III. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước tác động đến phát triển khoa học, công
2. Tình hình trong nước
Ở trong nước, 10 năm qua, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, mở rộng tự do hóa thương mại, làn sóng ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang trở nên mạnh mẽ trên khắp thế giới và trở thành một xu thế mới trong quan hệ kinh tế quốc tế. Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết thực hiện 14 Hiệp định thương mại tự do. Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới sẽ có tác động lớn đến Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khơi dậy nhiều tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng,… Việc mở rộng và tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào các hiệp ước CPTPP, FTA,... tạo thêm các cơ hội mới để tranh thủ được các nguồn lực KH,CN&ĐMST trên thế giới vào phát triển KT-XH của đất nước.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định con đường đổi mới theo hướng đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, liên kết kinh tế đa tầng nấc, sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định FTA, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới phát triển nhanh hơn, ngày càng sâu rộng, gắn kết với phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Đổi mới mô hình tăng trưởng, KH,CN&ĐMST phải góp phần nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, hỗ trợ việc tiếp thu, làm chủ và nâng cấp công nghệ nhập. Phát triển KT-XH dựa vào KH,CN&ĐMST. Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 đã đề ra những nội dung quan trọng về quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, các khâu đột phá chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH. Trong đó, nhấn mạnh phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới…; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng
dụng công nghệ số; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;…
Những năm qua, mặc dù thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, nhưng nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Những đòi hỏi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ lụy của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh được dự báo còn tiếp tục kéo dài. Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế. Các đột phá chiến lược chưa có bứt phá. Quản lý phát triển xã hội còn một số hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển,… KH,CN&ĐMST đã có những bước chuyển biến quan trọng và đóng góp vào phát triển đất nước, tuy nhiên, chưa thực sự trở thành động lực phát triển; mô hình tăng trưởng chưa thực sự dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST,…
Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức cần đổi mới tư duy phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế; từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia; tăng cường tự chủ và khả năng chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài; đẩy mạnh ứng dụng KH,CN&ĐMST, nâng cao vai trò KH,CN&ĐMST trong phát triển đất nước. Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.