Hầu hết các mặt hàng nông sản phục vụ cho nhu cầu ăn, uống của con người. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhu cầu hàng nông sản có phẩm cấp cao ngày càng tăng, nhu cầu hàng có phẩm cấp thấp ngày càng giảm xuống. Tuy nhiên hàng nông sản phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người vẫn giữ vai trò quan trọng và không thể thiếu được đối với sự tồn tại của con người.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều quốc gia xuất khẩu hàng nông sản. nhưng các nước đang phát triển là những nước xuất khẩu hàng nông sản chủ yếu. Tuy nhiên hàng nông sản được xuất khẩu từ các nước này chủ yếu là các mặt hàng thô hoặc mới chỉ qua sơ chế nên có gía trị xuất khẩu chưa cao.
Những nước không có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp là những nước chính nhập khẩu hàng nông sản. Đây có thể là các nước chậm phát triển, đang phát triển hoặc phát triển. Tuy nhiên nhu cầu của mỗi nước đối với hàng nông sản rất khác nhau. Thông thường các nước chậm phát triển và đang phát triển có nhu cầu nhập khẩu một số lượng lớn sản phẩm lương thực. Những sản phẩm này có yêu cầu về chất lượng không cao, giá rẻ và chỉ cần một sự thay đối nhỏ về giá cả sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong hành vi tiêu dùng của người dân tại các nước này. Ngược lại, tại các nước phát triển, người tiêu dùng chỉ chấp nhận sản phẩm có chất lượng cao mặc dù giá đắt.
Thị trường nhập khẩu hàng nông sản đã và đang bị thu hẹp lại. Hiện tại các nước phát triển có nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên các nước này đã và đang thực hiện một cách phổ biến và sâu rộng chế độ trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp ở mức độ cao, bảo hộ thị trường nông sản nội địa dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn: Năm 1995,1996 số tiền trợ giá cho nông sản xuất khẩu chỉ riêng của EU đã bằng 80% tổng số tiền trợ giá của tất cả các thành viên thuộc WTO. Cơ chế trợ cấp và trợ giá quá cao cho hàng nông sản ở các nước đang phát triển đã gây sự bóp méo giá cả hàng nông sản xuất khẩu, hạn chế tác động của quy luật thị trường và giảm đi ưu thế cạnh tranh hàng nông sản của các nước đang phát triển vốn nhờ vào lao động rẻ. Cơ chế này không những làm tăng khả năng xuất khẩu hàng nông sản của các nước này mà còn hạn chế nhập khẩu nông sản của các nước này. Đây thực tế là một bất lợi lớn đối với sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu khẩu nông sản của các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam).
Trước sức ép của xu hướng tự do hoá thương mại buộc các nước phát triển phải nhất trí sự cần thiết giảm trợ giá cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, mở rộng tự do hoá thị trường nông sản thế giới ở một cuộc họp tại Mỹ vào tháng 11 năm 1999. Điều này dường như dẫn tới một tương lai sáng sủa hơn cho sản xuất
nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, giờ đây sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển lại phải đối mặt với những rào chắn khác, đó là những quy định chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái mà trong nhiều trường hợp người ta xem đó là hình thức bảo hộ trá hình nhằm ngăn cản hàng nông sản của các nước đang phát triển tràn vào thị trường các nước phát triển.
Các nước Châu Phi cũng có nhu cầu nông sản lớn nhưng khả năng thanh toán hạn hẹp. Trong khi đó Liên Hợp Quốc chỉ còn hỗ trợ nhập khẩu lương thực cho những nước có khủng hoảng chính trị.
Tình hình trên làm cho thị trường nông sản bị thu hẹp trong khi nguồn cung cấp nông sản khá dồi dào ở các nước Châu Á, Mỹ La Tinh, Tây Âu, Bắc Mỹ đã đẩy kinh doanh nông sản trên thị trường thế giới vào tình trạnh cạnh tranh quyết liệt khiến cho giá nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm, gây bất lợi cho những người sản xuất nông nghiệp và cho những nước xuất khẩu nông sản.
Theo như đã phân tích ở trên, thị trường nông sản thế giới đang bị thu hẹp, nguồn cung cấp hàng nông sản trên thị trường thế giới ngày càng dồi dào, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu nông sản nguyên liệu diễn ra ngày càng gay gắt buộc các nước đang phát triển phải xuất khẩu nông sản nguyên liệu cho các nước phát triển với giá thấp (các nước đang phát triển sẽ chế biến lại để xuất khẩu). Mặt khác hàng nông sản chế biến sâu của các nước đang phát triển lại phải cạnh tranh với hàng nông sản xuất khẩu cùng loại của các nước phát triển ở thế yếu hơn do hạn chế về công nghệ chế biến và khả năng đầu tư cho công nghệ chế biến nông sản xuất khẩu. Trong những điều kiện này, ưu thế cạnh tranh trên thị trường thế giới thuộc về các nước phát triển. Các nước này đã trở thành người chi phối và chiếm ưu thế trong quan hệ buôn bán nông sản trên thị trường.
Hiện tại thiệt thòi đang thuộc về các nước đang phát triển. Tuy nhiên theo đánh giá của tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) với tốc độ phát triển như hiện nay (dân số thế giới tăng trưởng với tốc độ cao nhưng đất đai sử dụng cho nông nghiệp lại giảm cùng với quá trình công nghiệp hoá làm cho tốc độ tăng bình quân nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn hơn
tốc độ tăng bình quân sản lượng nông sản trên thị trường thế giới) thì đến năm 2010 cầu về hàng nông sản trên thị trường thế giới sẽ vượt xa cung. Điều này mở ra một cơ hội mới cho các nước đang phát triển xuất khẩu nông sản nói chung và Việt Nam nói riêng có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong tương lai.
3. Tình hình sản xuất và xuất khẩu nông sản ở Việt Nam.a. Tiềm năng sản xuất hàng nông sản ở Việt Nam.