Vài nét khái lược về ba nhà văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn về đề tài an ninh xã hội của lê tri kỷ, hữu ước và nguyễn đình tú (Trang 31)

7. Cấu trúc luận văn

1.3. Vài nét khái lược về ba nhà văn

1.3.1. Nhà văn Lê Tri Kỷ - anh cả của văn học thuộc ngành công an

1.3.1.1. Cuộc đời và con người

Nhà văn Lê Tri Kỷ sinh ngày 14 tháng 6 năm 1924 tại thôn Lưỡng Kim, xã Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tên thật của ông là Nguyễn Duy Hinh. Sinh ra ở mảnh đất miền Trung cằn cỗi, đầy nằng và gió, lại mồ côi mẹ từ sớm, không khó hiểu ở Lê Tri Kỷ vừa có cái gì đó rất khắc khổ lại đầy chịu thương chịu khó, đặc trưng của người dân miền Trung. Dù nhà nghèo nhưng từ thở nhỏ, cậu bé Hinh đã được cha mẹ lo cho ăn học tử tế. Đến năm 20 tuổi, khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chàng thanh niên Nguyễn Duy Hinh đã sớm tiếp nhận lý tưởng cách mạng và say mê làm việc cống hiến cho quê hương và đất nước.

Nguyễn Duy Hinh có duyên nợ với nghề công an từ rất sớm. Ngay từ khi bước chân vào con đường Cách mạng, ông đã được giao những nhiệm vụ liên quan tới ngành này. Ban đầu ông công tác ở Ủy ban xã và hoạt động thanh niên cứu quốc. Sau đó, từ năm 1946 đến năm 1951, Nguyễn Duy Hinh lần lượt đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau trong ngành, từ Công an huyện Hải Lăng, chánh văn phòng ty Công an đến phái viên kiểm tra của Nha Công an Trung ương ở Việt Bắc rồi làm Phó Ty Công an tỉnh Bắc Giang, cuối cùng làm Phó phòng Nội gián, hoạt động công tác chính trị, phụ trách tuyên truyền, Trưởng phòng sáng tác và làm Phó Giám đốc rồi Quyền Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân - Bộ Công an cho đến lúc nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá.

Nhờ đặc thù nghề nghiệp mà anh công an Nguyễn Duy Hinh có nhiều cơ hội đi, tiếp xúc với các vụ án lớn nhỏ, những kẻ thủ ác, những người sa cơ lỡ bước và các mảnh đời bất hạnh. Đứng ở vị trí này, ông thấu hiểu hơn ai hết sự vất vả hy sinh của các chiến sĩ công an cũng như biết được ranh giới mong manh giữa thiện

và ác. Yêu nghề, gắn bó với nghề, ông tha thiết muốn cất tiếng nói giùm những người trong cuộc, để từ đó nhân dân có cái nhìn khách quan, thấu hiểu hơn về ngành công an, các chiến sĩ công an cũng như công việc của họ. Đó có lẽ chính là lý do mà từ một người công an mẫn cán, Nguyễn Duy Hinh bỗng sinh ra duyên nợ với cái nghiệp viết văn. Khi bàn về con đường đến với văn chương của Lê Tri Kỷ, nhà nghiên cứu Hoàng Như Mai cho rằng: “Một là, là cán bộ Công an ông ý thức

cần đưa người Công an, công việc của người Công an vào văn học để độc giả hiểu thêm, hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó quan tâm giúp đỡ ngành Công an”; “Hai là, ông yêu mến thiết tha công việc Công an, “nghề Công an”. Vì yêu mến nên ông mới thấy được, thấu triệt được những cái tốt, cái hay, cái đẹp, đồng thời cũng băn khoăn, day dứt về cái bất cập, thiếu sót, sai, xấu của Công an” (2001) [43]. Nhà văn Xuân Thiều cũng nhận xét: "Trong quá trình hoạt động, trái tim ông đã rung động khôn nguôi trước những tình cảm, những mảng đời của các chiến sĩ Công an, trước những trường hợp éo le đầy kịch tính trong xã hội luôn biến động giữa cuộc chiến đấu sống còn giữa ta và địch và trên hết chính là trái tim người chiến sĩ Công an cách mạng trong ông luôn trăn trở, luôn thắc thỏm giữa ranh giới cái thiện, cái ác trong con người và như một định mệnh, ông cầm bút để nói hộ lòng mình" [47]. Nguyễn Duy Hinh đến với nghề văn khi ông đã bước vào tuổi 35, khi mà tuổi trẻ sôi động đã qua; trở thành người đàn ông tuổi trung niên, trầm tĩnh, sâu sắc, đầy kinh nghiệm cuộc đời, lắng đọng rất nhiều niềm vui và nỗi buồn của cuộc đời. Có lẽ chính vì vậy mà văn của ông có sự thấu hiểu sâu sắc với ngành mà hiếm nhà văn cùng thời nào có được? Ông lấy bút danh là Lê Tri Kỷ, như một sự thể hiện nỗi niềm gắn bó đầy tri âm tri kỷ với cuộc đời, với ngành công an, với những con người mà ông đã gặp, sẽ gặp và chưa gặp.

Những năm cuối đời, già yếu, bệnh tật, Lê Tri Kỷ vẫn không ngừng lao động sáng tạo. “Lê Tri Kỷ là ngọn đèn cháy kiệt đến giọt dầu cuối cùng trên công việc” [47]. Ông vẫn là ông, con người kỹ càng trong công việc, ngay thẳng và quan tâm tới bạn bè đồng nghiệp, nhân ái và bao dung với người khác. Những đức tính ấy đã theo ông vào cả trong những con chữ, làm thành cái hồn của mỗi tác phẩm.

Lê Tri Kỷ vĩnh biệt cuộc đời vào ngày 08.5.1993 trong sự thương tiếc khôn cùng của gia đình, người thân, của bạn bè, đồng nghiệp, và độc giả. Đến với ngành Công an và nghiệp viết văn như một duyên nợ, ông đã gắn bó với chúng tới tận cuối đời, không rời không bỏ, tri âm tri kỷ như chính cái bút danh mà ông đã lựa chọn cho các tác phẩm của mình.

1.3.1.2. Sự nghiệp văn chương

Như trên đã nói, Lê Tri Kỷ bước vào nghề viết khá muộn. Quãng chừng trên dưới 35 tuổi ông mới bắt đầu có tác phẩm đầu tiên. Và tới tận khoảng năm 1960, ông mới có sách xuất bản. Suốt 30 năm viết văn, Lê Tri Kỷ đã để lại các tác phẩm trên nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký, ký, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh. Thoạt đầu ông viết truyện người thật việc thật, truyện ký rồi tiếp đến là viết tiểu thuyết tư liệu. Dù đã có kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trong nghề công an, liên tục cọ xát với thực tế, và sở hữu một nguồn tư liệu viết cực kỳ dồi dào, nhưng để có được một tác phẩm hay thì điều đó cũng không phải dễ dàng. Năm 1960 và 1961, ông lần lượt cho ra đời hai tác phẩm là ký sự Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu, truyện trinh thám Cây đa xanh. Rồi từ đó cho đến lúc mất, ông liên tục xuất bản nhiều đầu sách, lúc riêng, lúc chung với các tác giả khác.

Nhà văn Lê Tri Kỷ để lại những đầu sách xuất bản riêng sau: Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu (1960), Cây đa xanh (1961), Phố vắng (1965 ), Một người không nổi tiếng (1970), Đất lạ (1971), Biến động ngày hè (1976), Những tiếng nói thầm (1978), Thung lũng không tên (1981), Sống chìm: Tập truyện điệp vụ và điệp viên (1984), Câu lạc bộ chính khách (1986), Không thiện không ác

(1988), Cuộc tình thế kỷ(1994)… Ngoài ra vào năm 1995, Nhà xuất bản Công an nhân dân cho xuất bản Tuyển tập truyện ngắn Lê Tri Kỷ gồm 9 truyện ngắn xuất

sắc nhất của ông.

Lê Tri Kỷ là nhà văn đầu tiên của ngành Công an được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên lúc còn sống, các tác phẩm của Lê Tri Kỷ không được đánh giá đúng tầm của nó. Năm 1994, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân, ngày Quốc phòng toàn dân, một năm sau khi nhà văn qua đời,

tuyển tập truyện ngắn Cuộc tình thế kỷ của ông do Nhà xuất bản Công an nhân xuất bản cùng năm được tặng giải A của Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang Hội nhà văn. Năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công an, tập truyện ngắn Không thiện, không ác của ông đạt giải A từ Bộ nội vụ và Hội nhà văn Việt Nam . Nhà văn Xuân Thiều đã phải thốt lên trước nghịch lý này: “Số phận oái oăm thay, trong vài chục năm nhà văn Lê Tri Kỷ cặm cụi âm thầm viết về ngành Công an, nơi gắn bó với ông suốt cuộc đời, vậy mà khi hai năm liền được giải thưởng văn học thì cả hai đều chỉ được đặt lên ban thờ”[47]. Tháng 5/2012, ông được truy tặng Giải thưởng cao quý - Giải thưởng

Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Trong cuộc đời viết văn của Lê Tri Kỷ, truyện ngắn là thể loại được ông ưu ái nhất, có nhiều tác phẩm nhất và cũng được đánh giá là xuất sắc nhất. Ông đã xuất bản cả thảy 6 tập truyện ngắn với tổng số 51 truyện. Hầu hết các truyện ngắn của ông (và cả những thể loại khác) đều lấy tư liệu từ ngành Công an và đều xoay quanh mảng đề tài an ninh xã hội (có khoảng 26 truyện xoay quanh đề tài an ninh xã hội). Truyện ngắn về đề tài an ninh xã hội của ông “rất công an”[47], rất thật nhưng cũng chan chứa tình đời, tình người và ẩn chưa nhiều bài học triết lý nhân sinh sâu sắc. Nhà văn Xuân Thiều đã nhận xét về các truyện ngắn của ông như sau: “Lê Tri Kỷ viết truyện về ngành Công an, nhưng chúng ta sẽ không thấy những pha ly kỳ, những vụ án phức tạp tò mò, những cuộc săn đuổi thủ phạm đầy gay cấn, mà chỉ trên nền truyện như thế. Ông viết về tình đời tình người”[47].

Chính vì điều này mà hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Nội vụ và đông đảo bạn đọc đều coi ông là “nhà văn tiêu biểu của ngành công an” [47], người có công đầu khai

phá và chăm chút xây dựng phong trào sáng tác “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên xã hội”. Và với riêng mình, bản thân ông cũng là ngòi bút tâm huyết về mảng đề tài này hơn bất cứ ai, mảng đề tài mà nhiều năm trước đây chỉ được coi là những vấn đề “cận văn chương”[47], “á văn chương” [47] nên rất ít được giới văn học trong nước quan tâm nếu không nói là bỏ quên.

Thực ra, nếu xem xét kỹ càng thì Lê Tri Kỷ không phải là người viết văn đầu tiên của lực lượng công an. Trước ông đã có những nhà văn xuất thân từ

ngành như Đặng Thanh, Phan Thanh Đàm, Lê Tuấn, Nguyễn Duy Xi... nhưng họ lại viết chủ yếu các truyện phản gián, truyện trinh thám. Ở các truyện này, các tác giả thường chú ý xây dựng hình tượng những nhà tình báo tài ba hay các vụ án phức tạp ly kỳ. Ít người để tâm đến những khía cạnh đời thường của các chiến sĩ công an. Lê Tri Kỷ là người đầu tiên làm được điều đó. Ông viết về người công an ở những khía cạnh đời thường nhất và trân trọng ngợi ca họ cả trong những hoàn cảnh ấy. Và từ bấy đến giờ, cũng chưa có nhà văn nào viết về người chiến sĩ công an đời thường nhiều và hay như Lê Tri Kỷ.

Về tiểu thuyết, Lê Tri Kỷ nổi tiếng nhất với bộ tiểu thuyết hai tập Câu lạc bộ chính khách xuất bản năm 1986 kể về chiến công lừng lẫy của tổ điệp báo A13 và

nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi đã đánh nổ tung chiến hạm Amyot d'Inville của Pháp đậu ngoài khơi ở Sầm Sơn - Thanh Hóa tháng 9 năm 1950.

Trong lời nói đầu của cuốn sách Tuyển tập truyện ngắn Lê Tri Kỷ do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành năm 1995 ấn hành nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 -19/8/1995), Nhà Xuất bản Công an nhân dân - nơi nhà văn đã dành gần nửa cuộc đời gắn bó và cống hiến, đã yêu thương trân trọng viết: "Nhà văn Lê Tri Kỷ (1923-1993) đã sáng tác nhiều tác

phẩm văn học có giá trị mang tầm vóc thời đại, để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng sâu sắc. Lúc sinh thời ông luôn luôn khát khao sự sáng tạo và vươn tới không ngừng trong lao động nghệ thuật của mình. Hơn ba mươi năm cầm bút, với trên mười tác phẩm chính ở đủ các thể loại như: Truyện ký, truyện vừa, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết… biểu hiện sự am hiểu sâu sắc của Lê Tri Kỷ về mọi đề tài của cả một xã hội rộng lớn ông từng sống. Mặt khác, ông đặc biệt gắn bó và trăn trở với mảng đề tài an ninh xã hội - một đề tài mà ông đã góp nhiều công sức và tâm huyết để khẳng định chỗ đứng của nó trong nền văn học đương đại nước nhà".[27; 6]

1.3.2. Nhà văn Hữu Ước - nhà văn thế hệ thứ hai của ngành công an

1.3.2.1. Cuộc đời và con người

Nhà văn Hữu Ước tên thật là Nguyễn Hữu Ước, sinh ngày 20 tháng 5 năm 1953 tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Gia đình ông là một

gia đình có truyền thống cách mạng, cả ông nội và bố ông đều là Đảng vien Đảng Cộng sản.

Năm 1970, như bao người trai trẻ khác trên khắp cả nước, Hữu Ước tình nguyện đi bộ đội khi mới 17 tuôi. Ông từng sang Mặt trận Lào chiến đấu và bị thương, một mảnh đạn giờ vẫn còn ở trong đầu. 20 tuổi, Hữu Ước có vinh dự gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồi ở bộ đội, ông đã tỏ ra là một người ham mê nghệ thuật. Ông thường xuyên làm thơ, viết truyện ngắn và vẽ tranh. Ông kể lại quãng đời ấy như sau: “Năm 17 tuổi tôi đi bộ đội…. Ở giữa chiến trường và đời lính, tôi đã tập viết báo, viết văn. Tôi viết về những đồng đội và những người bạn của tôi ở chiến trường…nhưng rất ít được đăng.”[5].

Sau khi xuất ngũ, ông theo học Đại học báo chí, sau đó trở thành phóng viên Báo Công an nhân dân và rồi trở thành một sĩ quan Công an Nhân dân. Với Hữu Ước, việc gia nhập vào lực lượng Công an nhân dân giống như một định mệnh đầy duyên nợ đã được an bài sẵn vậy. Trong cương vị của mình, ông không ngừng nỗ lực làm báo và viết văn. Tuy nhiên vào tháng 9 năm 1985 ông bị bắt vì cho cấp dưới của mình là nhà báo Như Phong viết về một người công an "xấu", về một vụ bắt giữ người trái pháp luật. Trong lệnh chỉ ghi "vi phạm pháp luật" mà

không có tội danh nào cụ thể. Khi ấy, ông là Đại úy, Trưởng phòng Thời sự Báo Công an Nhân dân, Trưởng phòng trẻ nhất Bộ Công an. Ông bị cách chức, đuổi việc, khai trừ khỏi Đảng và bị đi tù. Sau 3 năm bị giam và trải qua 4 phiên tòa ông được xử trắng án. Khi quay trở lại Báo Công an nhân dân thì ông bị xếp vào diện giảm biên chế, phải quay sang làm nhiều việc để kiếm tiền. Đó là những năm tháng khó khăn nhất của ông. May mắn là lúc ấy bên cạnh ông luôn có người vợ hiền, người đồng nghiệp là bà Nguyễn Thị Lý - một sĩ quan Công an Nhân dân, hàm Đại tá. Bà đã động viên ông và chăm sóc hai con nhỏ để ông có thời gian sáng tác. Trong khốn khó, vợ ông lúc ấy đã phải ra bãi sông Hồng trồng ngô để nuôi con. Sau này Hữu Ước đã kể lại về những năm tháng cơ cực ấy của ông như sau: “Năm

1986, khi làm Trưởng ban biên tập Báo Công an nhân dân, vì một “tai nạn nghề nghiệp”, tôi bị cách chức, đuổi việc, hết đảng viên, tước bút, thậm chí không còn quyền của một người bình thường trong 3 năm. Năm 1989, khi “được trở lại bình

thường”, về lại cơ quan, tôi bị xếp vào dạng giảm biên chế. 39 tuổi, ngồi nghĩ mà nước mắt cứ chảy ra, chỉ muốn có một việc làm đủ ăn…” [9]. Trải qua những năm

tháng ấy, Hữu Ước luôn yêu thương và biết ơn người vợ tảo tần đã đồng cam cộng khổ với mình.

Tám năm sau khi bị án oan, tức năm 1997, Hữu Ước mới được quay lại làm báo. Ông được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Báo An ninh thế giới và Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an. Năm 2003, ông tiếp tục được giao chức vụ Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân. Đến năm năm 2006, ông được thăng hàm Thiếu tướng Công an nhân dân. Ông đã cống hiến hết mình cho những tờ báo được giao nhiệm vụ, đưa chúng thành những đầu báo có số lượng phát hành lớn nhất cả nước. Nhờ những cống hiến của mình, ngày 29 tháng 7 năm 2008, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 975/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Với uy tín của mình, những năm sau đó, ông liên tục được giao những trọng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn về đề tài an ninh xã hội của lê tri kỷ, hữu ước và nguyễn đình tú (Trang 31)