Định tuyến là một trong những vấn đề kỹ thuật quan trọng nhất cần được xem xét trong số nhiều vấn đề cần giải quyết trong mạng MANET. Các giao thức định tuyến đơn đường thường tìm một đường tối ưu (đường đơn) giữa một cặp nguồn và đích. Do đó, cần một tiến trình khám phá đường mới khi đường hiện tại bị lỗi dẫn đến chi phí cao và gây ra độ trễ. Các giao thức định tuyến đa đường thiết lập truyền thông từ nguồn đến đích bằng nhiều đường. Khi đường chính bị lỗi
trong quá trình truyền thông đầu cuối, các đường dự phòng sẽ được sử dụng để gửi thông điệp một cách hiệu quả. Có thể phân loại các giao thức định tuyến đa đường dựa trên cơ chế khám phá và duy trì đường của chúng thành ba nhóm là: (i) định tuyến trước, (ii) định tuyến theo yêu cầu và (iii) định tuyến lai. Với sự hỗ trợ của các chiến lược định tuyến dựa trên vectơ khoảng cách hoặc dựa trên trạng thái liên kết, các giao thức định tuyến trước (dạng bảng) sẽ tìm các đường đến tất cả các đích khi bắt đầu hoạt động và duy trì quá trình cập nhật theo định kỳ. Giao thức MDSDV [5] và giao thức MP-OLSR [13] là những ví dụ về các giao thức định tuyến trước đa đường. Nhược điểm lớn nhất của thuật toán này là tiêu thụ một lượng lớn bộ nhớ, băng thông và năng lượng do việc cập nhật bảng định tuyến thường xuyên.
Đối với các giao thức định tuyến theo yêu cầu, không cần thiết phải duy trì thông tin định tuyến trong bảng định tuyến ở mỗi nút mạng. Trong quá trình khám phá đường, các giao thức định tuyến theo yêu cầu chỉ xác định và duy trì các đường khi chúng được nút nguồn yêu cầu truyền dữ liệu. Do đó, chi phí định tuyến được giảm xuống. Giao thức định tuyến nguồn động đa đường MP-DSR [6] và giao thức định tuyến véc tơ khoảng cách đa đường theo yêu cầu AOMDV [8] (cải tiến từ giao thức AODV) [12]) là một trong những ví dụ của giao thức định tuyến đa đường theo yêu cầu. Giao thức AOMDV cung cấp khả năng tìm nhiều đường không lặpm tách biệt theo liên kết và có khả năng chịu lỗi để cải thiện thời gian hoạt động của mạng bằng cách giảm độ mất gói, chi phí định tuyến và năng lượng tiêu thụ. Giao thức định tuyến OMMRE-AOMDV [9] là phiên bản cải tiến của giao thức MMRE-AOMDV [7]. Giao thức OMMREAOMDV có khả năng tìm được các đường không lặp, tách biệt theo liên kết, có khả năng chịu lỗi và có độ hiệu quả năng lượng cao hơn để cải thiện thời gian hoạt động của mạng và mang
lại hiệu suất tốt hơn giao thức MMRE-AOMDV và giao thức AOMDV. Giao thức LR-EE-AOMDV [11] là phiên bản cải tiến của giao thức AOMDV với khả năng tìm nhiều đường tin cậy có hiệu quả năng lượng tốt nhất đem lại hiệu năng tốt hơn so với giao thức OMMRE-AOMDV và AOMDV. Vì số lượng đường do giao thức LR-EE-AOMDV tìm được là rất hạn chế do cơ chế chọn đường giữa một cặp nguồn-đích là sử dụng ba độ đo định tuyến tích hợp nên khi số lượng kết nối hoặc số luồng dữ liệu tăng lên, trễ đầu cuối của các đường tìm được sẽ tăng cao. Mục tiêu chính của đề tài này là nghiên cứu về giao thức định tuyến đa đường E2E- LREEMR được đề xuất trong [10] cung cấp khả năng tìm nhiều đường không lặp giữa các cặp nút nguồn-đích chứa các liên kết tin cậy với các tài nguyên sẵn có để đáp ứng các yêu cầu chất lượng dịch vụ (QoS) của ứng dụng.
Các giao thức định tuyến đa đường lai là một thế hệ giao thức mới được phát triển bằng cách kết hợp các tính năng của cả giao thức định tuyến trước và giao thức định tuyến theo yêu cầu nhằm tăng khả năng mở rộng của các nút mạng. Các giao thức này làm giảm chi phí khám phá đường bằng cách cho phép các nút gần nhau làm việc với nhau để tạo thành trục chính của các mạng (đường backbone). Điều này có thể đạt được bằng cách chủ động duy trì các đường đến các nút lân cận và xác định các đường đến các nút ở xa bằng chiến lược khám phá tuyến đường theo yêu cầu. Giao thức định tuyến vùng (ZRP) [4] là một trong những ví dụ về giao thức định tuyến lai. Xác giao thức định tuyến theo yêu cầu hoạt động tốt hơn các giao thức định tuyến trước (hướng bảng) và các giao thức định tuyến lai.
Các mạng ad hoc thường sử dụng cơ chế quảng bá băng thông, năng lượng, độ trễ, tải, v.v. để thích ứng với những thay đổi của mạng do tính chất đặc biệt và môi trường di động của chúng. Truyền dữ liệu đáng tin cậy đầu cuối đã là một vấn đề đang thu hút được nhiều sự quan tâm trong các nghiên cứu về MANET do các
lỗi liên kết thường xuất hiện giữa giữa các nút. Vì lý do này, giao thức định tuyến đa đường hiệu quả năng lượng với liên kết đầu cuối tin cậy E2E-LREEMR được đề xuất trên cơ sở cải tiến giao thức AOMDV.