1. Giới thiệu
Trong luật An Ninh Mạng em tâm đắc nhất Điều 29 “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” của Chương IV HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ AN NINH MẠNG, với nội dung như sau:
1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.
4. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.
2. Bàn Luận
Sự phát triển mạnh mẽ của internet thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó, trẻ em Việt Nam đã từng bước được tiếp cận và hội nhập với nền tảng internet ngày càng phát triển. Trẻ em có được cơ hội học tập, vui chơi, giải trí và tăng cường giao lưu tương tác xã hội trên môi trường mạng internet. Tuy nhiên trên môi trường mạng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro với trẻ em.
Mạng internet dễ dàng tạo ra chứng nghiện mạng nếu như người sử dụng không biết cách sử dụng phù hợp. Người truy cập mạng thường xuyên ở giới hạn nào đó sẽ trở thành người nghiện mạng và rất dễ mắc chứng sang chấn tâm lý, giống như những biểu hiện bất ổn về mặt tâm thần.
Điều này sẽ càng nguy hiểm hơn khi người sử dụng mạng internet là trẻ em. Bởi khi sử dụng mạng internet trẻ em thường chưa biết giới hạn về thời gian và không gian sử dụng phù hợp, chưa biết tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể gặp phải. Với vô vàn thông tin có trên môi trường không gian mạng, khi sử dụng trẻ em cũng hay gặp thông tin không phù hợp, thông tin tiêu cực. Những thông tin xuất hiện hoàn toàn ngoài ý muốn của trẻ em, hoặc ngay cả những thông tin trẻ em cố tình tìm kiếm nhưng mang lại những kết quả tiêu cực.
Chính vì sự việc đó, để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ rủi ro trên môi trường mạng, đã có nhiều văn bản pháp lý với những mục quy định cụ thể như: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư số 09/2017 quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên Đài phát thanh truyền hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
Luật An Ninh Mạng điều 29 Chương IV đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, internet... là "ngăn chặn việc chia sẻ" và "xóa bỏ" thông tin có nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em. Đây là điều rất cần thiết để có thể bảo vệ trẻ em kịp thời trước những thông tin bất lợi trên không gian mạng.
Tuy nhiên điều luật này cũng đã xử lý được nhiều tài khoản, trang mạng nhảm nhí, phản cảm nhưng có sử dụng hết các chế tài của luật hay không còn phụ thuộc vào sự quyết liệt của cơ quan chức năng. Việc xử phạt, gỡ bỏ nội dung độc hại trên không gian mạng cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Chúng ta còn phải gỡ bỏ luôn cả phần gốc vì ngọn gãy thì nó sẽ mọc lại nhưng gỡ bỏ phần gốc thì cây sẽ không có khả năng mọc. Cần xây dựng một mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và xây dựng công cụ, phương tiện để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, giáo dục tích cực trên môi trường mạng.
Vì trong thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều video, hình ảnh, … ảnh hưởng đến trẻ em do chưa nhổ bỏ tận góc. Trong đó có nhiều hoạt động lừa đảo, dụ dỗ trẻ em qua mạng. Để
bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Mọi người cần lên tiếng tố giác, tẩy chay những nội dung, thông tin xấu độc.
Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát và triệt xóa những nội dung thông tin xấu độc. Xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm.
Đối với các cấp, các ngành, địa phương trong, ngoài tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em, Luật An Ninh Mạng và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ngành giáo dục và đào tạo cần chỉ đạo các trường học tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng internet không lành mạnh cho mọi lứa tuổi học sinh biết, cách sử dụng thông tin trên mạng một cách hiệu quả và cách nhận biết dấu hiệu bị xâm hại, lạm dụng trên mạng xã hội cho học sinh.
Cha mẹ cần quan tâm, theo dõi và quản lý nội dung con trẻ truy cập để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để tiếp cận nội dung xấu. Phụ huynh nên tăng cường trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ nhiều hơn để giúp trẻ em tự hiểu được những tác hại trên không gian mạng, từ đó tạo lá chắn phòng, chống hữu hiệu.
Khi Internet ngày càng trở nên phổ biến, trẻ em cũng phải cần tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Khi tham gia không gian mạng các em nên tìm hiểu những biện pháp an toàn khi sử dụng thiết bị CNTT, mạng xã hội và các dịch vụ trên mạng. Chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm.
Cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm thông tin trên Internet, không truy cập vào các đường dẫn, nội dung có nguồn gốc không rõ ràng, do người lạ gửi.
Không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân trên không gian mạng hoặc khi truy cập các trang web, dịch vụ mạng lạ. Không làm quen, gặp gỡ với người lạ qua không gian mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ hay có các hành vi kích động, mạo danh trên không gian mạng.
Các em cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi mình gặp khó khăn, bị bắt nạt, cô lập hay bị xâm hại trên không gian mạng.
Giáo dục cho con mình những thủ đoạn phạm tội của đối tượng xấu trên Internet để hình thành trong chúng khả năng nhận biết, tự phát hiện, tự phòng ngừa và tự bảo vệ chính mình trước những mối nguy hại đe dọa hằng ngày, hằng giờ trên không gian mạng mà chúng có thể trở thành nạn nhân bất cứ khi nào.
Ví dụ: Ở các nước châu Âu cũng có những yêu cầu khác nhau đối với những nhà cung cấp dịch vụ mạng: những tài liệu, nội dung có thể xâm hại đối với sự phát triển của trẻ em chỉ có thể do các nhà dịch vụ mạng cung cấp, miễn là nó phải được đảm bảo rằng khi chọn thời gian truyền tải hoặc các biện pháp kỹ thuật công nghệ mà trẻ em có thể truy cập một cách bình thường. Vấn đề đặt ra ở đây là có sự hiểu và điều chỉnh khác nhau đối với độ tuổi của trẻ em. Thuật ngữ pháp lý này xác định một độ tuổi nhất định, thường là chưa thành niên để phân biệt giữa trẻ em và người lớn, theo Công ước về Quyền trẻ em, là 18 tuổi. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình thực tế ở mỗi nước, độ tuổi này lại được xác định khác nhau. Điều này thể hiện, ví dụ, ở việc giới hạn độ tuổi xem vô tuyến truyền hình, được xác định ở 4 mức: mọi người, dưới 18, dưới 12 tuổi hoặc 13 tuổi, trong khi đó những nước khác chỉ áp dụng duy nhất là "+16" hoặc "+18".
Tóm lại, thay vì thụ động trong việc ngồi chờ chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cá nhân, gia đình bố mẹ trẻ em, nhà trường, tổ chức phi chính phủ, tổ chức và cộng đồng xã hội có liên quan cần chủ động khai thác tiềm năng từ khu vực ngoài nhà nước, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng đưa ra các sáng kiến, biện pháp hữu hiệu để hạn chế đến mức tối đa những tác hại do môi trường mạng gây ra cho trẻ em, xây dựng những nguyên tắc, chương trình phù hợp với độ tuổi, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em và đặc biệt quan trọng hơn cả đó là giáo dục, bồi dưỡng và đào tạo kỹ năng để các em tự mình điều chỉnh tránh những tác hại và phát huy những ưu điểm của môi trường mạng.