Như trên chúng tôi đã trình bày về vai trò của Nho giáo trong lĩnh vực kinh tế qua các quan điểm của một số nhà sáng lập học thuyết này. Nếu như Khổng Tử yêu cầu nhà cầm quyền trị nước theo các nguyên tắc của đức trị, làm cho dân theo về ngày một đông như các sao khác chầu về sao Bắc Thần (Luận ngữ, Vi chính), và khi dân đã đông thì phải làm cho dân giàu, thì Mạnh Tử với tâm thế trọng dân, lại yêu cầu nhà cầm quyền làm cho dân có “hằng sản” như là tiền đề của “hằng tâm”. Để dân có hằng sản, Mạnh Tử đã đưa ra quan điểm sở hữu ruộng đất “tỉnh điền” vốn được áp dụng rất hiệu quả trong lịch sử nhà Thương Ân và Tây Chu mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Từ thế kỷ XV, cụ thể là nhà Hậu Lê đã chú trọng đến đời sống kinh tế của dân theo tinh thần “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Có nghĩa là, để dân được yên ổn, nhà cầm quyền không chỉ chú ý đến lĩnh vực an ninh quốc phòng, mà phải làm thế nào cho dân được đảm bảo về mặt lương thực, không phải phiêu tán, tha hương cầu thực.
Chính sách an dân theo tinh thần của Nho giáo như vậy được ghi rất rõ trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Trước hết, do tình hình đất nước trải qua 20 năm đô hộ của quân Minh, nhân dân bị bóc lột thậm tệ và phải phiêu bạt khắp nơi, do đó, để ổn định xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, năm 1427 Lê Lợi ban lệnh: “Cho nhân dân phiêu bạt được về quê quán cấy cày. Người nào không có điền sản thì cho phép buôn bán. Kẻ nào bỏ nghề nghiệp bị xử tội nặng” [68, t.2, tr.267].
Đồng thời với chính sách trên, nhà Lê sơ còn thực hiện chính sách về sở hữu ruộng đất, nổi bật là chính sách “quân điền”. Ngay từ thời đầu triều Lê sơ, nhà nước đã đặt vấn đề về chia ruộng đất công làng xã cho dân nghèo, theo đó đến thời Lê Thánh Tông, chính sách quân điền được thực hiện “cứ 6 năm ruộng công làng xã được chia lại một lần cho các thành viên trong xã bao gồm các quan chức cấp thấp (từ ngũ phẩm trở xuống), chức dịch của làng, quân lính, dân đinh, vợ các quan, phụ nữ góa chồng, trẻ mồ côi” [93, tr.326- 327].
Chính sách sở hữu ruộng đất đã góp phần làm ổn định đời sống của đại đa số nông dân, đồng thời làm cho nông nghiệp được phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, nền nông nghiệp với hình thức canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ lại phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thiên nhiên, do đó công tác “dẫn thủy nhập điền”, chống lũ lụt trước hết được nhà nước quan tâm, cụ thể các thừa tuyên đều có chức quan hà đê chuyên phối hợp với các quan phủ, huyện trông nom, sửa đắp đê điều. Mặt khác, triều đình cũng chú trọng đến sức kéo, do đó đã ban lệnh cấm trộm cắp, giết trâu bò vào ban đêm, ai vi phạm đều phị phạt nặng. Theo các tác giả cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam: “Trong những năm khó khăn, hạn hán, lụt lội, nhà vua thường lập đàn cầu đảo, tự trách mình hoặc ra chiếu khuyến nông, động viên nhân dân khắc phục khó khăn đảm bảo sản xuất” [93, tr.328]. Chính vì vậy, triều đại Lê sơ được nhân dân ca ngợi:
“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,
Thóc lúa đầy đồng, trau chẳng buồn ăn”.
Vì sự phụ thuộc vào thiên nhiên là chính, cho nên mùa màng luôn nằm trong tình trạng bấp bênh. Việc lập đàn cầu đảo như vậy thường được các ông vua đứng ra làm chủ tế, cho rằng bản thân trị vì thiên hạ nhưng chưa đủ đức nên bị trời trừng phạt chăng? Đó là thế giới quan duy tâm thần bí, song việc thực hiện tế trời cũng có tác dụng kép, một mặt để nhà vua tiếp tục tu thân sửa đức, mặt khác để vỗ về dân chúng và có các biện pháp khác cụ thể hơn như giảm thuế khóa cho dân, “sử dân dĩ thời” trong chính sách “huệ dân” mà Nho giáo luôn yêu cầu.
Ngoài nông nghiệp, thời Hậu Lê còn chú trọng đến các ngành nghề phi nông nghiêp ở nông thôn như thủ công nghiệp, làm xuất hiện nhiều làng nghề sản xuất các mặt hàng nổi tiếng. Sự phát triển của thủ công nghiệp kéo theo sự xuất hiện các trung tâm thương mại như Vân Đồn (Quảng Ninh), Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An), v.v. Nhà Lê sơ đã bãi bỏ tiền giấy thời nhà Hồ và cho đúc tiền đồng để thuận tiện cho việc giao thương. Quan hệ hàng hóa – tiền tệ cũng như đồng tiền đã có tác động đáng kể đến đời sống xã hội, từng bước gây ra sự thay đổi trong chế độ chính trị và sự ổn định của đất nước.
Sang thời Lê Trung Hưng từ thế kỷ XVI-XVIII do nội chiến xẩy ra triền miên, làm cho đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng khó khăn. Chính sách quân điền bị thay bằng “Bình lệ” năm 1664, theo đó nhà nước
“giao cho các địa phương thống kê số đinh, số điền các xã rồi tính toán tổng số tiền thuế phải nộp cho nhà nước của từng xã... Năm 1694 phủ chúa buộc phải ra lệnh cho các xã thôn trong nước phải làm lại sổ ruộng đất, ghi rõ biên giới, núi sông, ao hồ, ruộng đất chung gọi là “Tu tri bạ” nhằm ngăn chặn tệ “chiếm công vi tư”... Năm 1711, phủ chúa ban hành lại phép quân điền (có thêm bớt trên cơ sở qui chế thời Lê sơ).... Đến năm 1740, khi phong trào nông dân bắt đầu rầm rộ, nhà nước Lê – Trịnh dự định ban hành phép quân điền mới “san đều giàu, nghèo, cân bằng phú dịch” nhưng không thực hiện được [93, tr. 354- 355].
Tuy nhiên, các lệnh về sở hữu đất đai, chẳng hạn lệnh năm 1708 bãi bỏ mọi sở hữu đất đai hiện có và cấm thành lập sở hữu mới; lệnh năm 1711 về bất khả nhượng của công điền không được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến sự thay thế chiếm đoạn bằng những thủ đoạn chiếm đoạt mới. Từ thế kỷ XVIII trở đi, sản xuất nông nghiệp không đáp ứng nhu cầu lương thực của xã hội, buộc nhà nước phải mở kho thóc phát chẩn,
“bắt buộc các nhà trồng trọt phải bán cho Nhà nước tất cả phần thu hoạch ngoài số cần thiết cho cuộc sống của gia đình (1741), bãi bỏ thuế lưu thông trên thóc gạo (1751. Nhưng tình trạng vẫn không thay đổi, vì cái gốc của vấn đề, nghĩa là chính chế độ đất đai đã không bị đụng đến” [83, tr.127].
Mặc dù thời Hậu Lê có những biến động mạnh mẽ của xã hội do các cuộc nội chiến và sự phân tranh chia cắt, song có thể nói trong trường hợp như vậy sự phiêu tán của nhân dân, một mặt làm thiếu hụt sức lao động, song mặt khác, nó lại góp phần mở mang, chinh phục những vùng đất mới, làm tăng diện tích canh tác.
Dưới thời vua Quang Trung, Ngô Thì Nhậm cũng Nhậm đã thay mặt vua viết “Chiếu khuyến nông” nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt sức lapo động và đất đai canh tác. Ngô Thì Nhậm viết:
“Theo thói thường, có những người phiêu lưu ngang bướng không chịu trở về, cùng những người làm giầu ngầm ngầm không ai biết. Muốn ngăn
ngừa nạ ấy, không gì bằng phụ hồi lưu dân, và di dân khai khẩn ruộng hoang, làm cho những người “du thủ du thực” chuyển hướng mà về với đồng ruộng... Đây là chính sách buổi đầu, cốt để hướng dẫn cho dân chăm chỉ nghề gốc. Lệnh ban ra là phải thi hành. Hỡi các thần dân, nên thể theo đức ý của trẫm về nơi quê quán, săn sóc ruộng nương. Đừng chơi bời làm hại sinh kế, đừng trốn tránh mắc phải tội lỗi. Rồi ra dân được hưng thịnh, trãm cùng trăm họ cùng vui chung. Hãy cố gắng theo lệnh, đừng có sai trái” [125, tr.57-58]
Sản xuất phát triển, kéo theo sự phát triển của kinh tế hàng hóa trong lĩnh vực thương mại. Ngoài các sản phẩm nông nghiệp, thời kỳ này cũng có sự phát triển của các ngành nghề phi nông nghiệp như khai thác rừng, đánh bắt cá, thủ công nghiệp, v.v., đã thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền, đặc biệt giao thông được mở mang, phương tiện tàu thuyền cũng được đóng nhiều, do đó người Việt Nam có điều kiện giao thương với các tàu buôn nước ngoài.
Xu hướng đô thị hóa cũng bắt đầu xuất hiện, làm hình thành nên tầng lớp thị dân. Theo học giả Nguyễn Thanh Nhã,
“tầng lớp này lao động độc lập, tách khỏi đất đai, trở nên có giá, tiền bạc dư giả, óc hám lợi chiếm ưu thế, khát vọng giàu sang và lòng ham mê hào nhoáng trở nên chính đáng. Nói tóm lại, một tâm thế đi ngược lại với nền đạo đức truyền thống bắt đầu lên ngôi, và từ đó không thể không làm lung lay và biến đổi, nếu không nói là hủy hoại, nền đạo đức này. Khi lý tưởng Nho giáo từng đề cao sự giản dị, thái độ bàng quan trước của cải vật chất không còn vững chắc một cách đáng kể, khi sự ngờ vực luôn dành cho hoạt động thương mại giảm đi, thì bản thân tầng lớp lãnh đạo cũng chấp nhận để mình tiêm nhiễm óc trọng thương, từ đó dẫn đến hiện tượng thâm nhập giữa các tầng lớp xã hội, các quan hệ xã hội thêm phong phú, và đó chính là nguồn gốc của sự đổi mới thâm sâu trong đời sống xã hội, nghệ thuật và trí thức của thời đại” [83, tr.460-461].
Như vậy, vốn là một học thuyết bị coi là trọng nông ức thương, theo đó xã hội phong kiến Việt Nam từ thời Hậu Lê đã phân định các tầng lớp “sĩ,
nông, công, thương”, ở mức độ nhất định, có thể nói đã có sự cởi mở hơn, ít bảo thủ hơn và suy cho cùng, do điều kiện lịch sử cụ thể qui định, đã chấp nhận sự thay đổi. Nói cách khác, tuy Nho giáo được coi là bệ đỡ hệ tư tưởng cho chế độ phong kiến đương thời, theo đó dưới nhãn quan của Nho giáo về cơ tầng xã hội, ngành thương mại bị xếp cuối cùng, song để nền kinh tế đất nước thoát khỏi sự khủng hoảng, bản thân nó không can thiệp tới mức cản trở đời sống thực tiễn một cách thái quá, mà trở nên chấp thuận sự thay đổi đó. Chúng ta thấy hiện tượng này biểu hiện rõ nét dưới thời Tây Sơn do Quang Trung trị vì, nhưng điều đáng tiếc là triều đại này tồn tại ngắn ngủi do vua Quang Trung mất sớm.