3.2.1. Điều kiện kinh tế
Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2017, kinh tế của huyện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất tăng 14,8%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 301% dự toán Thành phố giao, bằng 107% dự toán HĐND huyện giao. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2017, huyện tập trung đầu tư xây dựng NTM tại 06 xã và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại các xã khác.
Qua kết quả thẩm định của huyện, 06 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 đã đủ điều kiện để báo cáo Thành phố về thẩm định, công nhận. Lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; xây dựng chính quyền, quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được chú trọng; công tác quân sự, quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của nhân được nâng lên.
Tổng giá trị sản xuất năm 2017 đạt 16.518.270 triệu đồng, hoàn thành KH năm và tăng 14,8% so với năm 2016;
Cơ cấu giá trị các ngành: Công nghiệp- TTCN 68,2%; Thương mại- dịch vụ - du lịch 22,2%; Nông- lâm- thủy sản 9,6%;
- Sản xuất Công nghiệp- TTCN- XDCB đạt 11.363.715 triệu đồng, bằng 100,2% KH năm, tăng 15,6%.
- Sản xuất Nông- Lâm- Thủy sản đạt 694.514 triệu đồng, bằng 98,5% KH năm, tăng 3,9%.
+ Chăn nuôi, thú y đạt 751.736 triệu đồng, bằng 100,3% KH năm, tăng 2,8%.
+ Thủy sản đạt 50.492 triệu đồng, bằng 100% KH năm, tăng 3,2%.
- Thương mại- Dịch vụ- du lịch đạt 3.590.334 triệu đồng, đạt 100% KH năm, tăng 18,2%.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, phát triển, mở rộng một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi giun quế kết hợp với trồng rau hữu cơ dưới tán rừng ở Yên Bình từ 10ha lên 12ha; mô hình trồng ngô nếp hàng hóa, rau an toàn, hoa và trồng nấm các loại ở Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Bình Yên… nhờ đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt năm 2017 tiếp tục tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thạch Thất tích cực triển khai và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Trên cơ sở rà soát các tiêu chí NTM, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện đối với từng tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt và tiếp tục có giải pháp đối với các tiêu chí đã đạt.
Trong năm qua, huyện đã tổ chức triển khai thi công 14 dự án với tổng mức đầu tư 78,6 tỷ đồng ở 6 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, nhân dân đã ủng hộ được hơn 21,7 tỷ đồng và hơn 2.000 m2
đất để đầu tư tu sửa các công trình tâm linh và đường ngõ xóm. Nhờ vậy, qua thẩm định của huyện,
đến nay, cả 6 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 đều đủ điều kiện để báo cáo Thành phố về thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017.
3.2.2. Điều kiện chính trị - xã hội
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội của huyện Thạch Thất trong năm qua cũng luôn được quan tâm, làm tốt. Đến nay, toàn huyện có khoảng 69% người dân được sử dụng nước sạch. Trên 85% người dân được tiếp cận bảo hiểm y tế. Gần 5 nghìn lao động được giải quyết việc làm và hơn 420 hộ thoát nghèo đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh, chỉ còn 2,66%.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” được người dân tích cực hưởng ứng và ngày càng đi vào chiều sâu. Trong năm qua, toàn huyện có 88% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 77% thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định.
Trong năm 2018, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, trong đó tập trung khai thác có hiệu quả những thế mạnh của địa phương.
Huyện cũng đã có kế hoạch hành động với 3 nhóm lĩnh vực gồm: Quy hoạch, phát triển kinh tế, tài chính ngân sách, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới; văn hóa - xã hội và công tác nội chính, với 23 nhóm giải pháp cụ thể để triển khai thời gian tới.
Trên địa bàn huyện Thạch Thất có 46 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện Ủy Thạch Thất, bao gồm 196 chi bộ nông thôn và 421 chi bộ trực thuộc Đảng bộ, năm 2017 có 15 Đảng bộ xã, thị trấn và 10 Đảng bộ cơ quan đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh với tổng số 8.041 đảng viên trong toàn Đảng bộ. 23/23 xã thị trấn trên địa bàn huyện Thạch Thất được công nhận xã
đạt chuẩn nông thông mới, năm 2018 huyện Thạch thất phấn đấu đạt chuẩn huyện về đích nông thôn mới