b. Nội dung và hình thức giáo dục kỹ năng tự bảo vệ
3.3.1. Vai trò người giáo dục
Mỗi cán bộ, nhân viên trong trung tâm bảo trợ có nhiều vai trò khác nhau phụ thuộc vào vị trí, nhiệm vụ được giao. Với tư cách là người giáo dục, nhân viên xã hội thể hiện vai trò này như những giáo viên, người hướng dẫn, chỉ dạy tại cơ sở. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, nhân viên xã hội thể hiện vai trò giáo dục qua các hoạt động khác nhau như rèn luyện đạo đức, tác phong, dạy nghề, dạy kỹ năng sống...
Tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu, cán bộ, nhân viên đã thực hiện tốt vai trò người giáo dục văn hóa, rèn luyện đạo đức, nhân cách. Điều đó thể hiện qua các chỉ báo: hỗ trợ các em tập viết, làm bài tập về nhà (chủ yếu đối với các em học bậc tiểu học); kính trọng bà, mẹ trong Trung tâm; lễ phép chào hỏi khách đến thăm, anh/chị tình nguyện; xưng hô đúng mực với các anh/chị/em trong Trung tâm; chỉ bảo các em điều hay, lẽ phải;
phê bình, uốn nắn khi các em có hành vi chưa tốt (nói tục, chửi bậy, không vâng lời).
Tuy nhiên, vai trò giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho các em của nhân viên tại Trung tâm chưa thể hiện rõ nét. Do hạn chế về kiến thức và phương pháp giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho nên các nhân viên ở đây chủ yếu chia sẻ kinh nghiệm sống của bản thân cho các em để từ đó các em tự đúc rút bài học cho mình. Phương pháp này có những tích cực nhất định bởi những kinh nghiệm sống là những tình huống đã xảy ra trong cuộc đời các mẹ. Nhưng mặt khác, phương pháp chia sẻ phụ thuộc vào vốn sống và khả năng truyền đạt cho các em. Ngoài ra, việc các em có vận dụng những kinh nghiệm đó hay không và vận dụng vào trường hợp nào là vấn đề cần quan tâm, xem xét và có biện pháp hỗ trợ khi các em gặp phải trong cuộc sống.