Lời mời hàng, chào hàng không còn xa lạ và trở thành đặc điểm, văn hóa truyền thống tại các chợ Việt Nam vì đây là hình thức mua bán hai chiều. Người bán nhiệt tình, giới thiệu và gợi ý về sản phẩm, mặt hàng cho NTD với nhiều kiểu cách khéo léo. Văn hóa chào hàng tạo nên cái nét duyên của người bán, tạo cho người mua cảm giác hài lòng, thích thú. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người bán, tiểu thương có hành vi và lời nói khiếm nhã, không đúng chuẩn mực khi chửi bới NTD, đốt vía và bày tỏ thái độ dè bỉu khi người tiêu dùng ngỏ ý không muốn mua. Điểm này cũng gây trở ngại cho loại hình CTT khi giờ đây, NTD có nhiều sự lựa chọn hơn và dĩ nhiên, nó làm giảm sức cạnh tranh của CTT so với các kênh hiện đại khác.
Một nét văn hóa đẹp của kênh mua sắm truyền thống này so với kênh mua sắm hiện đại khác đó là giao tiếp trong môi trường CTT. Tại đây, người mua không chỉ tới để mua sắm những vật dụng hay thực phẩm cần thiết mà họ còn gặp những người thân quen. Có nhiều người bán và người mua ở chợ sau nhiều lần giao dịch trở nên gần gũi, “quen mặt” nhau, do đó trở nên thân thiết và dễ chia sẻ nhiều chuyện cũng như tạo cảm giác thân thuộc khi mua hàng. Bởi vậy, CTT cũng là nơi có lượng thông tin lớn và dễ dàng cập nhật hàng ngày.
Như vậy, từ những đặc điểm nêu trên của CTT, chúng ta có thể thấy rõ được ưu và nhược điểm của kênh bán lẻ này so với các kênh bán lẻ hiện đại. Từ việc nắm bắt được các đặc trưng của CTT, ta dễ dàng đi vào phát triển được các giả thiết và xây dựng thang đo cho các khái niệm trong mô hình nghiên cứu.