Về giáo dục

Một phần của tài liệu Đánh giá hoạt động bảo vệ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi tại trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn hà nội (Trang 54 - 56)

Giáo dục là hoạt động mang tính xã hội có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển đất nước, đóng vai trò hình thành con người trí- đức- thể- mỹ toàn diện. Nhận thức tầm quan trọng, vị trí của giáo dục, Bác Hồ đã căn dặn “vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Trẻ em là độ tuổi giáo dục phù hợp nhất bởi giai đoạn đó não bộ đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện, có khả năng nhận thức nhanh và hiệu

quả nhất. Do đó, các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội đều dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục trẻ em.

Theo tìm hiểu, khảo sát chúng tôi được biết, tất cả các trẻ đang sinh sống tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu đều đang theo học tại các trường học chính quy từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Các em được Trung tâm tạo mọi điều kiện để tham gia tất cả các buổi học chính khóa, phụ đạo, học thêm khi các em có nhu cầu. Ở mỗi cấp học, điều kiện học tập của các em khác nhau, do vậy, Trung tâm cho phép các em chủ động về thời gian và dụng cụ học tập. Điều này cho thấy Trung tâm không có sự phân biệt về giới tính trong việc tạo điều kiện về học tập cho các em.

Về trang thiết bị, đồ dùng học tập, Trung tâm có một thư viện nhỏ gồm các loại truyện tranh thiếu nhi, sách khoa học và đời sống để các em đọc trong những thời gian rảnh rỗi. Tại mỗi phòng ở của các em đều có các kệ sách và được phân ô cho mỗi em trong phòng. Sách học, sách tham khảo và các dụng cụ học tập khác được Trung tâm cung cấp theo nhu cầu cần thiết của mỗi em. Khi hỏi về nguồn gốc của những sách, tài liệu và dụng cụ học tập của các em từ đâu, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Tất cả sách học và đồ dùng học tập của em là do bà mua, một số sách tham khảo của các anh chị tình nguyện tặng” (nam, 14 tuổi, sống tại Trung tâm được 6 năm).

Về hình thức hỗ trợ giáo dục cho các em, Trung tâm đã phối hợp với các nhóm sinh viên tình nguyện của một số trường đại học, cao đẳngnhư Học viện Quân y, Đại học An ninh,Đại học Sư phạm, Câu lạc bộ Cộng đồng mạng, nhóm tình nguyện Người Việt trẻ... để bồi dưỡng kiến thức cho các em. Hình thức tổ chức dạy và học theo nhóm hoặc theo cá nhân dựa trên sự thống nhất giữa các anh, chị sinh viên và các em. Các môn học thường được các anh, chị sinh viên bồi dưỡng gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Anh văn, Văn học, Sinh học.

Với kết quả tìm hiểu ở trên, các em ở Trung tâm có điều kiện học tập tốt hơn rất nhiều so với trẻ em nghèo khu vực nông thôn hay những em đang sống tại các cộng đồng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đáp ứng tốt nhu cầu của trẻ về giáo dục góp phần nâng cao nhận thức và phát triển

tư duy cho các em. Qua đó cũng cho thấy Trung tâm đã nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của giáo dục đối với tương lai của các em đang sinh sống tại đây.

Một phần của tài liệu Đánh giá hoạt động bảo vệ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi tại trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn hà nội (Trang 54 - 56)