CHƯƠNG 3 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của khu vực nghiên cứu
3.1.2. Nhân tố kinh tế xã hội
3.1.2.1. Dân số và sự gia tăng dân số
Năm 2016, dân số Bắc Ninh là 1.153.600 người, chiếm 1,21% dân số cả nước và đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố, trong đó nam 568.055 người và nữ 585.545 người; khu vực thành thị chiếm 28% dân số toàn tỉnh và khu vực nông chiếm 72% [7]. Mật độ dân số 1.403 người/km2, gấp gần 5 lần mật độ dân số bình quân của cả nước và là địa phương có mật độ dân số cao thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố, chỉ thấp hơn mật độ dân số của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Bắc Ninh có kết cấu dân số trẻ với nhóm tuổi lao động từ 15 đến 60 tuổi chiếm khoảng 64,9% tổng số dân. Nhóm tuổi dưới 15 tuổi chiếm 25,26% tổng dân số còn nhóm trên 60 tuổi chiếm 9,8%. Dân số đông, mật độ dân số cao, sự gia tăng dân số nhanh đã gây áp lực lớn lên nguồn nước vì nhu cầu nước cho phát triển nông nghiệp để gia tăng lương thực thực phẩm, phát triển công nghiệp để gia tăng hàng hóa và gia
tăng thêm nhiều hình thức dịch vụ. Có thể nói dân số đông và sự gia tăng dân số nhanh là nguyên nhân chính gây áp lực tới nguồn nước.
3.1.2.2. Hoạt động nông nghiệp
Cây lương thực: dựa trên thế mạnh về đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên cây lương thực của tỉnh phát triển mạnh. Năm 2017 diện tích trồng cây lương thực của tỉnh là 41.519 ha, trong cơ cấu cây lương thực, lúa gạo là cây lương thực chính, diện tích trồng lúa gạo là 39.217,9 ha trong năm 2017, sản lượng lúa gạo đạt 424.153 tấn, lúa gạo được trồng nhiều ở các huyện Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong, Lương Tài [17].
Ngành chăn nuôi được phát triển ở Bắc Ninh từ rất sớm cung cấp nhu cầu về thực phẩm cho người dân, cung cấp sức kéo và phân bón cho ngành trồng trọt. Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở thức ăn, dịch vụ về giống, thú y đã tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên môn hóa, chăn nuôi công nghiệp. Vật nuôi tiêu biểu là trâu với số lượng 2.456 con, nuôi nhiều ở Yên Phong, Quế Võ, Lương Tài, Tiên Du, Thuận Thành; bò 35.645 con, nuôi nhiều ở các huyện Quế Võ, Gia Bình, Tiên Du, Yên Phong; lợn 381.544 con và gia cầm (chủ yếu là gà) được nuôi rộng khắp với số lượng lớn.
Ngành nuôi trồng thủy sản: Bắc Ninh có khoảng 5 nghìn ha diện tích mặt nước tại các ao, hồ, sông, đầm triều trũng thuận lợi để nuôi trồng thủy sản nước ngọt, các huyện có diện tích và sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn là Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành. [17]
Các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp làm ảnh hưởng tới chất lượng nước phải kể đến là: sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu bệnh, dịch bệnh, vứt xác chết vật nuôi bừa bãi, chất thải của vật nuôi… Việc sử dụng một lượng lớn phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu bệnh cũng có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước. Trong các loại phân bón hóa học nông nghiệp có chứa hàm lượng Muối của nitơ và photpho là các chất dinh dưỡng đối với thực vật, nếu ở nồng độ thích hợp chúng tạo điều kiện cho cây cỏ, rong tảo phát triển. Amoni, nitrat, photphat là các chất dinh dưỡng thường có mặt trong các nguồn nước tự nhiên, hoạt động sản xuất của con người như sử dụng quá nhiều phân bón đã làm gia tăng nồng độ các ion này trong nước tự nhiên. Mặc dù không độc hại đối với người, song khi có mặt trong nước ở nồng độ tương đối lớn, cùng với nitơ, photphat sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng. Với tình trạng sử dụng bừa bãi, tùy tiện các loại hóa chất trong nông nghiệp như phân bón, các loại thuốc kích hoạt phát triển cây… làm nhiều hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng đã bị ô nhiễm nguồn nước và phát tán rộng.
Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở quy mô hộ gia đình hoặc trang trại tại các địa phương còn chưa có ý thức tiết kiệm nguồn nước trong việc vệ sinh, vệ sinh chuồng trại, chưa có hệ thống xử lý chất thải nước thải, phần lớn cho vào ao hồ, bể tự hoại để thấm vào đất dễ gây ô nhiệm môi trường. Việc nuôi các bè cá, bè tôm trực tiếp trên các dòng nước mặt như sông, rạch đã làm ô nhiễm nguồn nước do một số nguyên nhân: thức ăn của cá dư thừa, sự khuấy động nguồn nước, sự cản trở lưu thông dòng mặt.
3.1.2.3. Hoạt động công nghiệp
Bắc Ninh có điều kiện thuận lợi về vị trí giao thông, nguyên liệu nông nghiệp… để phát triển ngành công nghiệp với cơ cấu ngành đa dạng. Năm 2017 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1,049 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành) đứng thứ 2 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh [7].
Hiện nay, trên toàn tỉnh có 15 khu công nghiệp tập trung, 1 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp, phân bố nhiều tại thành phố Bắc Ninh, huyện Từ Sơn, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du, Gia Bình. Hoạt động công nghiệp có sự tập trung theo hình thức phổ biến nhất là khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh với cơ chế, giải pháp thông thoáng
Việc gia tăng nhiều nhà máy, xí nghiệp từ quy mô nhỏ hộ gia đình đến quy mô lớn dẫn đến nhu cầu về nguồn nước tăng, không những nước phục vụ cho sản xuất mà còn phục vụ sinh hoạt cho một số lượng lớn công nhân từ nhiều vùng khác nhau tập trung về.
Các chất thải công nghiệp như khối, bụi… tạo nên mưa axít không những làm thay đổi chất lượng nước ngọt, mà còn ảnh hưởng xấu đến đất và môi trường sinh thái. Việc xả nước thải sản xuất từ các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được xử lý vào sông rạch, ao hồ gây ô nhiễm nước mặt. Thậm chí có nơi còn cho nước thải chảy tràn trên mặt đất để tự thấm xuống đất hoặc đào các hố dưới đất để xả nước thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tầng nước dưới đất.
* Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội
Qua quá trình tìm hiểu các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Ninh có thể rút ra những nhận xét, đánh giá chính như sau:
Những thuận lợi
- Về điều kiện tự nhiên: nhìn chung tỉnh Bắc Ninh có những điều kiện tự nhiên
Khí hậu ôn hòa, ít biến động, ít có những kiểu thời tiết cực đoan, thiên tai bão lũ đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt và cũng đảm bảo cho người dân có thể yên tâm phát triển chăn nuôi lâu dài.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên cơ bản cần thiết cho phát triển chăn nuôi như diện tích đất nông nghiệp lớn, nguồn nước dồi dào cộng với lịch sử phát triển nông nghiệp lâu đời là những yếu tố quan trọng bảo đảm cho chăn nuôi phát triển tốt.
Vị trí địa lý của tỉnh khá thuận lợi có thể dễ dàng đi lại với các vùng lân cận đây là điều kiện thuận lợi để trao đổi, buôn bán các sản phẩm chăn nuôi và phát triển thị trường tiêu thụ.
- Về mặt kinh tế: trong những năm qua kinh tế của tỉnh Bắc Ninh phát triển nhanh, tương đối ổn định. Nền kinh tế có hướng chuyển dịch làm tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đây là hướng chuyển dịch tích cực phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định tạo ra tiềm lực lớn về tài chính cho tỉnh để phát triển các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… Đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Mặt khác sự phát triển mạnh của quá trình công nghiệp hóa đã tác động lớn tới sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp. Xu hướng phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng gia tăng. Đây là động lực để cho chăn nuôi phát triển theo quy mô lớn tại các trang trại tập trung.
- Về mặt xã hội: nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá đầy đủ, có chất lượng
tương đối tốt nên trong những năm qua các công tác xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh luôn được bảo đảm. Nhờ đó mà đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày một được nâng cao.
Những khó khăn
- Về mặt điều kiện tự nhiên: ít nguồn tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, tài nguyên rừng… điều này gây ra những hạn chế nhất định cho việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh do phải phụ thuộc vào các nguồn nguyên, nhiên liệu từ bên ngoài.
Đối với nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất do phân bố không đồng đều giữa mùa mưa và mùa khô nên việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước của tỉnh còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để bảo đảm đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh thì việc điều tiết nước hợp lý là vô cùng quan trọng.
- Về mặt kinh tế: mặc dù trong những năm qua kinh tế của tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế chuyển dần sang hướng công nghiệp song tỉnh vẫn gặp phải những khó khăn như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do chịu tác động của suy thoái kinh tế, thiếu vốn đầu tư dẫn đến tình trạng sản xuất bị hạn chế, chưa phát huy hết được hiệu quả như mong muốn.
- Về mặt xã hội: mặc dù lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh tương đối dồi dào
song vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Số lượng lao động qua đào tạo nghề còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Kinh tế phát triển góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân song cũng kéo theo nhiều các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, nghiện ngập, trộm cắp, mại dâm… gây ra những khó khăn nhất định trong việc bảo đảm an ninh và chật tự xã hội.
Việc du nhập các văn hóa xấu, kém lành mạnh vào tỉnh trong những năm qua đã tác động tới một bộ phận lớn lớp thanh niên trẻ trên địa bàn tỉnh dẫn đến hình thành lối sống lệch lạc, buông thả và vô trách nhiệm trong một bộ phận thanh thiếu niên. Vấn đề này cần phải có những biện pháp quản lý và ngăn chặn kịp thời để tránh những tác động xấu không mong muốn.