Thực tế lưu truyền giai thoại trong đời sống hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giai thoại về các tác gia văn học việt nam (Trang 34 - 39)

8. Cấu trúc luận văn

1.3. Thực tế lưu truyền giai thoại trong đời sống hiện nay

Trong loại hình tự sự dân gian ở nước ta, thể loại giai thoại mặc dù đã được chú ý qua không ít các công trình sưu tầm, tuyển chọn có giá trị trong thời gian gần đây, tuy nhiên, trên phương diện lý thuyết, thể loại này vẫn chưa được đào sâu, soi sáng một cách kì cùng. Đó là chưa kể đến những ý kiến, quan điểm học thuật trái chiều nhau. Tất cả những biểu hiện ấy khiến giai thoại chưa thể tồn tại trong trạng thái rõ ràng nhất có thể.

Đó là vấn đề nghiên cứu lý thuyết, còn trong đời sống hiện nay, giai thoại có sức sống như thế nào?

Thực tế cho thấy nhu cầu nói và được người khác nghe nói là không thể thiếu đối với mỗi người trong giao tiếp. Giai thoại là những câu chuyện hay, hấp dẫn, lý thú được kể truyền miệng. Trong đời sống hiện nay, các giai thoại có sức sống của riêng nó, khiến nó không hề bị thui chột mà ngày càng phong phú, đặc sắc hơn. Mỗi giới, mỗi ngành nghề lại có những thoại của riêng mình và được truyền tai nhau. Chẳng hạn như giới nghệ sĩ hiện nay vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện “bất hủ” về thủy tổ của nghề hay về các nghệ sĩ có tên tuổi trong nghề. Ví dụ như thoại

về tổ nghề sân khấu: Ở xã Điện Minh (Điện Bàn, Quảng Nam). Nơi đây có một làng tên Xướng An, mà theo chiết tự có nghĩa là “nơi yên ổn của giới xướng ca vô loài”, gồm cả ca kỹ, ăn xin… Chuyện kể rằng, dân làng này vào Nam cùng thời với Đào Duy Từ (1572 - 1634), người đã “vượt biên” vào Đàng trong năm Ất Dậu (1627), là một ông tổ của sân khấu. Hàng năm, vào dịp cúng thành hoàng, dân làng Xướng An đi qua các làng kế cận để xin đồ ăn thức uống về làm lễ vật, ấy là cách nhắc nhớ truyền thống ca kỹ, ăn xin của mình, dù làng bây giờ đã khá giả. Riêng dịp rằm tháng 8 này, người ta kể rằng vẫn có nghệ sĩ hát tuồng đến đây cúng tổ; vào đêm khuya, thi thoảng vẫn có người cúng len lén, họ phải che giấu thân phận vì chẳng muốn người khác biết đến công việc của mình. Theo nhiều cao niên trong làng, nghệ sĩ, ăn xin…cùng tổ nghề với nhau, cùng phận bên lề xã hội, nghèo hèn như nhau…nên phải bình đẳng với nhau, không phân biệt cao thấp, coi nhau như một nhà. Qua năm tháng, dù nếp cũ vẫn được giữ, nhưng quan niệm về tổ nghề sân khấu thì có những biến cải và bổ túc. Ngoài những vị thuộc về “cửu huyền thất tổ”, có tính tương truyền, mỗi ngành lại truy tôn thêm tổ nghề, thường là nghệ sĩ khai sinh hoặc vĩ đại. Ví dụ Phạm Thị Trân là tổ nghề hát chèo; ông Làng, Liêm Thu Tâm, Đào Duy Từ, Đào Tấn… tổ hát tuồng; Trần Quốc Đĩnh tổ hát xẩm; Tống Hữu Định, Cao Văn Lầu… tổ hát cải lương.

Không chỉ như vậy, các thoại này còn được nâng lên thành một nét văn hóa tâm linh. Giới nghệ sĩ còn truyền nhau nhiều trường hợp vì không kính trọng tổ nghề mà thân bại danh liệt. Gần như hậu trường sân khấu hát bội, cải lương, kịch nói nào cũng có một bàn thờ tổ, với vài tượng thờ nhỏ…

Hay như các giai thoại lịch sử thì vẫn có một vị trí, một sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân. Bên cạnh các truyền thuyết, các di tích, đền chùa miếu mạo, người ta vẫn kể cho nhau nghe các thoại xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử khiến cho người nghe có ấn tượng không thể phai mờ về chiến công của họ. Ví dụ như giai thoại “Cây thị ăn thề” kể về Lê Lợi: “Trong một lần đánh nhau với giặc Minh, bị giặc ráo riết truy lùng, Lê Lợi đã liền chạy vào ẩn mình trong hốc cây. Lúc bấy giờ, giặc Minh cho chó săn và lính đuổi theo, vừa đến gốc thị, quân địch đoán chắc Lê Lợi đang ẩn nấp ở đó nên binh lính đã dùng gươm giáo

xỉa liên tục vào cây. Lê Lợi đã lựa tránh những mũi giáo đâm chạm vào mình thì bỗng nhiên có con cáo từ trên cây thị xuất hiện và chạy ra ngoài, trong bóng tối giặc nhầm tưởng là có người chạy nên đã cho chó và lính đuổi theo. Nhờ vậy mà Lê Lợi đã có thể trốn thoát. Tại đây, ông gặp nghĩa quân Cốc Sơn do Nguyễn Tuấn Thiện lãnh đạo nhân dân trong vùng đứng lên chống giặc Minh. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, hai người đã có cùng chung chí hướng, tiếng nói chung, quyết định kết hợp lực lượng cùng giết ngựa trắng uống máu, cắt tóc ăn thề, kết nghĩa tình anh em ngay dưới gốc cây thị cổ thụ này.

Kể từ đó, người dân trong vùng gọi đây là “cây thị ăn thề” hay “gốc thị sử tích”. Bốn câu thơ vẫn được người dân lưu truyền để ghi nhớ giai thoại này:

Cắt tóc, giết ngựa trắng Dưới gốc thị thề nguyền Nguyện đồng tâm đồng chí

Phá giặc xây cơ đồ”.

Giai thoại này được truyền từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác. Cứ thế, 700 năm đã trôi qua những gần như không một ai ở khu vực này là không biết đến, không tự hào về câu chuyện và người anh hùng của dân tộc.

Có thể nói, mặc dù chưa được đào sâu, soi sáng một cách kì cùng về vấn đề thể loại nhưng giai thoại vẫn tồn tại trong đời sống với sức sống rất mãnh liệt.

Trong quá trình sưu tầm, điền dã, tìm tư liệu phục vụ cho luận văn, chúng tôi được tiếp xúc với một số nhân vật, có nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, có các sinh viên đại học, học viên cao học… Khi được hỏi về các giai thoại xung quanh các nhà thơ, nhà văn, các danh nhân nổi tiếng mà họ biết thì điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là thái độ thích thú của họ khi kể về các câu chuyện mà họ được chứng kiến, được biết, được nghe. Sinh viên Nguyễn Thị Hòa (K52, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Ở trên lớp, khi được nghe các thầy cô kể về giai thoại xung quanh các tác gia văn học, các bạn sinh viên rất hào hứng. Những câu chuyện đó giúp chúng tôi hiểu thêm về các nhà văn, nhà thơ và làm cho bài học hay hơn, chúng tôi nhớ bài lâu hơn. Khi về nhà, các bạn còn kể lại, bình luận cho nhau nghe về các giai thoại ấy”. Còn với các giáo viên phổ thông, việc sưu tầm giai thoại xung

quanh bài giảng của mình sẽ “giúp bài giảng hay hơn, học sinh hứng thú hơn, đạt hiệu quả dạy học tốt hơn” (Cô giáo Vũ Thị Thùy Linh, Trần Thị Tuyết - Trường Trung học phổ thông Gang Thép, Thái Nguyên chia sẻ). Thậm chí, đối với các giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên thì giai thoại về các nhà toán học, hóa học, vật lý cũng được “tận dụng” để làm cho bài giảng của mình thêm hấp dẫn, sinh động.

Ngay cả đối với các nhà văn, nhà thơ, khi được hỏi về các câu chuyện về chính mình thì họ cũng rất vui vẻ kể lại. Thoại đó có thể có thật, có thể do ai đó “hư cấu”. Điều quan trọng mà chúng tôi muốn khẳng định ở đây là: Trong đời sống hiện nay, giai thoại có một đời sống rất phong phú. Nó không hề bị mất đi cùng với thời gian mà vẫn tồn tại trong lòng dân gian với sức sống mãnh liệt. Đó chính là tín hiệu đáng mừng cho nền văn học Việt Nam nói chung và văn học dân gian nói riêng.

* Tiểu kết

Giai thoại là đối tượng còn khá mới mẻ của các nhà nghiên cứu văn học. Có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về loại hình này. Có người không công nhận nó là một thể loại văn học có chỗ đứng độc lập, riêng biệt. Có người lại đi vào khẳng định vị trí của thể loại này. Ngay cả vấn đề xác định, phân loại các tiểu loại của giai thoại cũng xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, với mong muốn đi sâu vào khám phá những phong phú, đặc sắc của một bộ phận văn học khá độc đáo trong kho tàng văn học dân tộc, chúng tôi đồng ý với ý kiến của một số nhà nghiên cứu như Kiều Thu Hoạch, Hoàng Ngọc Phách, Trần Thanh Mại…khẳng định giai thoại là một thể loại văn học dân gian. Chúng tôi cũng bước đầu xác định một số tiêu chí để nhận diện thể loại này, đó là: quy mô tác phẩm ngắn gọn, tình huống truyện lý thú, hấp dẫn; lời thoại giàu tính trí tuệ, dí dỏm; nhân vật được đời thường hóa. Việc nhận diện thể loại giai thoại cũng không căn cứ vào một tiêu chí cụ thể nào mà phải xem xét trong sự tổng hòa các tiêu chí mà chúng tôi đã trình bày ở trên. Khi trình bày về các tiêu chí nhận diện thể loại, chúng tôi cũng đi so sánh các tiêu chí đó với một số thể loại văn học dân gian khác để có cái nhìn khách quan, chính xác.

Có rất nhiều giai thoại thuộc các lĩnh vực khác nhau: lịch sử, xã hội, văn nghệ - văn học…nên việc phân loại giai thoại cũng gặp không ít khó khăn. Trong các công trình nghiên cứu khác nhau, một số nhà nghiên cứu đã có cách phân loại

của riêng mình. Mỗi cách phân loại đều dựa trên những cơ sở lý luận riêng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng những cách phân chia đó mới chỉ là tạm thời, chưa thực sự chính xác. Trong phạm vi luận văn, chúng tôi lựa chọn cách phân loại của nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch làm cơ sở để tiến hành đi sâu vào phân tích một tiểu loại nhỏ: Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam.

Mặc dù vấn đề nghiên cứu thể loại giai thoại còn nhiều ý kiến trái chiều nhau nhưng đời sống dân gian của thể loại này rất phong phú. Trong quá trình làm luận văn, chúng tôi nhận thấy giai thoại tồn tại ở nhiều lĩnh vực và được lưu truyền ở nhiều người, nhiều nơi. Việc lưu truyền và thái độ tiếp nhận của mọi người với các thoại cũng khá tích cực.

Hy vọng rằng những vấn đề lý luận và thực tế mà chúng tôi đề cập ở chương 1 của luận văn sẽ giúp người đọc, người nghiên cứu có được cái nhìn toàn diện hơn về thể loại văn học lý thú này. Đó cũng chính là cơ sở để chúng tôi tiếp tục đi vào chương 2 và chương 3 của luận văn - tìm hiểu giá trị nội dung, nghệ thuật của một bộ phận giai thoại cụ thể: Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam.

Chương 2

NỘI DUNG CỦA GIAI THOẠI VỀ CÁC TÁC GIA VĂN HỌC VIỆT NAM

Theo tác giả Kiều Thu Hoạch, giai thoại văn học chia thành hai bộ phận: giai thoại về các tác gia, các nhân vật có tên tuổi lai lịch cụ thể và giai thoại xung quanh các nhân vật vô danh, phiếm chỉ, như kiểu thầy đồ, anh học trò, cô hàng nước, ông quan… Trong phạm vi chương 2 của luận văn, chúng tôi tiến hành tìm hiểu và khảo sát giá trị nội dung của bộ phận Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giai thoại về các tác gia văn học việt nam (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)