Thành lập ban phụ trách công tác hướng nghiệp cho học sin hở trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động hướng nghiệp ở các trường trung học cơ ở huyện lạng giang, tỉnh bắc giang theo chương trình giáo dục phổ thông mới​ (Trang 77 - 79)

8. Cấu trúc luận văn

3.2. Các biện pháp quản lí hoạt động hướng nghiệp theo chương trình giáo dục

3.2.4. Thành lập ban phụ trách công tác hướng nghiệp cho học sin hở trường

Trung học cơ sở

3.2.4.1. Mục tiêu của biện pháp

Xuất phát từ thực tiễn mà chúng tôi đã khảo sát và trình bày trong chương 2, hiện nay, các trường Trung học cơ sở ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang chưa có ban phụ trách công tác hướng nghiệp, trong khi đó theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động hướng nghiệp được bắt đầu và triển khai đối với tất cả các khối lớp của nhà trường. Vì thế, việc thành lập ban phụ trách công tác hướng nghiệp cho học sinh giúp cho hoạt động hướng nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới được tiến hành bài bản, xuyên suốt, đảm bảo đạt được mục tiêu của hoạt động này ở cấp trung học cơ sở là giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

3.2.4.2. Nội dung và cách thức thực hiện

Ban phụ trách hoạt động hướng nghiệp do Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở lập ra để thực hiện các hoạt động chuyên môn liên quan đến hoạt động hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới ở trường Trung học cơ sở. Bộ phận này có thể là các giáo viên ở trường Trung học cơ sở có đủ các phẩm chất và năng lực phù hợp để phụ trách hoạt động hướng nghiệp cho học sinh được Hiệu trưởng nhà trường lựa chọn và lấy ý kiến của tập thể sư phạm. Bên cạnh đó, trường Trung học cơ sở căn cứ vào các vị trí việc làm của đơn vị, có thể đề xuất tuyển dụng nhân sự có chuyên môn Tâm lí-Giáo dục học để phụ trách bộ phận này trên cơ sở phối hợp với giáo viên cốt cán đang công tác tại trường. Nhiệm vụ của từng thành viên do Hiệu trưởng nhà trường quy định.

Hiệu trưởng chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu cho Ban phụ trách hoạt động hướng nghiệp về tổ chức, thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở trường Trung học cơ sở. Hiệu trưởng nhà trường cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Sở Giáo dục và Đào tạo, thậm chí là các lớp bồi dưỡng chuyên môn sâu mang tính chuyên ngành về giáo dục hướng nghiệp giúp các thành viên có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Nội dung thực hiện hoạt động hướng nghiệp ở trường Trung học cơ sở của bộ phận chuyên trách bao gồm:

+ Lập kế hoạch hoạt động hướng nghiệp cho từng khối lớp (xây dựng kế hoạch, giáo án cho từng hoạt động hướng nghiệp theo định hướng trong Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong đó xác định rõ tên bài cho từng hoạt động, thời gian thực hiện, mục tiêu, nội dung, cách thức tổ chức hoạt động).

+ Thực hiện các nội dung hoạt động hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới ở trường Trung học cơ sở cho từng khối lớp: Hoạt động tìm hiểu thế giới nghề nghiệp, hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp, hoạt động lựa chọn nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp của học sinh.

+ Xây dựng các tiêu chí kiểm tra đánh giá, thực hiện kiểm tra đánh giá và tự kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động hướng nghiệp, báo cáo Hiệu trưởng nhà trường làm căn cứ thực hiện công tác quản lí hoạt động hướng nghiệp ở trường Trung học cơ sở.

+ Ngoài ra, bộ phận này còn tham mưu, đề xuất các yêu cầu, nhiệm vụ, cố vấn cho Hiệu trưởng nhà trường thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động hướng nghiệp; Thay mặt Hiệu trưởng nhà trường tổ chức hoặc phối hợp với các bộ phận, đơn vị trong và ngoài trường thực hiện các hoạt động hướng nghiệp phù hợp.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, nhân sự trong bộ phận chuyên trách hoạt động hướng nghiệp phải có các phẩm chất cơ bản như: tinh thần trách nhiệm cao, mong muốn được làm việc, tiếp xúc với học sinh, kiên trì với công tác hướng nghiệp và trợ giúp học sinh ở mức độ cao. Bên cạnh đó cần có các năng lực sau:

- Năng lực hiểu đặc điểm tâm lí học sinh Trung học cơ sở.

- Năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

- Năng lực tư vấn hướng nghiệp (Tìm hiểu sở thích nghề nghiệp và năng lực nghề nghiệp của học sinh; Tư vấn lựa chọn hướng đi phù hợp với học sinh (về năng lực, sở thích, điều kiện bản thân và nhu cầu xã hội gồm tư vấn nhận thức về bản thân, tư vấn tìm kiếm thông tin ngành nghề, tư vấn ra quyết định lựa chọn ngành nghề; Tư vấn lập kế hoạch nghề nghiệp và sẵn sàng chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai).

- Năng lực giao tiếp, xử lí các tình huống liên quan đến hướng nghiệp với học sinh và các đối tượng có liên quan.

3.2.4.3. Điều kiện thực hiện biện pháp

Hiệu trưởng nhà trường tạo mọi điều kiện cho bộ phận chuyên trách hoạt động hướng nghiệp hoạt động có hiệu quả (tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, con người...).

Nhà trường cần có chức danh cho giáo viên, cán bộ chuyên trách làm công tác hướng nghiệp ở các trường Trung học cơ sở. Giáo viên, cán bộ này phải được hưởng

phụ cấp công việc như các giáo viên khác phụ trách hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tư vấn nghề cho học sinh và đóng vai trò cố vấn chuyên môn cho Hiệu trưởng, các nhà quản lí trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch liên quan đến hướng nghiệp.

Bộ phận chuyên trách này phải có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức phù hợp, có lòng nhiệt tình với công tác hướng nghiệp và yêu mến học sinh, mong muốn làm việc với học sinh; phải thường xuyên được bồi dưỡng bằng các đợt tập huấn cập nhật các kiến thức kỹ năng mới và nâng cao tay nghề chuyên môn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động hướng nghiệp ở các trường trung học cơ ở huyện lạng giang, tỉnh bắc giang theo chương trình giáo dục phổ thông mới​ (Trang 77 - 79)