Ngay từ cuối thế kỷ thứ II trước Công nguyên (mốc thời gian thường được nhắc tới là năm 111 Tr.Công nguyên), người Hán xâm lược Nam Việt, nước ta vì thế cũng trở thành thuộc địa của nhà Hán hơn một ngàn năm. Một loạt các chính sách cai trị, trong đó Hán hóa là chủ trương được chính quyền đô hộ chú trọng nhằm biến nước ta thành một bộ phận của Trung Hoa. Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào thì một đất nước vốn có lịch sử văn hiến lâu đời như nước ta, song hành với chủ trương Hán hóa là ý thức chống Hán hóa của người Việt luôn thường trực để giữ gìn bản sắc văn hóa của mình. Ý thức ấy đã được hiện thực hóa, có thể nói, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, song nổi bật nhất là thông qua các cuộc khởi nghĩa mà mở màn cho một loạt các sự kiện tiếp theo là khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-44).
Nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa trước hết là do sự áp bức bóc lột tàn bạo của nhà Đông Hán đối với nước ta mà đại diện cho chính quyền đô hộ là Tô Định (34-40), dẫn đến mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc, cộng với thù nhà như nhiều tài liệu đã đề cập, làm dấy lên sự kiện to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đầu Công nguyên ở nước ta. Sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sư ký toàn thư đã dẫn lời bình của Lê Văn Hưu rằng: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương” [69, tr.157]. Còn chính Ngô Sĩ Liên viết: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thế chống ngăn tai họa” [69, tr.158].
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy giành được thắng lợi nhưng duy trì chính quyền tự chủ không được lâu, đến năm 43, nhà Hán sai Mã Viện đem theo 20 vạn binh đàn áp và chính quyền của Hai Bà Trưng bị lật đổ. Sau khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, chính quyền đô hộ đã phải nhiều lần đương đầu với những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta, điển hình là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, Lý Bí và sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân (năm 541), Phùng Hưng, Mai Hắc Đế và cuộc khởi nghĩa chấm dứt sự đô hộ hơn một ngàn năm của phương Bắc do Ngô Quyền lãnh đạo với chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng. Ngoài những sự kiện to lớn đó, nhân dân ta còn thể hiện tinh thần chống lại sự áp đặt về văn hóa để gìn giữ bản sắc văn hóa của mình một cách bền bỉ là lâu dài. Đó là tinh thần đấu tranh anh dũng vì một triết lý sống là “tồn tại hay diệt vong” trước nguy cơ Hán hóa. Một dân tộc kiên cường, với tinh thần yêu nước sâu sắc như dân tộc Việt Nam ta thì tồn tại là mệnh lệnh tuyệt đối.
Nhà Hán tiến hành cai trị thuộc địa không chỉ bằng việc vơ vét, bóc lột tàn bạo nhân dân ta để thỏa mãn tính tham tàn, nó còn thực hiện việc đồng hóa dân tộc, khủng bố và đàn áp toàn bộ các cuộc đấu tranh của nhân dân ta, cố tình biến nước ta thành bộ phận của nhà Hán, tiến tới xóa sổ nòi giống Lạc Việt. “Để nô dịch nhân dân ta về tư tưởng và tinh thần, ngay từ thời Tây Hán, trong một chừng mực nhất định, Nho giáo đã được chính quyền đô hộ truyền bá vào nước ta. Đến buổi đầu Công nguyên, các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên càng tích cực “dựng học hiệu để dạy lễ nghĩa” cho dân Giao Chỉ, Cửu Chân... Tuy nhiên, dưới thời Bắc thuộc, Nho giáo cũng như toàn bộ hệ tư tưởng và văn học Trung Quốc nói chung chỉ được phát triển và có ảnh hưởng ở một số vùng trung tâm chậu trị và quận trị mà thôi, do đó, ảnh hưởng của nó trong việc Hán hóa dân tộc Việt rất hạn chế” [93, tr.71].
Bên cạnh đó trong những thời kỳ loạn lạc nhiều kẻ sĩ Trung Quốc đã chạy sang đất nước ta lánh nạn và sống bằng nghề dạy học. Cũng có nhiều trường hợp người Việt thi đỗ, được bổ nhiệm làm quan cho chính quyền cai trị như Trương Trọng, Lý Cầm, Lý tiến. Gần như tất cả những nhà truyền bá Nho giáo ở nước ta thời Bắc thuộc đều là người Trung Quốc. Họ gồm nhiều
thành phần phong phú khác nhau, nhưng phần lớn là quan lại của chính quyền đô hộ.
Trong số các thái thú cai trị nước ta, Sĩ Nhiếp được coi là người có công xây dựng học hiệu có qui mô ngang tầm với các trung tâm học hiệu đương thời ở Trung Quốc như Bành Thành và Lạc Dương. Ông người gốc Thương Ngô (nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc), nhưng họ Sĩ đã di cư sang nước ta từ thời loạn Vương Mãng, tính đến Sĩ Nhiếp đã là đời thứ sáu. Trị sở của quận Giao Chỉ thời Sĩ Nhiếp đặt tại Luy Lâu. Cùng với em và con, Sĩ Nhiếp đã ra sức quảng bá Nho giáo, vì thế, ông được nhiều thế hệ Nho gia tôn là Nam giao học tổ.
Chúng ta đều biết rằng, trong thời kỳ Bắc thuộc, ngoài Nho giáo còn có Phật giáo và Đạo giáo cũng được du nhập vào Việt Nam, trong đó Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ. Cả ba học thuyết này đều có vai trò nhất định trong sự hình thành nên các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng của mỗi học thuyết đều được thể hiện ở những mảng riêng của đời sống tinh thần xã hội. Nho giáo ảnh hưởng mạnh nhất, đồng thời có phổ rộng nhất là chính trị - xã hội. Nếu như ở Trung Quốc cổ đại và kể cả thời kỳ phong kiến của nước này, Nho giáo đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực thiết lập trật tự xã hội và định hướng phát triển đất nước Trung Hoa theo mô hình xã hội lý tưởng thời Nghiêu, Thuấn, thì ở nước ta dưới thời Bắc thuộc, Nho giáo trở thành công cụ thống trị thuộc địa, nghĩa là đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực áp đặt và cưỡng bức nhân dân ta lệ thuộc vào chính quyền đô hộ.
Trong khi đó, Phật giáo và Đạo giáo lại ảnh hưởng chủ yếu trong địa bàn cư dân làng xã, nơi có lối sống giản dị và mộc mạc của những con người không có khả năng tiếp cận đến tri thức của nhân loại. Những hình thức thế giới quan và nhân sinh quan mang đậm nét chất phác, gần gũi với đời sống thường nhật có thể là chỗ dựa thích hợp cho Phật và Đạo thâm nhập và hòa nhập. Đó là tín ngưỡng dân gian, các tập quán, lối sống giản dị luôn gắn bó với giới tự nhiên mà chúng ta ngày nay gọi nó một cách khái quát là các “yếu tố bản địa”.
Tuy có những địa hạt ảnh hưởng khác nhau, song cả ba học thuyết đều là những thành tố góp phần tạo nên một chỉnh thể văn hóa tinh thần của người
Việt. Chúng không phải là những yếu tố tách rời nhau, mà ngược lại, luôn bổ sung cho nhau, không bài trừ nhau mà phối hợp với nhau để hình thành nên cách thức trị nước trong hệ tư tưởng của các triều đại phong kiến. Tuy nhiên, sự phối hợp ấy không mang tính qui luật, mà phụ thuộc vào sự lựa chọn trong ba học thuyết đó cái nào là chủ đạo.
Trong trường hợp của luận án, chúng tôi chủ yếu tập trung trình bày sự du nhập của Nho giáo vào Việt Nam, từ đó làm rõ vai trò xã hội của nó qua các thời kỳ lịch sử của chế độ phong kiến.
Thứ nhất, về mục đích và qui mô của sự truyền bá Nho giáo. Có nhiều học giả cho rằng, Nho giáo vào Việt Nam “theo vó ngựa quân xâm lược” bởi họ dựa vào một số tài liệu xác nhận hai vị thái thú nhà Hán là Tích Quang và Nhâm Diên. Nhận định này chỉ đúng với thời điểm đầu của chính quyền đô hộ, song xét cả quá trình hơn một ngàn năm Bắc thuộc và cả thời kỳ độc lập dưới chế độ phong kiến Việt Nam thì nhận định trên không chính xác. Ngoài những vị thái thú, chắc chắn còn nhiều người khác có trình độ Nho học như thương gia, chính trị gia lánh nạn, v.v. cũng có thể tham gia vào việc truyền bá. Tuy nhiên, xét về mục đích truyền bá thì chắc chắn liên quan đến mục đích cai trị thuộc địa của chính quyền phương Bắc.
Với một hệ thống luân lý khá chặt chẽ, thậm chí được coi là khắt khe về các mối quan hệ xã hội, nhân dân ta từ chỗ phản kháng chuyển sang chấp nhận những giá trị của nó trong đời sống xã hội của mình. Chính vì vậy, trong kỷ nguyên độc lập, “Nho giáo được coi là hệ thống tri thức quan trọng nhất của xã hội. Lúc này Nho giáo được coi là một hệ thống những bậc thang danh vọng, những quy phạm về đạo đức và những định chế của pháp luật” [106, tr.56]. Do đó, “càng về sau, quy mô truyền bá Nho giáo ở nước ta càng được mở rộng, nhất là từ buổi đầu của thời Lê sơ trở đi, khi mà Nho giáo nắm được địa vị độc tôn trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nước nhà [99, tr.57].
Thứ hai, về nội dung truyền bá. Nếu như dưới thời Bắc thuộc, Nho giáo được truyền bá vào nước ta rất hạn hẹp, chủ yếu trong nội bộ người Hán thì từ thế kỷ X trở đi, khi mà mục đích truyền bá, lực lượng truyền bá, quy mô truyền bá đã thay đổi, “nội dung truyền bá cũng không ngừng được mở rộng.
Từ đây, học trò nước ta được học cả Ngũ kinh, Tứ thư, Bắc sử, Bách gia chư tử... Cũng từ đây mà việc quy định của nhà nước về hệ thống học vị ngày một chặt chẽ và quy củ hơn. Xét về nội dung và quy chế thi cử, Nho giáo ở ta và Trung Quốc không khác biệt nhau là bao nhiêu” [100, tr.57- 58].
Ngoài các chuẩn mực đạo đức cá nhân như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín
vốn được coi là “ngũ thường”, nội dung tư tưởng của Nho giáo còn nhấn mạnh đến đạo đức xã hội hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ là “tam cương”. Cả hai hệ thống giá trị đạo đức này đều được luận chứng một cách hợp lý trên cơ sở của triết học tự nhiên là âm dương và ngũ hành. Tam cương (các mối quan hệ vua tôi, cha con, chồng vợ) được luận chứng theo nguyên lý của mối quan hệ âm dương, theo đó âm phải phục tùng dương một cách vô điều kiện. Điều này dẫn đến hệ quả về lâu dài, đó là thuộc địa phải phụ thuộc vào chính quốc chừng nào sự Hán hóa chưa đạt được kết quả cuối cùng, và trong trường hợp xấu nhất, nếu nước ta giành được độc lập về mặt danh nghĩa, thì trên thực tế, hệ tư tưởng của các triều đại phong kiến nước ta nếu lấy Nho giáo làm bệ đỡ, thì quan niệm nước nhỏ lệ thuộc vào nước lớn, lại trở thành chuyện đương nhiên.