Phân tích định lượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuyển chọn máy kéo để phay đất trồng lúa cho khu vực đồng bằng cần thơ (Trang 43 - 45)

d) Hiệu quả vốn đầu tư

3.1.3.2. Phân tích định lượng.

Khi lựa chọn thiết bị chúng ta chỉ dựa vào phân tích định tính thì chưa đầy đủ mà phải tiến hành phân tích định lượng. Phân tích định tính chỉ ra cho thấy một số thiết bị có khả năng sử dụng được trong điều kiện sản xuất. Nhưng hiệu quả sử dụng của chúng chưa đánh giá được cụ thể . Phân tích định lượng là quá trình tính toán toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, chỉ tiêu xã hội và môi trường từ đó so sánh các giá trị của chúng để chọn ra thiết bị có nhiều chỉ tiêu tốt nhất. Các chỉ tiêu thường được nêu ra tính toán là:

- Chỉ tiêu về kỹ thuật mà đại diện là năng suất lao động: Đây là chỉ tiêu chung đánh giá kết quả hoàn thành công việc của thiết bị. Chỉ tiêu năng suất

lao động phản ánh ảnh hưởng tổng hợp nhiều yếu tố của thiết bị như: Công suất của máy, trọng lượng của máy, độ tin cậy của máy, các tiện nghi hỗ trợ cho sử dụng và điều khiển máy. Tất cả các yếu tố trên đều tốt thì năng suất lao động cao. Ngược lại các yếu tố trên kém không phù hợp thì năng suất lao động thấp.

- Chỉ tiêu về kinh tế thường thể hiện bằng chi phí sản xuất và lợi nhuận. Đây là chỉ tiêu tổng hợp thể hiện hiệu quả kinh tế của thiết bị. Để tính giá thành sản phẩm chúng ta phải tính toán toàn bộ chi phí sản xuất rồi phân bổ cho từng sản phẩm làm ra của thiết bị. Chi tiêu về giá thành sản phẩm và lợi nhuận bao hàm nhiều yếu tố như: Chi phí nhiên liệu, khấu hao máy móc, tuổi thọ của máy kể cả năng suất lao động của thiết bị. Vậy chỉ tiêu về giá thành sản phẩm là chỉ tiêu quan trọng nhất quyết định đến lựa chọn máy móc thiết bị.

- Chỉ tiêu về xã hội là chỉ tiêu phản ánh khả năng giảm bớt cường độ lao động và an toàn cho người sản xuất khi sử dụng thiết bị.

- Chi tiêu về môi trường đó là chỉ tiêu về bảo vệ môi trường sinh thái hay là khả năng gây ô nhiễm môi trường của thiết bị.

Trong luận án này chúng tôi chỉ đề cặp đến việc lựa chọn máy kéo để phay đất trong khâu làm đất phục vụ cho trồng lúa ở khu vực Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long, nên chỉ tính toán dựa vào 3 chỉ tiêu chính:

- Chỉ tiêu về năng suất của thiết bị.

- Chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế, nó được tính qua chi phí sản xuất, lợi nhuận hoặc tổng quát nhất là hiệu quả vốn đầu tư và

- Chỉ tiêu về an toàn lao động.

Sau khi tính toán được giá trị của các chỉ tiêu trên có thể dùng một trong ba phương pháp để lựa chọn:

* Phương pháp so sánh: Là phương pháp truyền thống được sử dụng rộng rãi trong sản xuất. Phương pháp này đơn giản nhưng độ chính xác thấp. Nội dung của phương pháp là: Tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của tất cả các thiết bị rồi đưa ra so sánh. Trên cơ sở đó, thiết bị nào có nhiều chỉ tiêu đạt giá trị tốt thì ta chọn thiết bị đó.

* Phương pháp thống kê cho điểm: Để đạt được độ chính xác cao và bao quát hết các chỉ tiêu so sánh chúng ta cho điểm từng chỉ tiêu của từng thiết bị một, sau đó tổng hợp lại thiết bị nào đạt điểm cao nhất sẽ là phương án được chọn.

* Phương pháp tối ưu: Đặc điểm của phương pháp so sánh và phương pháp thống kê cho điểm là chỉ có thể chọn được một thiết bị tốt nhất trong các thiết bị đưa ra so sánh. Nếu số thiết bị đưa ra so sánh nhiều thì việc tính toán so sánh trở lên phức tạp nên thực tế số thiết bị đưa ra thường hạn chế, do đó không có khả năng chọn được thiết bị tốt nhất trong tập hợp các thiết bị có thể. Khi số thiết bị đưa ra nhiều và cần độ chính xác cao thì người ta phải sử dụng phương pháp tối ưu. Nội dung của phương pháp này là: Xác lập mối quan hệ giữa các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong sự phụ thuộc vào các tham số có thể thay đổi được của thiết bị, ta được hàm số gọi là hàm mục tiêu. Khảo sát các hàm mục tiêu này tìm ra miền cực trị hay điểm cực trị. Thiết bị nào ứng với tham số có điểm cực trị là thiết bị tối ưu nhất. Phương pháp này luôn chỉ ra được thiết bị tối ưu nhất trong một tập hợp các thiết bị có thể. Tuy nhiên mức độ chính xác còn phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn các tham số của hàm mục tiêu và cách lập hàm này. Phương pháp tối ưu đặc biệt có hiệu quả khi giải bài toán tuyển chọn thiết bị trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Với ưu điểm của phương pháp tối ưu ở trên, trong nội dung của luận án này chúng tôi dùng phương pháp tối ưu để lựa chọn máy kéo phay đất trồng lúa cho khu vực Đồng bằng Cần Thơ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tuyển chọn máy kéo để phay đất trồng lúa cho khu vực đồng bằng cần thơ (Trang 43 - 45)