CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ MẠNG CẢM BIẾN KHÔNG DÂY
1.9. Các ứng dụng hệ thống mạng cảm biến không dây [1][4][5]
1.9.1. Ứng dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp
Mạng cảm ứng có thể được triển khai trên các khu vực rừng, đồng ruộng rộng lớn để đưa ra các cảnh báo và hành động kịp thời. Trong nông nghiệp, các nút cảm biến có thể được gắn vào các hạt giống để kiểm tra độ ẩm trong đất, sự tăng trưởng của cây. Các hệ thống mạng cảm biến không dây được ứng dụng ngày càng phổ biến ở nước ta và trên thế giới. Hệ thống mạng cảm biến này sẽ hỗ trợ cho nông dân thu thập thông số môi trường trên diện tích rộng lớn một cách nhanh chóng và chính xác. Các tham số này có thể là độ ẩm đất, độ ẩm môi trường, nhiệt độ, ánh sáng, chất dinh dưỡng,….
1.9.2. Ứng dụng trong y tế
Các nút cảm biến có thể được gắn vào cơ thể, ví dụ như ở dưới da để đo các thông số của máu, nhịp tim,… Từ đó, hệ thống cảm biến sẽ xử lý và đưa ra những cảnh báo và phát hiện sớm các bệnh như ung thư, nhờ đó việc chữa bệnh sẽ dễ dàng hơn. Trên thực tế, đã tồn tại những video sensor rất nhỏ có thể nuốt vào trong người, dùng một lần và được bọc vỏ hoàn toàn, nguồn nuôi của thiết bị này đủ để hoạt động trong 24 giờ. Trong thời gian đó, chúng gửi hình ảnh về bên trong con người sang một thiết bị khác mà không cần phải phẫu thuật. Các bác sĩ có thể dựa vào đó để chuẩn đoán và điều trị.
1.9.3. Ứng dụng trong giám sát môi trường
Một số ứng dụng môi trường của mạng cảm biến không dây là dùng để theo dõi sự di cư của các loài chim, các động vật nhỏ, các loại côn trùng, theo dõi điều kiện môi trường mà ảnh hưởng đến mùa màng và vật nuôi, việc tưới tiêu, phát hiện lũ lụt, cháy rừng, ô nhiễm khí quyển... Đồng thời, hệ thống có thể cảnh báo lũ lụt, thiên tai thông qua các cảm biến đo thông số môi trường và truyền về trung tâm khí tượng thủy văn để phân tích và đánh giá. Những hệ thống cảnh báo lũ này đã và đang được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt thành công trên thị trường Mỹ. Hiện nay ở Việt Nam cũng đã có một số hệ thống đo mực nước ở sông Hồng sử dụng mạng cảm biến không dây.
1.9.4. Ứng dụng WSNs trong giao thông
Với phạm vi ứng dụng này, thì các cảm biến được gắn trên các phương tiện giao thông để chúng có thể xác định được vị trí của nhau, nhận biết được các biển báo hay tắc đường, từ đó định tuyến nhằm giảm thiểu ách tắc, tai nạn giao thông giúp cho việc điều khiển luồng tốt hơn. Hiện nay một số nước đã ứng dụng hệ thống thu phí tự động sử dụng cảm biến không dây tại các trạm
thu phí làm giảm bớt đáng kể thời gian và các thủ tục phiền hà trong thu phí giao thông.
Hình 1.6 Minh họa ứng dụng hệ thống cảm biến trong giao thông
1.9.5. Ứng dụng trong gia đình
Trong lĩnh vực tự động hóa gia đình, các nút cảm biến được đặt ở các phòng để đo nhiệt độ, độ ẩm, cảnh báo cháy... Điển hình ngày của ứng dụng loại này là ngôi nhà thông minh (Smart Home). SmartHome kết nối sản phẩm điện tử gia dụng thành mạng thiết bị và hoạt động theo các kịch bản khác nhau nhằm tạo môi trường sống tiện nghi, an toàn và tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn, khi có người bước vào nhà, hệ thống đèn sẽ tự bật nhờ thiết bị cảm biến hồng ngoại. Đèn chiếu sáng còn có thể điều chỉnh ánh sáng, màu sắc... theo sở thích của chủ nhân. Khi thiết bị chiếu phim hoạt động, hệ thống đèn tự động giảm độ sáng, rèm cửa cũng tự động khép lại để tạo không khí của một phòng chiếu phim. Tùy theo nhu cầu, người sử dụng có thể cấu hình hệ thống hoạt động theo những kịch bản bất kỳ như lập trình hẹn giờ tắt đèn khi đi ngủ, đổ thức ăn vào bể cá khi vắng nhà, hoặc nếu quên tắt TV, bếp gas..., khi tới công sở, họ có thể gửi tin nhắn qua điện thoại di động để điều khiển thiết bị từ xa.
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ THUẬT TOÁN ĐỊNH TUYẾN TỐI ƯU NĂNG LƯỢNG CỦA MẠNG CẢM BIẾN KHÔNG DÂY
2.1. Giới thiệu
Vấn đề năng lượng tiêu thụ của nút cảm biến rất quan trọng bởi vì nhiều nút cảm biến bị hạn chế về nguồn năng lượng. Các nút cảm biến không dây có thể hoạt động bằng pin hoặc cũng có thể từ các nguồn năng lượng khác được tích trữ từ môi trường (năng lượng mặt trời). Trong cả hai trường hợp, năng lượng đều là một nguồn tài nguyên hạn chế. Để kéo dài thời gian sống của mạng thì phần mềm trên các nút cảm biến cần phải quản lý năng lượng tiêu thụ một cách hiệu quả.
Hạn chế về tài nguyên năng lượng đã ảnh hưởng nhiều đến việc thiết kế phần cứng, phần mềm, giao thức mạng và cả kiến trúc mạng. Các nhà thiết kế phần cứng bắt buộc phải lựa chọn các linh kiện phần cứng có công suất thấp cũng như hỗ trợ chế độ ngủ hiệu quả về mặt năng lượng. Phần mềm chạy trên các nút cảm biến không dây cần phải tắt các thành phần phần cứng không sử dụng và đặt các thành phần phần cứng ở chế độ ngủ càng nhiều càng tốt. Nhờ sự hỗ trợ của các nhà phát triển phần mềm, các nút mạng cảm biến có thể chạy hệ điều hành hỗ trợ các cơ chế hoạt động công suất thấp giúp tiết kiệm năng lượng.
Vấn đề hiệu quả năng lượng ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc mạng cũng như việc thiết kế các giao thức mạng. Trong mạng, quá trình truyền thông tiêu tốn nhiều năng lượng, điều quan trọng là cần xây dựng được các giao thức truyền thông sao cho các nút cảm biến có thể sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có. Do đó, phần cứng và phần mềm cần xác định được sự tiêu hao về năng lượng và cung cấp thông tin này đến tầng mạng để phục vụ cho việc định tuyến dữ liệu.