Sử dụng các loại túi đựng hàng thay thế

Một phần của tài liệu Chất thải nhựa, túi ni lông và công nghệ xử lý (Trang 28 - 31)

III. CÔNG NGHỆ XỬ LÝ VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU CHẤT THẢI NHỰA, TÚI NI LÔNG CÓ THỂ ÁP DỤNG

3.2.1. Sử dụng các loại túi đựng hàng thay thế

Để có thể hạn chế và xa hơn là cấm sử dụng túi ni lông (loại mỏng dùng một lần), trước hết phải xác định loại hình túi đựng hàng có thể thay thế túi ni lông ít gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ đưa ra chính sách nhằm định hướng người bán lẻ cũng như người tiêu dùng chuyển từ sử dụng túi ni lông sang loại túi đựng hàng thân thiện với môi trường hơn một cách tự nguyện hay bắt buộc. Tuy nhiên tác hại do túi ni lông sẽ giảm nhưng đồng thời cũng có thể phát sinh ra những vấn đề khác nghiêm trọng hơn từ những túi thay thế. Vì vậy, cần lựa chọn một loại túi vừa đảm bảo về mặt môi trường nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta.

Dựa vào kinh nghiệm của một số nước đi trước cũng như trên thực tế có thể sử dụng một số loại túi đựng hàng thay thế túi ni lông hiện đang có trên thị trường như:

- Túi giấy

- Túi vải sử dụng nhiều lần

- Túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần - Túi ni lông tự huỷ, phân hủy sinh học

Túi giấy:

- Đây là một loại túi tiện dụng, chúng là một giải pháp phù hợp cho các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ. Hiện nay, nhiều trung tâm, cửa hàng bán quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại,… ở các thành phố dùng túi giấy. Với thiết kế đẹp, túi giấy được người tiêu dùng sử dụng lại nhiều lần và cũng là cách quảng cáo cho cửa hàng khi chúng được xách đi nhiều nơi. Mặt khác, giấy sau khi sử dụng có thể tái chế lại được đến 100%. Tuy nhiên, tính tiện lợi của túi giấy còn hạn chế đó là không thể dùng túi giấy như túi ni lông để đựng các hàng hóa ướt như thịt cá, rau hay những mặt hàng quá nặng. Cần có các biện pháp tuyên truyền, giải thích cho các trung tâm thương mại về tác hại của túi ni lông trong môi trường, lợi ích của việc dùng túi giấy (làm tăng giá trị sản phẩm của họ, thương hiệu “doanh nghiệp thân thiện môi trường”…

Túi vải sử dụng nhiều lần:

- Sử dụng túi vải có nhiều tiện ích như dùng lại được nhiều lần, mẫu mã đẹp, rất chắc chắn. Nếu túi vải được người tiêu dùng sử dụng ngày càng nhiều thì sẽ giảm đáng kể lượng túi ni lông dùng một lần thải ra môi trường. Tuy nhiên, giá thành của nó khá cao, thường những cửa hàng sẽ không phát miễn phí mà đòi hỏi khách hàng phải trả tiền để mua túi.

- Tuy nhiên, túi vải không phù hợp với các trung tâm thương mại vì ở đó có nhiều gian hàng tách biệt, khách hàng không thể cứ đến một gian hàng lại phải tốn tiền mua một túi vải. Còn đối với siêu thị thì túi vải cũng là một giải pháp phù hợp, nhưng đây không là giải pháp duy nhất. Siêu thị có thể lựa chọn các giải pháp khác nhau như dùng túi tự hủy, túi nhựa dùng nhiều lần hay túi vải. Cơ quan chức năng của nhà nước cũng không nên bắt buộc người tiêu dùng phải mua túi vải mà chỉ khuyến khích họ sử

dụng thông qua các chương trình giáo dục cộng đồng. Siêu thị cũng nên khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi vải giống như Ôxtrâylia đã làm. Với những khách hàng mang túi vải của siêu thị đến mua hàng vào những lần tiếp theo sẽ được trừ vào hóa đơn mua hàng một số tiền nào đó. Việc khuyến khích này không làm mất thêm chi phí của siêu thị, đó chỉ là chi phí trước đây siêu thị dùng để mua những túi ni lông phát miễn phí cho khách hàng.

Túi ni lông phân hủy sinh học có nguồn gốc thực vật:

Túi phân hủy sinh học của Đức, Hà Lan khi dưới tác dụng của vi sinh vật trong môi trường (đặc biệt là ở môi trường có mật độ vi sinh vật cao) sẽ chuyển hóa thành CO2 và H2O hoặc tạo thành chất hữu cơ đơn giản và hòa tan trong môi trường. Còn túi nhựa tự hủy chỉ vỡ vụn thành những mảnh có kích thước rất nhỏ sau một thời gian bị tác động của loại hóa chất mà nhà sản xuất dùng để sản xuất sản phẩm này, sau đó phát tán trong môi trường. Túi nhựa tự hủy chỉ thay đổi về mặt kích thước của vật liệu sau một thời gian phân rã, nhưng về bản chất của nguyên liệu dùng sản xuất ra chúng vẫn không thay đổi. Do đó túi nhựa tự hủy hoàn toàn cũng cần xem xét kỹ lại khía cạnh bảo vệ môi trường, nếu không, thậm chí còn có tác hại đến môi trường. Bởi vì bản thân vật liệu PE cũng chỉ là một chất trơ.

Trên thế giới, hầu hết các nước phát triển đã sử dụng túi ni lông tự phân huỷ ngay từ những thập niên 30-40 của thế kỷ XX. Ở nước ta, việc nghiên cứu và sản xuất túi ni lông tự phân huỷ mới chỉ bắt đầu trong những năm gần đây. Công ty sản xuất kinh doanh của những người tàn tật Hà Nội đã mạnh dạn nhập một dây chuyền sản xuất túi ni lông tự phân huỷ hiện đại của Đài Loan. Sản phẩm của Công ty chủ yếu mới dừng lại ở những đơn đặt hàng của các bệnh viện lớn để đựng rác thải y tế, vì loại túi ni lông này khi đốt cùng với rác thải sẽ không sinh ra khí CO2, CH4 và chất Dioxin độc hại. Túi ni lông tự phân huỷ có những hạn chế nhất định như giá thành cao, túi không để lâu được, nếu không tiêu thụ được phải bỏ đi hoàn toàn nên rủi ro trong kinh doanh là rất lớn. Công ty sản xuất kinh doanh này đã cùng với Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polime Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu để đưa vào sản xuất túi ni lông tự hủy. Hai chất PE và PP vẫn là hai chất nền chính, các chất lấy từ gai, ngô, khoai, chất tương hợp sẽ được pha thêm để khi ở một điều kiện độ ẩm nhất định, nó sẽ tự phân huỷ. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế đang được khắc phục và cần phải nghiên cứu thêm.

Và gần đây nhất, nhóm nghiên cứu khoa học trẻ của Khoa Khoa học Vật liệu, Đại học Khoa học tự nhiên, Tp. Hồ Chí Minh đã sử dụng hỗn hợp tinh bột nhiệt dẻo và nhựa PVA có sự hiện diện của khoáng sét Montmorillonite phân tán ở khích thước nanomét, cùng một số phụ gia biến tính để làm ra sản phẩm bao bì có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn và nhanh chóng, không gây ô nhiễm môi trường. PVA cũng là một trong số ít Polyme có khả năng tự phân hủy sinh học thực sự trong môi trường đất tạo thành nước và CO2. Từ hỗn hợp PVA và tinh bột nhiệt dẻo đã cho ra đời sản phẩm mang tính ứng dụng cao để sản xuất bao bì. Đây cũng là tín hiệu tốt cho việc nghiên cứu, sản xuất túi ni lông tự phân hủy ở nước ta.

Tuy nhiên cần lưu ý: về mặt khoa học, người ta kết hợp polime với một số chất phụ gia góp phần tăng nhanh quá trình phân huỷ, nhưng có thể tác hại về lâu dài sẽ không thể lường

trước được. Vì thế, cần phải tách biệt quá trình phân huỷ sinh học và quá trình bẻ gãy sinh học. Trên thực tế, nhiều loại polime được thông báo là phân huỷ sinh học nhưng thực chất lại là quá trình bẻ gãy sinh học hoặc phân huỷ sinh học không có tác động của vi sinh vật, ít nhất là ở giai đoạn ban đầu. Các hiện tượng bẻ gãy này không liên quan đến quá trình sinh học. Màng polyethylen để lâu ngày ngoài nắng sẽ trở nên khô cứng, mờ và đến một giai đoạn nào đó độ dai của màng sẽ giảm, dẫn đến hiện tượng dễ xé rách hoặc tơi tả ra từng mảnh vụn. Sự phân huỷ này là quá trình lão hoá của các mạch. Các polime truyền thống vẫn bị lão hoá đến tan rã nhưng chúng lại không hoàn toàn phân huỷ. Thời gian lão hoá đến tan rã kéo dài nhiều năm. Phân huỷ không hoàn toàn kiểu này sẽ để lại trong đất những mảnh vụn, không có điều kiện cho vi sinh vật phát triển sẽ làm cho đất chóng bạc mầu, không tơi xốp.

Việc tìm hướng đi cho vấn đề rác túi ni lông bằng cách nghiên cứu, sản xuất túi ni lông tự phân huỷ là một giải pháp khả thi cao vì dung hoà được lợi ích kinh tế và vệ sinh môi trường. Nhưng để nghiên cứu, sản xuất áp dụng đại trà với giá cả chấp nhận được thì Nhà nước cần có những chính sách cụ thể như ưu đãi thuế, cho vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh, đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu, đồng thời bảo hộ hàng sản xuất ra, dần dần ngưng cấp giấy phép, đi đến cấm hẳn việc sản xuất túi ni lông không tự phân huỷ khi túi ni lông tự phân huỷ đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Nếu sử dụng loại túi ni lông tự phân hủy, thì đây là giải pháp thân thiện với môi trường nhất. Giải pháp này đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như ở Anh đã sản xuất thử loại túi làm bằng bột sắn; ở Italia có loại túi làm từ cám ngô dùng đựng hàng; ở Pháp có những loại túi gọi là biobag (túi phân hủy sinh học) mà khi dùng xong, trộn với một số rác thực vật khác, ủ lại, nó có thể tự huỷ trong vòng 2 – 3 tháng. Tuy nhiên, do giá thành cao, có thể gấp đến 2-5 lần túi ni lông thông thường khiến việc sử dụng ít nhiều bị hạn chế.

Vì vậy, muốn khuyến khích siêu thị hay trung tâm thương mại dùng loại túi này thì phải chứng nhận được chất lượng sản phẩm, giới thiệu doanh nghiệp sản xuất đến hệ thống siêu thị hay trung tâm thương mại. Còn việc lựa chọn dùng loại túi với chất liệu nào thì tùy thuộc vào siêu thị.

Để phát triển sử dụng túi phân hủy sinh học Việt Nam cần có chiến lược phát triển và chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ túi thân thiện môi trường, và cần đưa ra quy định, tiêu chuẩn chất lượng các loại bao bì thân thiện môi trường.

Túi dệt từ sợi ni lông sử dụng lại nhiều lần

Đây là loại túi dễ sử dụng. Nó không thân thiện như túi tự phân hủy sinh học nhưng có thể áp dụng ngay, không cần mất thời gian để kiểm nghiệm và chứng nhận như túi tự hủy sinh học. Đồng thời, so với túi vải giá thành của nó lại rẻ hơn. Vì vậy các siêu thị cần lưu ý khi thiết kế các túi xách nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng khi xách và vận chuyển chúng.

Ở Việt Nam, hệ thống của Metro Cash & Carry Việt Nam đã tiến hành giải pháp này. Ban đầu còn gây khó chịu cho khách hàng nhưng sau đó mọi người lại dần dần có thói quen

mang túi theo. Tuy Metro đã góp phần làm giảm lượng túi ni lông sử dụng nhưng để người dân hiểu được tác hại của túi ni lông và hành động tự nguyện lại là một vấn đề. Để giải quyết được vấn đề này cần phải có chương trình tuyên truyền cho người dân về tác hại túi ni lông đến môi trường. Đồng thời, hệ thống siêu thị cũng cần có giải pháp khuyến khích cho người tiêu dùng, đó là sau khi sử dụng túi trong thời gian dài, khi túi bị cũ hay bị hư hỏng, không dùng lại được, người tiêu dùng có thể đem đến siêu thị để đổi mua lại một túi mới với giá rẻ hơn. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của siêu thị, khoản tiền giảm cho khách hàng sẽ là khoản chi phí mà siêu thị dùng để mua túi phát miễn phí cho khách hàng trước đây. Với những túi cũ hay hư hỏng, siêu thị thu gom lại và đem đi tái chế.

Dựa theo một nghiên cứu về LCA của các loại túi thay thế do Cơ quan môi trường Ôxtrâylia thực hiện (Nolan-ITU, 2002), việc chuyển từ sử dụng túi ni lông dùng một lần sang các lọai túi dùng một lần khác như túi giấy, túi ni lông phân hủy sinh học không đem lại hiệu quả đáng kể về mặt môi trường do lượng năng lượng và tài nguyên tiêu thụ, lượng khí nhà kính phát sinh. Phân tích vòng đời các loại túi (tính đến nguyên liệu sản xuất, quá trình sản xuất, quá trình vận chuyển đến người tiêu dùng, loại hình sử dụng của người tiêu dùng, quá trình thải bỏ) cho thấy việc chuyển từ sử dụng các loại túi sử dụng một lần sang các loại túi sử dụng nhiều lần sẽ đem lại hiệu quả môi trường đáng kể. Nghiên cứu trên cũng cho thấy chuyển đổi sang sử dụng loại túi dệt HDPE dùng nhiều lần ( túi lớn loại HDPE) đem lại hiệu quả môi trường lớn nhất, vì các lý do sau:

- Hiệu quả về sử dụng tài nguyên (lượng nguyên liệu sử dụng trong sản xuất) - Hiệu quả về năng lượng tiêu thụ và tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính

- Ít phát sinh rác thải và do đó giảm các tác động liên quan (gây mất mỹ quan, tắc nghẽn cống rãnh, nguy hiểm cho sinh vật…)

Một phần của tài liệu Chất thải nhựa, túi ni lông và công nghệ xử lý (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(37 trang)