Các kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu Truyền dẫn chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng nghiên cứu thực nghiệm ở việt nam (Trang 57 - 58)

5. KẾT LUẬN

5.1.Các kết quả nghiên cứu

Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi đã nghiên cứu các tác động khác nhau của cú sốc CSTT đến các biến trên BCĐKT ngân hàng (tiền gửi, khoản vay và chứng khoán) và các biến số vĩ mô (sản lượng, chỉ số giá tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu và dự trữ ngoại hối) bằng cách hồi qui các mô hình VAR để nghiên cứu cơ chế truyền dẫn CSTT ở VN. Bài nghiên cứu nhằm nhận diện và kiểm định sự tồn tại của kênh tín dụng ngân hàng, kênh lãi suất và kênh giá cả tài sản bằng cách sử dụng dữ liệu ngân hàng tổng hợp và dữ liệu ngân hàng tách biệt về các loại khoản vay và các loại ngân hàng. Chúng tôi cũng nghiên cứu sự khác nhau trong tác động của CSTT đến các khu vực kinh tế khác nhau và trong tốc độ truyền dẫn CSTT của kênh cho vay khác nhau (phân theo khu vực kinh tế tương ứng) bằng dữ liệu về các khoản vay ngân hàng cho các lĩnh vực khác nhau. Thứ ba, chúng tôi nghiên cứu các tác động của CSTT đến

thương mại quốc tế VN lần lượt trong cơ chế CSTT mở rộng và thả nổi. Cuối cùng, chúng tôi xác định vector đồng liên kết giữa các biến và thiết lập các mô hình VECM để nghiên cứu mối tương quan dài hạn giữa các chỉ số CSTT, các biến trên BCĐKT và các biến vĩ mô khác. Bài nghiên cứu được tiến hành trong giai đoạn từ tháng 11/2005– 5/2013 đã có nhiều khám phá đáng quan tâm:

Thứ nhất, hai hàm phản ứng đẩy cho dữ liệu ngân hàng tổng hợp và dữ liệu ngân hàng tách biệt đều xác nhận sự tồn tại của kênh tín dụng ngân hàng, kênh lãi suất và kênh giá cả tài sản trong cơ chế truyền dẫn CSTT VN (cả CSTT mở rộng và thắt chặt). Cụ thể, cú sốc CSTT dẫn đến các hành vi khác nhau của ngân hàng, tùy theo loại ngân hàng và khoản vay. Các hành vi khác nhau theo loại ngân hàng và loại khoản vay (khách hàng vay) phản ánh thông tin bất cân xứng và các rào cản trong thị trường tín dụng, hỗ trợ lý thuyết dựa trên kênh tín dụng ngân hàng đã được phát triển. Bằng chứng thực nghiệm này hàm ý rằng CSTT ở VN có thể tác động đến các hoạt động vĩ mô bằng cách hạn chế hoặc tăng việc cho vay thông qua kênh tín dụng ngân hàng. Hơn nữa, do thị trường vốn của VN có qui mô còn nhỏ và chưa trưởng thành, trong đó, huy động vốn trực tiếp thì khó khăn và hạn chế, kênh tín dụng ngân hàng đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thi hành CSTT của VN để đạt được các mục tiêu của mình. Việc xác nhận kênh giá cả tài sản trong cơ chế truyền dẫn CSTT ở VN có thể đóng góp đáng kể đến việc phát triển thị trường tài chính VN.

Thứ hai, sự đa dạng trong phản ứng của các khoản vay ngân hàng cho các lĩnh vực kinh tế khác nhau trước các cú sốc CSTT mở rộng cho thấy CSTT VN đóng vai trò trong việc phân phối nguồn vốn, tăng trưởng và ổn định kinh tế.

Thứ ba, CSTT có tác động đến xuất khẩu và nhập khẩu, do đó, nó đã ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối và sản lượng.

Cuối cùng, việc xác định mối quan hệ đồng liên kết và các mô hình VECM cho thấy mối tương quan dài hạn giữa các chỉ số của CSTT VN, các biến trên BCĐKT và các biến kinh tế thực, một lần nữa giúp ta xác nhận rằng khoản vay ngân hàng đóng vai trong đáng kể trong cơ chế truyền dẫn tác động của CSTT đến nền kinh tế của VN.

Một phần của tài liệu Truyền dẫn chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng nghiên cứu thực nghiệm ở việt nam (Trang 57 - 58)