Thuyết “kiêm ái” của Mặc Tử là tư tưởng về một xã hội đại đồng. Đây là một tình cảm, một lý tưởng vượt lên trên tất cả mọi giai cấp trong xã hội. Nó như là mầm mống của chủ nghĩa xã hội không tưởng thời kỳ sơ khai mà sau này
ở phương Tây có Thomas More (1478 - 1535) rồi đến Saint Simon (1760 - 1825), Phuriê (1772 - 1837), Robert Owen (1771 - 1858) phát triển lên thành một trào lưu và được Mác - Ăngghen kế thừa trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc để đưa ra tư tưởng về xã hội cộng sản chủ nghĩa. Ở xã hội này mọi người được tự do, bình đẳng và có cuộc sống đầy đủ, đó thực sự là xã hội đại đồng trong tương lai.
Với tư tưởng “kiêm ái” thể hiện qua đời sống chính trị bằng các phạm trù “phi công”, „thượng hiền”, “thượng đồng” và sinh hoạt đời thường với các phạm trù “phi nhạc”, “tiết dụng”, “tiết táng” đã cho thấy được cách nhìn đúng đắn của Mặc Tử về xã hội đương thời, trong sự thống trị của Nho gia với những nguyên tắc, quy tắc hà khắc bó buộc đời sống con người.
Quan điểm “phi công” phản đối kịch liệt chiến tranh xâm lược, thôn tính lẫn nhau giữa các nước là một tư tưởng tiến bộ giữa cảnh đất nước đang chiến tranh loạn lạc. Thêm vào đó, chủ trương không tiến hành xâm lược nước khác nhưng phải “tích lương thực, rèn vũ khí, đắp thành cao, dựng lũy chắc để bảo vệ quyền sống có lẽ vẫn còn đúng khi nào nguy cơ chiến tranh chưa bị loại bỏ.
Quan điểm “thượng hiền” cho thấy việc quý trọng tài năng của con người. Muốn đất nước ngày càng giàu mạnh thì cần phải có những người hiền tài đứng ra lãnh đạo đất nước. Bậc thánh nhân cần phải biết lựa chọn ra những người có tâm, có tầm để sử dụng vào bộ máy chính quyền, đồng thời phải biết nghe những lời can gián của họ khi mình làm sai. Tư tưởng đưa người tài giỏi vào làm công việc trị nước không phân biệt giai tầng, sang hèn là một tư tưởng đối lập với Nho gia và ta có thể nhận thấy đây là một điểm đúng đắn của Mặc Tử.
Quan điểm “thượng đồng” chỉ ra rằng để xã hội được thịnh trị, yên vui thì trên dưới cần phải đồng lòng, dân phải trung thành và nghe lời vua, ngược lại vua phải biết chăm lo cho dân. Với Mặc Tử, nếu trên dưới đều biết bảo ban nhau, đoàn kết thì xã hội sẽ nhanh chóng vững mạnh, phồn vinh.
Về “phi nhạc”, xét khía cạnh tích cực của nó trong tư tưởng của Mặc Tử, đó là xóa bỏ những thứ văn hóa tinh thần xa hoa không phù hợp với lợi ích của
dân chúng, không đem lại cho dân cơm no, áo ấm mà còn bắt dân phải đóng góp sức người, sức của vào việc sáng tạo và sử dụng nó, không thể nào làm việc đồng áng, dệt vải, quay tơ được. Điều này sẽ dẫn đến một xã hội yếu kém về mặt vật chất.
“Tiết dụng” của Mặc Tử, ở một góc độ nào đó là đúng. Nó được đưa ra nhằm chống lại thói ăn chơi xa hoa của giai cấp thống trị. Việc đòi hỏi mọi người cần phải hạn chế tiêu dùng, chỉ tiêu dùng ở mức độ trung bình phù hợp với những yêu cầu và lợi ích sơ đẳng nhất của mình mà thôi, cho thấy dường như Mặc Tử đã đạt tới một trình độ khái quát cao trong việc thâm nhập vào đời sống hiện thực của con người trong xã hội, nghiên cứu từ việc lớn cho tới việc nhỏ để từ đó đưa ra những quan điểm của mình về các chính sách xây dựng một xã hội lý tưởng trên nền tảng cơ sở đạo đức xã hội là “kiêm ái”.
Phê phán Nho gia ở nhiều góc độ, trong đó Mặc Tử đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề ma chay, cư tang của trường phái này. Mặc Tử dũng cảm lên án các nghi lễ rườm rà, lắm thủ tục của việc ma chay đang diễn ra trong xã hội. Ông chỉ rõ với việc thực hiện theo Nho gia thì xã hội ngày càng suy yếu, người dân mất đi sinh lực để lo cho cuộc sống hiện đại, của cải xã hội thì ngày càng hao mòn. Từ đó Mặc Tử đưa ra quan điểm “tiết táng” nhằm chỉ cho mọi người thấy, trong cuộc sống chúng ta cần phải tiết kiệm cả ở việc ma chay, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu đang đeo bám nhiều năm trời của Nho gia, tiến hành ma chay một cách đơn giản nhất. Tính nhân đạo của Mặc Tử còn thể hiện ở chỗ ông phản đối thời gian cư tang quá lâu của Nho gia, làm thế không phải vì không có hiếu với ông bà, cha mẹ, vợ chồng mà điều Mặc Tử hướng tới chính là lợi ích của người còn sống. Ông không muốn thấy cảnh nhiều người sau thời gian cư tang trở nên kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần, khó có thể tiếp tục sống khỏe mạnh được.
Tư tưởng “kiêm ái” bao trùm tất cả các nội dung chính trong triết học Mặc Tử. Nó mang tới cho chúng ta một cách nhìn mới mẻ trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Nếu không phải là một con người vì dân, vì nước không màng tới lợi ích cá nhân thì không thể nào đưa ra được những quan điểm đầy tính nhân bản như vậy. Chính những điều tích cực này đã đưa Mặc Tử trở thành một trong
những nhà triết học nổi tiếng của Trung Hoa thời kỳ cổ đại. Tên tuổi của ông, luôn được người đời sau biết đến với lòng kính trọng về tinh thần nhân đạo, cách mạng của ông.