Tự trưởng thành rất quan trọng, cũng không bao giờ có giới hạn, nhưng phải chăng đó là mục đích cuối cùng của cuộc sống? Trong giai đoạn còn phàm phu, chúng ta cần không ngừng trưởng thành, nỗ lực vun bồi nhân cách, mở rộng giới hạn đời mình. Nhưng khi đạt đến quả vị Bồ-tát sẽ không còn vấn đề trưởng thành hay không nữa.
Chư vị Bồ-tát được nhắc đến trong kinh Bát-nhã, Kim cương, kinh Duy-ma đều có từng cấp bậc riêng. Mỗi cấp bậc nói lên vị trí tu chứng của vị đó. Khi đạt đến “vô sinh pháp nhẫn” phiền não không còn sinh khởi, tận diệt phiền não, từ quả vị này chư vị Bồ- tát không còn phải làm gì cho mình nữa, không còn phải tu tập sửa đổi điều gì nữa mà chỉ vận dụng từ bi và trí tuệ một cách tự nhiên nên không còn vấn đề trưởng thành hay không nữa. Vận dụng từ bi trí tuệ một cách tự nhiên là định luật “tĩnh trong động, động trong tĩnh, tĩnh tuyệt đối và động tuyệt đối” của vật lí học. Đạt đến quả vị này, phiền não tận diệt vĩnh viễn không còn sinh khởi nên “vĩnh viễn bất động” luôn trong trạng thái tĩnh. Nhưng trí tuệ và từ bi trở thành hai nguồn động lực vận động
phát triển mãi mãi không ngừng nên “tuyệt đối vận động”. Phiền não đoạn diệt tận gốc nên không cần phải dụng tâm điều khiển, khống chế, hóa giải. Trí tuệ, từ bi phát huy diệu dụng vào việc độ sinh nên không cần phát nguyện, không cần quyết tâm, không cần bàn đến mục tiêu để nỗ lực nữa. Lúc đó chỉ có hành vi duy tác, luôn trong trạng thái tĩnh nhưng từ bi trí tuệ chưa bao giờ xả bỏ hạnh độ sinh.
Thực hiện công hạnh hóa độ vô duyên1 mọi lúc mọi nơi, mọi đối tượng. Khi đó không cần phải xác định cần làm gì mà chỉ tùy duyên ứng hiện.
Duyên được nhắc đến ở đây chỉ duyên giữa chư Phật, Bồ-tát và chúng sinh. Một khi duyên của chúng sinh bắt nhịp với từ tâm, trí tuệ tâm của Bồ-tát sẽ tự nhiên tác động hóa giải phiền não đau khổ cho chúng sinh. Thực ra bất kì chúng sinh nào cũng có duyên với Phật, với chư vị Bồ-tát. Chỉ cần chúng sinh thành tâm hướng về Phật, về Bồ-tát thì lúc nào các vị đó cũng ra tay cứu độ.
Phàm phu chúng ta cần phải thực hiện bằng được một việc đó là phát nguyện, sau đó vận dụng tất cả tâm trí mình để thực hiện lời thề nguyện đó. Như thế mới mong gặt hái thành tựu trên đường tu tập. Nhưng các vị đại Bồ-tát không cần cố tạo bất kì duyên nào, nên thường gọi là “đại từ vô duyên”2. Bồ tát không cần phát nguyện vì ngài có mặt khắp nơi để độ sinh, nên kinh thường nói các vị Bồ-tát có lòng từ bi vô lượng, trí tuệ vô biên.
Ngoài ra, phật và Bồ tát không cần phải “thể nhập vô ngã” căn bản vì các ngài không còn tự ngã, không còn lấy mình làm trung tâm, không còn mong cầu gì cho riêng mình, không còn phải hỏi “nên làm gì, không nên làm gì”, “nên cứu ai, không nên cứu ai”, “nên đi về đâu, không đi về đâu”,… đấy chính là vô ngã.
Vô ngã không có nghĩa là chẳng có gì cả mà là không còn đối tượng phiền não, không còn chủ thể phiền não, không còn ý thức rằng mình có giá trị hay không, không còn biết mình tồn tại,… căn bản vì không còn ý nghĩ là “tôi” là “của tôi” nữa.
Có người cho rằng, đến cuối cùng tất cả đều vô ngã phải chăng đó là sự trống rỗng? Thực ra sau khi thành Phật, nhập vô dư3. Niết-bàn thì trí tuệ của Phật vẫn mãi mãi khởi tác dụng trong việc độ sinh ở đời. Cõi tịnh độ của các ngài vẫn có mặt khắp mười phương thế giới, các ngài ứng hiện khắp tam giới độ sinh nhưng vẫn thường ngự trong tòa bồ đề. Đây là trạng thái cao nhất của giác ngộ, trạng thái hoàn toàn vô ngã, đồng thời đây mới chính là cái đích thực sự mà chúng ta hướng tới.