- Hiệu quả hoạt động của ngân hàng qua giả thuyết “Quản lý kém” (Bad Management) có thể tác động đến nợ xấu. Chính Berger và DeYoung (1997) đã đặt nền tảng cho khung lý thuyết này và phát hiện ra mối liên hệ giữa nợ xấu và hiệu quả của các ngân hàng khi phân tích quá trình hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Mỹ trong giai đoạn từ năm 1985 đến 1994. Nghiên cứu này
chứng minh: hiệu quả ngân hàng thấp sẽ dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao. Thực chất, nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả này xuất phát từ công tác quản lý của các ngân hàng còn lỏng lẻo trong các khâu chấm điểm tín dụng, thẩm định tài sản đảm bảo, giám sát các khoản nợ sau khi cho vay, hoặc có thể là trong việc kiểm soát các chi phí. Tóm lại, giả thuyết này cho rằng hiệu quả ngân hàng thấp do quá trình quản lý yếu kém sẽ có tác động tiêu cực đến tỷ lệ nợ xấu. Trên thực tế, đã có rất nhiều những nghiên cứu thực nghiệm khác góp phần rất lớn trong việc củng cố lý thuyết này như William (2004), Espinoza và Prasad (2010), Messai và Jouini (2013).
- Mức độ vốn hóa qua giả thuyết “Rủi ro đạo đức” (Moral Hazard) có thể tác động đến nợ xấu. Giả thuyết này cho rằng nếu xét trong trường hợp một số ngân hàng có vốn thấp và khả năng thanh toán thấp thì sẽ sẵn sàng mạo hiểm đầu tư vào các khoản tín dụng mang lại nhiều lợi nhuận hơn với mong muốn cải thiện khả năng thanh khoản cho ngân hàng mình. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và tổn thất hơn. Nghiên cứu của Keeton và Morris (1987) cũng đã cho thấy các ngân hàng có tỷ trọng vốn chủ sở hữu thấp thì có khả năng cao dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu trong tương lai. Tóm lại, giả thuyết này cho rằng mức độ vốn hóa sẽ có tác động ngược chiều đến tỷ lệ nợ xấu. Một số nghiên cứu thực nghiệm khác cũng củng cố giả thuyết này như: Berger và DeYoung (1997), Salas và Saurina (2002).
- Chính sách tín dụng qua giả thuyết “Chính sách tín dụng có tính chu kỳ” (Procyclical Credit Policy) có thể tác động đến nợ xấu. Mô hình của Rajan (1994) đã chứng minh mối quan hệ này khi nêu ra trường hợp một số ngân hàng thường cố gắng theo đuổi một chính sách tín dụng mở rộng trong suốt thời kỳ bùng nổ của chu kỳ kinh tế và một chính sách tín dụng thắt chặt trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Điều này được cho là do ban lãnh đạo của ngân hàng phải
chịu áp lực tạo ra lợi nhuận trong ngắn hạn và uy tín của họ trong việc quản lý ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không thay đổi chính sách tín dụng khi nền kinh tế thay đổi để nâng cao thu nhập. Và việc quyết định tín dụng theo xu hướng này có thể dẫn đến việc ào ạt chấp nhận các khoản vay có rủi ro cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng khi nền kinh tế bùng nổ, nhưng đến khi tốc độ tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt thì có thể nảy sinh vấn đề người vay lại không đủ khả năng trả nợ, từ đó sẽ làm tăng nguy cơ nợ xấu. Tóm lại, việc quyết định chính sách tín dụng như thế nào cũng có thể tác động đáng kể tới tỷ lệ nợ xấu.