng vặc treo giữa trời, ánh trăng thanh khiết ấy, cũng như bồ đề viên giác trong nội tâm chúng ta, soi thấu hết thảy phiền não vô minh. Trăng sáng không biết thiên vị, sẽ chẳng soi riêng nhà nào, muôn vàn căn nhà trên trần thế đều được ban phát ánh trăng. Mà những kẻ ở giữa cõi tục như chúng ta, nếu chẳng thể tự mình thong thả, thì cũng chẳng cần trốn tránh. Làm một đóa sen thanh tịnh, thuần khiết nở bừng giữa bùn nhơ, tỏa hương ngan ngát. Phiền não chính là bồ đề, đã chẳng tránh khỏi lửa đỏ hun đốt, chi bằng gửi thân biển lửa, hóa thành tro bụi, cũng coi như cùng sống chết với sinh mệnh.

Có một câu nói rằng: dấn thân vào chỗ chết để tìm đường sống. Xem ra như vậy cũng thêm được mấy phần thiền ý. Một người chẳng có câu chuyện gì, hoặc có thể nói là một người xưa nay luôn thanh đạm như nước, thì chẳng cách nào ngộ được cảnh giới tối cao của thiền pháp. Chúng ta luôn tìm kiếm sự thuần khiết cuối cùng trên cõi thế, hi vọng người ta yêu, vật ta thích đều không vương bụi trần, như vậy mới có thể ngọt ngào sở hữu và chia sẻ sự hoàn mỹ vô khuyết ấy. Lại không biết rằng những người những việc đã trải hết bể dâu, nếm đủ ly tan, còn đáng trân trọng hơn nhiều. Việc chúng ta cần làm, không phải là nhuộm tờ giấy trắng tinh thành xanh thẫm, mà là dùng đôi tay dịu dàng, từ từ xoa dịu những vết thương chồng chất. Tình yêu đích thực không để tâm đến quá khứ, mà chỉ trao trái tim ra, đôi bên cùng sưởi ấm nhau khi lạnh lẽo, cùng vui cười khi đau khổ.

Từ Thụ thiền sư đã mượn bài thơ thiền của mình răn dạy chúng ta rằng Phật không phải hư vô, ngài có mặt ở muôn nơi. Bất luận bạn đang ở nhân gian hay trầm luân trong địa ngục, bạn thanh khiết hay nhơ bẩn, ngài trước sau vẫn theo luôn bên cạnh, như vầng trăng sáng ngoài kia. Buông bỏ chấp niệm, hết thảy tự tại. Nếu không buông được thì cứ tiếp tục ngồi thuyền trên sông, nếu bạn tỉnh ngộ ra, nhớ được phải bỏ thuyền mà xuống thì nhân thế mênh mang, chung quy sẽ có một nơi thu nhận bạn. Chẳng ai vừa sinh ra đã thành Phật, mà mỗi con người đều mang Phật tính, có lẽ những kẻ bình phàm như bạn như tôi, cũng có thể đem lòng từ bi cảm hóa người khác.

Sông cùng núi tận, gió trăng mịt mù. Nếu một ngày chúng ta chẳng thể tìm thấy nhau, xin hãy nhớ rằng, chúng ta từng trồng một gốc sen thanh tịnh giữa tục thế, hơn nữa còn cùng sẻ chia niềm hạnh phúc xa xỉ nhất thế gian.

Một phần của tài liệu 15411 - Duyên - Bạch Lạc Mai - [truyenclub.com] (Trang 59 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)