Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả huy động vốn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn tiền gửi đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh gia lai (Trang 28 - 35)

Công tác huy động vốn có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Nó trực tiếp tác động đến kết quả kinh doanh của ngân hàng tức là ảnh hưởng tới sự tồn

tại và phát triển của ngân hàng đó. Thế nhưng không phải lúc nào các NHTM cũng huy động vốn một cách thuận lợi và hiệu quả mà nó luôn chịu tác động bởi rất nhiều nhân tố khách quan và chủ quan. Để nâng cao hiệu quả huy động vốn nói chung và hiệu quả huy động vốn tiền gửi từ KHCN nói riêng cần xem xét các nhân tố sau:

1.3.3.1. Nhân tố chủ quan

Mục tiêu, chiến lược kinh doanh của ngân hàng

Các ngân hàng thường đánh giá vị thế của mình trên địa bàn để thấy được những điểm yếu điểm mạnh, cơ hội thách thức và dự đoán những biến động trong tương lai để xây dựng mục tiêu chiến lược kinh doanh cho ngân hàng mình. Từ chiến lược kinh doanh chung xây dựng chiến lược huy động vốn. Các quyết định của lãnh đạo có được đưa ra một cách kịp thời và có hiệu quả hay không cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả huy động vốn. Tùy thuộc vào đặc điểm và điều kiện của môi trường kinh doanh cũng như mục tiêu phát triển trong tương lai mà mỗi ngân hàng sẽ đưa ra chính sách khuyến khích hay hạn chế huy động hoặc thay đổi cơ cấu của một nguồn vốn cụ thể nào đó cho phù hợp. Một chiến lược kinh doanh đúng đắn bao giờ cũng đi cùng với huy động vốn hiệu quả.

Chính sách về lãi suất

Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng huy động vốn và hiệu quả huy động vốn của NHTM. Việc duy trì lãi suất cạnh trạnh huy động, đặc biệt cần thiết khi lãi suất thị trường đã ở mức tương đối cao. Một lãi suất hợp lý đối với ngân hàng và hấp dẫn đối với người gửi tiền sẽ thu hút được càng nhiều những khoản tiền nhàn rỗi. Đối với những khách hàng gửi tiền nhằm mục đích hưởng lãi vì lãi suất luôn là mối quan tâm lớn của họ. Nếu khách hàng cảm thấy hài lòng với mức lãi suất ngân hàng công bố, họ sẽ lựa chọn việc gửi tiền vào ngân hàng như một kênh đầu tư hợp lý. Ngược lại, nếu lãi suất thấp, họ sẽ dùng khoản tiền đó vào mục đích khác hay gửi tiền vào ngân hàng khác hoặc đầu tư vào lĩnh vực khác có hiệu quả hơn. Do đó, ngân hàng phải xây dựng chính sách lãi suất mang tính cạnh tranh, vừa đảm bảo huy động được nguồn vốn cần thiết, vừa đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.

Chính sách sản phẩm.

Sự đa dạng của sản phẩm dịch vụ thể hiện thông qua sự đa dạng về kỳ hạn, về loại hình sản phẩm dịch vụ, về đối tượng gửi tiền. Danh mục sản phẩm dịch vụ càng đa dạng và phong phú, khách hàng càng có nhiều sự lựa chọn nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của mình. Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ cần đi cùng với nâng cao chất lượng và tiện ích của sản phẩm dịch vụ. Chất lượng và sự tiện ích của sản phẩm dịch vụ càng cao, càng gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng. Từ đó, ngân hàng sẽ thu hút được ngày càng nhiều nguồn vốn tiền gửi. Bên cạnh đó, các tiện ích đi kèm cũng góp phần làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm dịch vụ đối với khách hàng, nâng cao tính cạnh tranh của ngân hàng.

Chính sách khách hàng

Chính sách này nhắm vào tâm lý của khách hàng trong việc sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, độ tin tưởng của khách hàng vào ngân hàng, thói quen gửi tiền, thói quen tiết kiệm, sở thích về tiêu dùng... Chính sách khách hàng bao gồm các chương trình và giải pháp được ngân hàng xây dựng và áp dụng nhằm khuyến khích, thu hút khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng thường chia khách hàng ra làm nhiều nhóm đối tượng để có cách đối xử phù hợp. Với những khách hàng lâu năm, giao dịch thường xuyên, số dư tiền gửi lớn, được ngân hàng tín nhiệm thì ngân hàng sẽ có chính sách lãi suất ưu đãi, cũng như việc thực hiện xét thưởng cho đối tác. Nếu ngân hàng áp dụng chính sách tốt và hiệu quả đối với khách hàng, ngân hàng sẽ thu hút được một lượng khách hàng lớn đến giao dịch, sử dụng các sản phẩm dịch vụ và gửi tiền tại ngân hàng.

Trong thời đại ngày nay, cạnh tranh trên thị trường tiền tệ càng khốc liệt thì ngân hàng càng quan tâm đến việc củng cố thương hiệu và nâng cao năng lực tài chính. Một ngân hàng có năng lực tài chính tốt sẽ có nguồn lực để phát triển hoạt động kinh doanh, tạo được sự tin tưởng từ khách hàng và nhà đầu tư đối với ngân hàng. Uy tín của ngân hàng không phải là yếu tố vững bền, rất cần sự nỗ lực không ngừng của ngân hàng để giữ gìn và phát huy uy tín của mình. Một ngân hàng có uy tín tốt

sẽ có nhiều thuận lợi trong việc đặt mối quan hệ bền vững với khách hàng và thu hút vốn từ khách hàng.

Cơ sở vật chất và mạng lưới hoạt động

Cơ sở vật chất của ngân hàng góp phần tạo dựng hình ảnh của ngân hàng trong mắt khách hàng. Một ngân hàng có cơ sở vật chất hiện đại sẽ giúp khách hàng yên tâm hơn khi gửi tiền vào ngân hàng. Việc phân bổ mạng lưới hoạt động của ngân hàng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến công tác huy động vốn của ngân hàng. Nếu ngân hàng chưa có mạng lưới hoạt động rộng khắp, chưa mở chi nhánh hoặc phòng giao dịch ở những địa bàn vốn đã tồn tại hoạt động của các ngân hàng khác, ngân hàng sẽ bị giảm tính cạnh tranh đối với công tác huy động vốn ở các địa bàn này.

Đội ngũ nhân sự của ngân hàng

Hoạt động huy động vốn là một hình thức bán hàng trực tiếp, do vậy trình độ chuyên môn, thái độ và phong cách giao dịch của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên ngân hàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một đội ngũ nhân sự giỏi sẽ giúp ngân hàng vận hành tốt hệ thống của mình nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Đối với công tác huy động vốn tiền gửi, một đội ngũ nhân viên giao dịch vững về nghiệp vụ, thao tác thành thạo, thái độ niềm nở, ân cần với khách hàng sẽ tạo ấn tượng và cảm giác tốt đối với khách hàng, thu hút ngày càng nhiều khách hàng giao dịch cũng như gửi tiền tại ngân hàng.

Thương hiệu, uy tín và năng lực tài chính của NHTM

➢ Thương hiệu và uy tín của NHTM

NHTM được biết đến với hoạt động xương sống là đi vay để cho vay. Điều đó có nghĩa là một NHTM chỉ có thể hoạt động được nếu như có những khách hàng tin tưởng gửi tiền vào các ngân hàng và tạo lập các quan hệ giao dịch. Vậy tại sao khách hàng lại chọn ngân hàng này mà không chọn ngân hàng kia để gửi tiền và đặt quan hệ giao dịch? Thương hiệu của ngân hàng sẽ quyết định đến sự lựa chọn của

khách hàng. Một thương hiệu ngân hàng tốt là một thương hiệu có uy tín, được sự tin cậy của nhóm khách hàng mục tiêu. Để có thương hiệu tốt, không phải chỉ ngày một ngày hai mà NHTM có đạt được. Thương hiệu chỉ được hình thành sau một thời gian trải nghiệm nhất định về tất cả những gì (chất lượng của hàng hóa, dịch vụ, tiềm lực tài chính,…) mà NHTM đó hứa hẹn với thị trường. Chính vì vậy, các NHTM cần phải quan tâm đến việc tạo dựng thương hiệu cho mình, bên cạnh việc khẳng định vị thế và uy tín trên thị trường, cần thiết lập tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, thiết lập hệ thống nhận diện thương hiệu thống nhất cho ngân hàng và các chi nhánh, đã xây dựng quy chế quản lý thương hiệu, đã thiết lập bộ phận đồ họa phục vụ mục đích truyền thông và nội dung nhận diện thương hiệu.

➢ Năng lực tài chính của NHTM

Năng lực tài chính của một NHTM là khả năng tạo lập nguồn vốn và sử dụng vốn phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của ngân hàng, thể hiện ở quy mô vốn tự có, chất lượng tài sản, chất lượng nguồn vốn, khả năng sinh lời và khả năng đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh. Yếu tố tài chính quan trọng nhất của ngân hàng thương mại là vốn. Vốn ngân hàng là điều kiện cơ bản đảm bảo tiền gửi của khách hàng và là cơ sở cho việc phát triển mạng lưới, đầu tư vào công nghệ mới, đa dạng hoá danh mục sản phẩm. Vốn đầu tư là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất đối với ngân hàng trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đào tạo cán bộ và mở rộng màng lưới hoạt động nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng. Nếu vốn nhỏ sẽ không đủ lực để đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ cũng như nâng cao hiệu quả của các dịch vụ hiện có. Năng lực tài chính của một NHTM đóng vai trò vô cùng quan trọng. Năng lực tài chính của một NHTM càng được đảm bảo thì mức độ rủi ro trong hoạt động ngân hàng càng thấp và năng lực cạnh tranh của NHTM trên thị trường càng cao. Do vậy, NHTM phải không ngừng được nâng cao và hoàn thiện năng lực tài chính và đây là điều kiện không thể thiếu được ở bất cứ một NHTM nào.

1.3.3.2. Nhân tố khách quan

Các nhân tố liên quan đến khách hàng

➢ Thu nhập của khách hàng: Tiềm lực tài chính của khách hàng là yếu tố ảnh hưởng lớn tới hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Thu nhập và năng lực tài chính của khách hàng càng cao, họ càng có điều kiện và nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng. Khi thu nhập tăng lên, khả năng tích lũy của khách hàng cũng sẽ cao hơn và ngược lại.

➢ Tâm lý, thói quen của khách hàng: Nhiều khách hàng có tâm lý thích giữ tiền mặt, cất trữ vàng tại nhà hoặc cho vay nặng lãi trên thị trường chợ đen nên cũng gây những khó khăn nhất định cho ngân hàng khi huy động vốn.

Các nhân tố liên quan đến nền kinh tế

➢ Lạm phát: Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng họ luôn quan tâm đến mức sinh lời, lãi suất huy động mà ngân hàng công bố sẽ trả cho khách hàng khi đáo hạn chỉ là mức lãi suất danh nghĩa, lãi suất thực tế mới là cái mà người gửi tiền quan tâm. Lạm phát không chỉ ảnh hưởng tới lãi suất thực mà nó còn thể hiện giá trị của đồng tiền đang ngày càng giảm đi. Thay vì gửi tiền vào ngân hàng lúc này người dân sẽ dự trữ nội tệ bằng các ngoại tệ mạnh hoặc là hàng hóa.

➢ Chu kì kinh tế cũng tác động tới hoạt động của NHTM. Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng, các hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ diễn ra thuận lợi và thu được nhiều lợi nhuận. Nhưng khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, số người thất nghiệp sẽ tăng, các doanh nghiệp sẽ thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động của ngân hàng cũng vì thế mà sẽ gặp khó khăn trong đó có hoạt động huy động vốn.

➢ Quy mô, trình độ nền kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Khi quy mô càng được mở rộng, trình độ nền kinh tế được nâng cao thì nguồn vốn của nền kinh tế dồi dào và nguồn tiền dành cho hoạt động huy động vốn cũng tăng lên và ngược lại, khi quy mô nền kinh tế

dần thu hẹp, trình độ nền kinh tế thấp thì hoạt động huy động vốn của ngân hàng cũng khó khăn hơn.

Các nhân tố liên quan đến hệ thống ngân hàng

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay, các ngân hàng cạnh tranh không chỉ với các định chế tài chính trong nước mà còn phải cạnh tranh với các định chế tài chính nước ngoài về mọi mặt như: năng lực tài chính, công nghệ ngân hàng, nguồn nhân lực,... Nếu ngân hàng không có ưu thế cạnh tranh thì sẽ khó thành công trong hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng.

Chính sách của Nhà nước trong hoạt động của ngân hàng thương mại

Tại mỗi một quốc gia trên thế giới, mọi hoạt động của ngân hàng thương mại trong đó có hoạt động huy động vốn đều phải chịu sự điều tiết của các chế tài của luật pháp, và sự điều hành giám sát và quản lý từ phía NHNN, để phục vụ những mục đích mà Chính phủ ban hành hay NHNN đề ra. Các NHTM trong trường hợp cần thiết phải tiến hành mua trái phiếu Chính phủ do Chính phủ (mà đại diện là Kho Bạc Nhà Nước) phát hành, theo những quy định cụ thể của NHNN. Với mục tiêu an toàn và an ninh tiền tệ của mỗi quốc gia mà NHNN có quy định mức vốn tối đa được phép huy động theo một tỷ lệ nhất định nào đó so với vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại. Ngoài ra, hoạt động của hệ thống NHTM còn chịu sự tác động từ nhiều cơ quan, nhiều chế tài pháp luật khác, tuỳ theo mức độ của mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh.

1.3.3.3. Các nhân tố khác

➢ Cơ cấu dân cư và vị trí địa lý: đây là một nhân tố có ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển khi mà văn minh tiền tệ phát triển thì lượng tiền mặt trong lưu thông trong nền kinh tế rất nhỏ, người dân chủ yếu dùng các dịch vụ tiện ích mà

ngân hàng cung cấp. Còn ở các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển thì lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế lại chiếm tỷ trọng khá cao, người dân nơi này ít dùng các phương tiện thanh toán, dịch vụ tiện ích mà ngân hàng cung cấp, vì vậy đã làm ảnh hưởng, và gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách huy động vốn của ngân hàng.

➢ Sự phát triển của công nghệ thông tin: những tiến bộ của khoa học kỹ thuật có ảnh hưởng lớn đến hoạt động huy động vốn của NHTM. Nó tạo điều kiện cho ngân hàng có thể áp dụng những phương tiện và công cụ mới vào hoạt động của mình, từ đó tăng năng suất và hiệu quả lao động, giảm chi phí cả về thời gian và tiền bạc đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

➢ Môi trường kinh tế quốc tế: Quá trình toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, tự do hóa tài chính tác động không nhỏ đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Khi mà ranh giới về kinh tế và tài chính giữa các quốc gia dần bị thu hẹp thì chỉ cần một biến động của một nước cũng ảnh hưởng dây chuyền đến huy động vốn của một quốc gia khác trên toàn thế giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn tiền gửi đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh gia lai (Trang 28 - 35)