CÔNG ĐỨC
Sống là quá trình tìm kiếm mục tiêu, cái “tôi” là mục tiêu cần đạt được, đồng thời cái “tôi” đó lại do chính “tôi” thực hiện. Nhiều người sẽ hỏi, mục tiêu đời người là gì? Tôi cho rằng, sống để trả nguyện ước và lập thêm ước nguyện mới. Quá trình trả nguyện ước và lập nguyện ước mới chính là “tôi”.
Tôi cho rằng, ý nghĩa đời người là gánh vác trách nhiệm và trả hết trách nhiệm, “tôi” là người thực hiện quá trình đó. Gánh trách nhiệm cần gánh của mình, ví dụ như tôi là công dân của một quốc gia nào đó, tôi phải gánh vác trách nhiệm của mình đối với đất nước đó. Nếu tôi là một tu sĩ, tôi phải gánh vác trách nhiệm của một tu sĩ. Một người cùng lúc có thể đóng nhiều vai khác nhau trong cuộc sống. Bạn có thể vừa là ông nội vừa là cha, chồng… Trong công việc bạn có thể là cấp dưới của người này nhưng lại là sếp của người khác… Nói chung, tất cả trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn ở các vai, các góc độ kia đều là “bản thân bạn”.
Giá trị đời người là cống hiến, cảm ơn. Khi chúng ta có điều muốn dâng hiến cho xã hội, chúng ta sẽ cảm nhận được đây là “tôi”… Khi chúng ta chịu ân của mọi người thì đối tượng cảm nhận cũng chính là “tôi”. Tại sao chúng ta phải tán dương, khen ngợi những người làm việc thiện? Vì việc làm của họ có ý nghĩa đối với nhân quần, xã hội.
Trả nguyện ước, lập nguyện ước là tôi; người gánh trách nhiệm, hoàn thành trách nhiệm cũng là tôi. Người dâng hiến, người cảm ơn sự dâng hiến cũng là tôi… Tất cả đều xoay quanh cái tôi, nên Phật giáo chỉ ra rằng, có chúng sinh là vì có người chấp vào cái “tôi”, tôi là cội nguồn của mọi đau khổ phiền não. Vì thế đạo Phật chủ trương tu hành với tâm vô ngã. Tuy nhiên, đối với người mới học đạo đã giảng thuyết về vô ngã e rằng sẽ ngộ nhận và không hiệu quả. Nên trước hết phải cho họ một cái “tôi” tạm thời, tức lấy cái tôi hẹp hòi ích kỷ kia để thực hiện các điều thiện, tạo công đức, biến cái tôi này thành “cái tôi thực hành điều thiện, làm điều nhân đức”.
Nhiều người nhận thấy, giữ tiền trong nhà chưa chắc đã bảo đảm không mất, vì có thể bị kẻ gian phát hiện đánh cắp, có thể bị lửa thiêu… Vì thế có người dùng tiền đầu tư vào bất động sản hoặc gửi ngân hàng… Tuy nhiên không ai dám chắc chắn trăm phần rằng mình đầu tư nhất định sẽ có lãi, thậm chí ngân hàng còn có lúc nợ ngược khách hàng. Rốt cục phải làm thế nào mới được bảo đảm?
Tốt nhất bạn nên gửi tiền vào trong niềm hạnh phúc của tất cả mọi người. Đây mới là biện pháp giữ tiền rốt ráo nhất. Gửi tiền vào trong niềm hạnh phúc của tất cả mọi người chính là đầu tư tài sản hữu hình, tài sản vô hình, bao gồm cả tài sản trí tuệ, tài sản sức khỏe, tài sản thời gian.
Mưu cầu phúc lợi cho chúng sinh, giúp đỡ người khác, làm thế không những đao binh thủy hỏa không thể phá hoại tài sản, kẻ cắp cũng không thể cướp mất, ngay cả chính phủ cũng không thể thu thuế, tại sao vậy? Vì khi đó tài sản của bạn đã chia đều cho mọi người hết. Cái tôi thực hiện được điều này được gọi là cái tôi làm điều
thiện, tích góp công đức. Bạn cho đi bao nhiêu bạn sẽ nhận lại nguyên vẹn bấy nhiêu. Cái tôi làm điều thiện, tích góp công đức sẽ không vì lợi ích cá nhân mà làm tổn thương người khác; cái tôi đó giờ sẽ làm cho cuộc đời mình ý nghĩa hơn, nỗ lực học tập nhiều hơn cuối cùng, dâng hiến cho mọi người tất cả những gì mình có.
Có người nói làm vậy là điều ngu ngốc, tại sao tiền mình khó khăn làm được lại mang chia hết cho người khác; có phúc mà không biết hưởng thụ lại mang cho người khác hưởng. Mình có thời gian không biết tận hưởng lại đi làm chuyện không công, không lương. Thực ra trong quá trình cống hiến chúng ta sẽ thu nhận được nhiều hơn những gì mình cho đi, sẽ trưởng thành hơn, trong quá trình làm điều thiện chúng ta vẫn có cái “tôi” đi theo, nhưng cái tôi lúc này đã trở thành cái tôi công đức.
Cái tôi công đức thực hiện ước nguyện và lập ước nguyện làm việc thiện nên sẽ không thấy khổ ngược lại thấy hạnh phúc, vui vẻ thực sự. Nhờ biết cách cảm ơn, dâng hiến nên càng nỗ lực, thấy việc thiện là điều cần làm, nên làm. Vì sao vậy? Vì khi bạn làm việc tốt, cuộc sống trở nên có ý nghĩa, giá trị cuộc sống, giá trị đời người nhờ đó thể hiện rõ nét hơn.