Lập gia đình
Khi Thái Tử đến tuổi kết hôn, có hai công chúa xinh đẹp được đề cử làm hoàng hậu tương lai, đó là Yasodhara và Gopaka. Hai cô công chúa đều xuất thân từ những gia đình giàu có và rất được kính trọng. Nhiều vị hoàng tử ở các nước lân cận háo hức muốn ngỏ lời cầu hôn với hai nàng. Do đó đã có một cuộc thi tài. Mỗi thí sinh phải trổ tài năng và tài thể thao mới có thể tranh được hai cô dâu đáng giá như thế. Thái Tử Siddhartha đã đánh bại các đối thủ và được cưới cả hai cô công chúa làm hoàng hậu. Điều này cũng có nghĩa là chàng đã được chuẩn bị để nắm quyền như vua cha. Cưới xong, chàng trị vương quốc Shakya với vai trò của một Thái Tử.
Một ngày nọ, Thái Tử rời cung điện lần đầu tiên vào thành phố Kapilavastu. Trong chuyến đi này, chàng chứng kiến tận mắt bốn sự kiện đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời chàng. Những sự kiện này đã đưa Thái Tử đối mặt lần đầu tiên với khổ đau của con người. Từ nhỏ đến lớn, chàng luôn được vua cha che chắn bảo bọc cẩn thận. Lần đầu tiên chứng kiến những cảnh ấy, Thái Tử hiểu ngay rằng tất cả chúng sinh
đều không thể thoát khỏi những khổ đau tất yếu của sinh lão bệnh tử. Khi đã hiểu được những điều này một cách trọn vẹn, Thái Tử tự hỏi làm sao người ta có thể cứ thản nhiên và giả ngơ như thể thế giới này không có vấn đề gì cả và những khổ đau này không tồn tại. Kinh
nghiệm này lập tức khiến Siddhartha có một ý định từ bỏ mãnh liệt, và buộc chàng nhận ra bản chất phù phiếm của thế gian. Tất cả những gì chàng đã làm trong đời sẽ trở thành vô nghĩa, vì ai rồi cũng sẽ phải trải qua những đớn đau như vậy và rồi sẽ chết, và những kinh nghiệm về cuộc đời này sẽ phai nhạt đi như trong một giấc mơ. Nhận ra được điều này, Thái Tử quyết định từ bỏ cung điện, lang thang đi tìm chân lý. Chàng muốn tìm một ý nghĩa đích thực cho cuộc đời mình.
Rời bỏ cung điện
Thái Tử có một người tùy tùng trung thành tên là Chanda và một con ngựa cừ khôi tên là Kanthaka. Thái Tử cho gọi người tùy tùng đến và ra lệnh cho ông ta chuẩn bị ngựa. Từ biệt vợ con trong lúc họ đang ngủ say, Thái Tử rời khỏi cung điện trong đêm tối, không hề để lộ cho nô bộc biết.
Thái Tử bảo người tùy tùng nắm lấy đuôi con ngựa. Ngựa phóng qua bức tường của cung điện một cách thần diệu rồi đi vào thành phố. Chuyện kể rằng bốn vị hộ pháp của bốn phương hướng đã giúp Thái Tử bằng cách mỗi người nhấc một chân ngựa đưa lên không và đưa chàng đến một nơi gọi là tháp Vishuddha, Bảo Tháp Đại Thanh Tịnh. Nơi đây Thái Tử đã chính thức từ bỏ đời sống tại gia và theo con đường từ bỏ hoàn toàn (đoạn diệt). Chàng lấy dao cắt tóc và cởi bỏ y phục Thái Tử, một dấu hiệu chứng tỏ rằng chàng đã từ bỏ mọi bám chấp vào thế gian này. Chuyện kể rằng các chư thiên và chư thần đã dùng thần thông xuất hiện quanh Ngài, cúng dường Ngài y áo của một thầy tu hành khất.
Mặc quần áo do chư thiên ban tặng, Ngài tuyên bố: “Ta đã từ bỏ đời sống thế gian để đi tìm con đường đến giác ngộ.”
Bắt đầu tu khổ hạnh
Siddhartha bắt đầu suy nghĩ kỹ lưỡng về bản chất của con đường mà Ngài theo đuổi. Ngài hiểu rằng các vị Phật trong quá khứ đã đạt được giác ngộ bằng sự thực hành khổ hạnh. Ngài biết chắc chắn rằng Ngài cũng phải đi con đường đó. [Vì thế] Siddhartha quyết định tu theo con đường khổ hạnh. Ngài lập nguyện nhịn ăn, kiêng hết mọi thực phẩm trong sáu năm. Ngài còn quyết tâm ngồi thiền không động đậy. Ngài đã ngồi bất động suốt sáu năm. Giai đoạn này của cuộc đời
Siddhartha Gautama được biết đến như sáu năm ẩn tu khổ hạnh và không gián đoạn. Chính sự tu khổ hạnh để sám hối nghiệp chướng này đã dẫn Ngài đến ngưỡng cửa của sự giác ngộ bên bờ sông Niranjana. Trong sáu năm nhịn ăn, Siddhartha vẫn giữ lời nguyện im lặng cao quý. Ngài không nói với bất kỳ ai mà an trú trong sự thinh lặng của thiền định. Có lần, khi Ngài ngồi im bất động, có một số người chăn bò địa phương đến gần và thắc mắc không biết Ngài là người hay là một bức tượng. Họ thọc cây sắt nóng vào tai Siddhartha, nhưng Ngài không hề có phản ứng gì. Như vậy, Ngài đã chứng tỏ một lòng quyết tâm lớn lao phải đắc quả qua sự thiền định và khổ tu.
Giác ngộ
Mẹ của Siddhartha Gautama qua đời bảy ngày sau khi sinh Ngài, và bà được sinh vào cõi thiên, “cõi trời thứ ba mươi ba” (tam thập tam thiên). Là một vị thần của cõi này, bà có được khả năng nhìn xa (thiên lý nhãn) và thấy người con bà trong kiếp trước đang gặp khó khăn. Khi hoàng hậu Mayadevi khóc thương con, những giọt nước mắt huyền diệu của bà rơi xuống từ cõi trời tạo thành một cái hồ nhỏ xuất hiện ngay trước mặt Thái Tử đang ngồi thiền. Điều này đã khiến cho vị đại thiền giả phá vỡ sự yên lặng chỉ một tuần trước khi đạt được giác ngộ. Ngài lên tiếng trấn an mẹ: “Mặc dù đã trải qua những khó khăn không thể tưởng tượng nỗi, con vẫn chưa đạt được mục đích. Chỉ còn một tuần nữa thôi là con sẽ đạt giác ngộ. Lúc đó, con sẽ đền đáp lòng tốt của mẹ và sẽ giảng pháp cho mẹ trong một tương lai gần đây.” Như vậy, mẹ Ngài là người đầu tiên khiến Ngài phá vỡ lời thề tịnh khẩu. Sau sáu năm thiền định, Siddhartha đứng dậy đi bộ đến một nơi mà sau này được biết đến là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), hay Kim Cương Toà (Diamond Seat). Ngài đến trước một cây bồ đề rất lớn. Ngài biết rằng đây chính là nơi mà tất cả chư Phật thời quá khứ – bao gồm Phật
Krakucchanda, Kanakamuni và Kashyapa – đã đạt được giác ngộ. Bằng một sự sùng kính sâu xa, Gautama đảnh lễ trước Kim Cương Toà, rồi Ngài ngồi lên đó, tựa lưng vào cây bồ đề. Trên chiếc ngai giác ngộ của chư Phật đời trước, Siddhartha đạt được thành quả vĩ đại nhất từ trước đến nay, hơn cả các vị Phật trước. Ngài đã đạt được giác ngộ hoàn toàn. [Như vậy], Gautama đã trải qua sáu năm thiền định trên bờ sông Niranjana, sau đó
đã đến ngồi trên Kim Cương Toà của Bồ đề Đạo Tràng để hoàn tất sự tu tập.
Ngài trở lại chỗ thiền định và ngồi xuống vào lúc hoàng hôn của một đêm rằm. Ma và ngạ quỷ bao vây lấy Ngài trong cơn ghen tức điên cuồng trông rất ghê rợn. Chúng đe dọa Ngài bằng những hình thù ma quỷ, khua vũ khí và gào thét trong thịnh nộ và thù địch. Bọn ma quỷ này có quyền phép cao và có thể huỷ diệt bất cứ cái gì chúng muốn. Song, chúng đã không thể đánh bại được Ngài trước năng lực vô địch của thiền định, lòng từ bi và từ ái của Ngài. Lúc này, Ngài đã sắp đạt được giác ngộ, trong sự thiền định kiên cố không bẻ gẫy được. Những gì tấn công vào Ngài đều hóa thành những bông hoa của thiên đường. Ngài chẳng hề hấn gì cả. Ngài chiến thắng và hàng phục mọi thứ ma quỷ từ hoàng hôn cho đến đêm. Sau đó cho đến giữa đêm, Ngài trụ trong đại định. Cuối cùng, lúc bình minh, Ngài hoàn toàn đạt giác ngộ viên mãn, trở thành Chánh Biến Tri (samyak-‐‑sambuddha), tức là người đạt được sự hiểu biết chân chính. Giác ngộ rồi, Siddhartha Gautama, giờ đây là Phật, đi vào trạng thái bất khả tư nghì và siêu việt nhất của cực lạc và tánh không, tức là trạng thái giác ngộ. Trong trạng thái thâm sâu này, Ngài phát sinh một ước nguyện to lớn: “Sẽ kỳ diệu biết bao nếu tất cả chúng sinh đều có thể đạt đến cái thấy này như ta vậy.”
Trở thành vị thầy
Đức Phật mong ước có thể chia sẻ cái thấy của Ngài với hết thảy chúng sinh, song Ngài nhận ra rằng chúng sinh đã lún quá sâu trong vô minh, khó lòng có thể nào hòa nhập với Ngài. Vì thế Ngài đã thốt ra những lời nổi tiếng sau đây:
“Ta đã tìm thấy Giáo Pháp như cam lồ; đó là thanh tịnh quang, uyên thâm và an lạc, và vượt ra ngoài mọi khái niệm. Dù ta có giải thích, người khác cũng không thể hiểu được. Do vậy, ta sẽ ở lại trong rừng và nguyện tịnh
khẩu. Sau đó, Ngài không giảng dạy và trụ trong im lặng suốt bảy năm.
[Khi ấy] Phạm Thiên (Brahma), vị chúa tể của vũ trụ, và Đế Thích (Indra), vị hộ pháp của các thần thánh, biết rằng trí huệ giác ngộ vĩ đại của một vị Phật đã biểu hiện trong thế giới này. Brahma xuất hiện và cúng dường Đức Phật một cỗ xe có một ngàn nan hoa bằng vàng ròng, còn Indra thì cúng dường một vỏ sò xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ hiếm có. Với những biểu hiện cát tường của lòng sùng kính cao tột này, họ cầu khẩn Đức Phật chuyển Pháp Luân vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Và Đức Phật Shakyamuni đã bằng lòng. Trong suốt cuộc đời Ngài ở cõi ta bà, Đức Phật đã chuyển bánh xe pháp ba lần, đó là ba lần chuyển Pháp Luân.
Lần chuyển Pháp Luân thứ nhất
Lần chuyển Pháp Luân đầu tiên diễn ra trong thành phố Varanasi cổ xưa của Ấn Độ, với chủ đề chính là Tứ Diệu Đế3 (bốn chân lý cao quý, nhiệm mầu). Những lời giảng này được thu thập lại thành Kinh Tiểu Thừa
(Theravada), hay giới luật (commonly held precepts). Kinh Tiểu Thừa chủ yếu đề cập đến bốn đại Pháp-‐‑ấn (Dharma seals):
1. Mọi hiện tượng đều vô thường. 2. Mọi hiện tượng đều đau khổ. 3. Mọi hiện tượng đều vô ngã. 4. Chỉ có Niết Bàn là an lạc.
Trước tiên, Đức Phật dạy rằng mọi hiện tượng do nhân duyên mà thành, tức là được hợp thành do nhiều yếu tố và nhân tố khác nhau, đều ngắn ngủi và vô thường; chúng không tồn tại vĩnh viễn. Thứ hai, tất cả mọi kinh nghiệm thuộc hiện tượng đều có bản chất là khổ. Thứ ba, Đức Phật kết luận rằng các hiện tượng của thế gian đều không có tự ngã. Thứ tư, Đức Phật khai thị rằng Niết Bàn, hay giải thoát, là an lạc. Bốn giáo lý này là chủ đề chính yếu của lần chuyển Pháp Luân thứ nhất của Đức Phật Shakyamuni, ở Varanasi.
3 Tứ Diệu Đế: 1. Các cảnh giới và chúng sinh đều phải chịu nhiều khổ đau hay bất toại nguyện (Khổ đế); 2. Nguyên nhân