Một số đóng góp và hạn chế của đề tài

Một phần của tài liệu Thực trạng nhiễm ký sinh trùng sốt rét và hiệu qủa giám sát, phát hiện, điều trị tại huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước, 2018 2019. (Trang 132 - 135)

4.3.1. Tính khoa học và thực tiễn

Huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước với đặc điểm địa lý có đường biên giới giáp Việt Nam với Campuchia và vườn Quốc gia Bù Gia Mập là một trong những huyện có số ca mắc sốt rét cao của tỉnh. Ký sinh trùng sốt rét P. falciparum đa kháng thuốc, dân di biến động nhiều và người dân có tập quán làm rẫy, rừng và ngủ lại rẫy, rừng nên hiệu quả các biện pháp phòng chống sốt rét thường quy theo Quy định của Bộ Y tế bị hạn chế. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của các giải pháp can thiệp nhằm đề xuất, bổ sung dữ liệu và các biện pháp có tính khả thi, hợp lý cho công tác giám sát, phát hiện, điều trị người nhiễm ký sinh trùng sốt rét tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và khu vực Đông Nam Bộ trong giai đoạn phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét.

4.3.2. Điểm mới của đề tài

Nghiên cứu được thực hiện lần đầu tiên tại xã SRLH nặng của tỉnh Bình Phước và đã sử dụng phương pháp nghiên cứu cắt ngang mô tả và can thiệp cộng đồng có nhóm chứng. Các biện pháp can thiệp nhằm đánh giá hiệu quả giám sát, phát hiện, điều trị có giám sát trực tiếp người nhiễm KSTSR tại hộ gia đình hoặc nơi làm việc (iDES) ở những đối tượng nhiễm KSTSR có triệu chứng hoặc không có triệu chứng và người nhiễm KSTSR được phát hiện PCD hoặc ACD tại xã Đắk Ơ và xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Kết quả nghiên cứu mô tả tỷ lệ nhiễm KSTSR tại vùng SRLH nặng không chỉ bằng kỹ thuật thường quy xét nghiệm lam máu soi kính hiển vi hoặc test chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên sốt rét mà còn được phát hiện bằng kỹ thuật Real-Time PCR có thể phát hiện được KSTSR ở mật độ thấp dưới ngưỡng phát hiện của kính hiển vi hoặc test chẩn đoán nhanh. Tỷ lệ KSTSR được phát hiện bằng Real-Time PCR tại địa điểm nghiên cứu làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, định hướng hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tại một số vùng SRLH nặng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm tiến tới thực hiện thành công chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tại các vùng SRLH nặng.

4.3.3. Tính khả thi và duy trì

Nghiên cứu được sự ủng hộ của các cơ quan y tế từ cơ sở đến y tế tuyến tỉnh, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của đối tượng tham gia nghiên cứu.

Thực hiện giám sát, phát hiện ACD, PCD và điều trị có giám sát trực tiếp người nhiễm KSTSR dựa trên nguồn nhân lực sẵn có của hệ thống PCSR từ cơ sở đến trung ương. Trong đó, y tế cơ sở đóng vai trò nồng cốt trong thực hiện phát hiện và giám sát điều trị trực tiếp người nhiễm KSTSR tại cộng đồng.

Thuốc điều trị sốt rét và vật tư xét nghiệm KSTSR được cấp bởi hoạt động phòng chống sốt rét thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và người nhiễm KSTSR được điều trị theo phác đồ do Bộ Y tế quy định.

Người dân sau khi được tuyên truyền giáo dục sức khỏe và điều trị có giám sát trực tiếp khi nhiễm KSTSR đã nhận thức được trách nhiệm, tầm quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cá nhân, cộng đồng và thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe, giảm yếu tố nguy cơ mắc bệnh nên công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét sẽ được tiếp tục duy trì, thực hiện tốt tại các vùng SRLH nặng.

4.3.4. Khó khăn và thuận lợi

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, mặc dù đã dự báo trước và chuẩn bị nhưng nghiên cứu không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Bình Phước là địa phương có nhiều thành phần dân tộc, nghề nghiệp chủ yếu là trồng cây nông sản như cà phê, tiêu, đề, củ mì và khai thác, thu lượm những sản phẩm từ rừng. Người dân thường xuyên có sự giao lưu biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như giữa các địa phương thuộc vùng SRLH với vùng không còn sốt rét.

Để đảm bảo can thiệp đạt hiệu quả, nhân viên y tế giám sát điều trị trực tiếp đối tượng nhiễm KSTSR tại nhà hoặc nơi làm việc và lấy máu xét nghiệm KSTSR đánh giá hiệu quả sau điều trị. Nhiều đối tượng không hợp tác trong việc lấy máu xét nghiệm KSTSR. Sự nhiệt tình, động viên của nghiên cứu viên nên tất cả những đối tượng nhiễm KSTSR đều có thái độ tốt và hợp tác trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu can thiệp tại cộng đồng.

Nghiên cứu nhận được sự ủng hộ của các cơ quan y tế từ y tế cơ sở đến y tế tuyến tỉnh và chính quyền địa phương nơi thực hiện nghiên cứu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mặc dù có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng từ sự định hướng và hỗ trợ từ Viện Sốt rét KST – CT TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Phước, Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập, trạm y tế các xã Đắk Ơ và xã Bù Gia Mập nghiên cứu đã thu thập đúng, đủ và đảm bảo chất lượng mẫu nghiên cứu.

Để xác định tỷ lệ nhiễm KSTSR và một số yếu tố liên quan đến người dân nhiễm KSTSR tại cộng đồng, đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu cắt ngang mô tả. Do đó, đề tài nghiên cứu không kết luận được mối quan hệ nhân quả. Đề tài đánh giá hiệu quả một số biện pháp can thiệp giám sát, phát hiện, điều trị người nhiễm KSTSR. Trong thời gian tới, cần có những nghiên cứu tiếp theo đánh giá hiệu quả của từng biện pháp can thiệp một cách đầy đủ và chi tiết. Vì lý do nguồn lực hạn chế, đề tài chỉ can thiệp ở quy mô nhỏ phạm vi một thôn, tương lai cần có những nghiên cứu ở phạm vi lớn hơn.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Thực trạng nhiễm ký sinh trùng sốt rét và hiệu qủa giám sát, phát hiện, điều trị tại huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước, 2018 2019. (Trang 132 - 135)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)