Nhớ Nguyễn Khả

Một phần của tài liệu nguyenquanglap_kyucvun (Trang 94 - 98)

IV. THƯƠNG NHỚ MƯỜI BA

Nhớ Nguyễn Khả

Đợt trước vào Sài Gòn còn gặp Nguyễn Khải, đợt này vào không còn thấy anh nữa. Tự nhiên thấy tiếc. Không nhớ mà tiếc.

Đợt trước gặp anh được nửa giờ, tình cờ gặp ở vỉa hè, kéo vào ngồi quán cà phê nghèo ở hẻm, anh nói: Lập viết kịch hay, viết phim cũng hay, nhưng viết văn đi em. Mày bỏ văn lâu quá rồi. Đó là lần đầu tiên anh Khải gọi mình bằng em, bằng mày, trước nay toàn gọi ông xưng tôi dù anh hơn mình cả 20 chục tuổi.

Đó cũng là lần đầu tiên mình tin anh Khải khuyên mình chân thành nhất. Trước nay anh nói câu gì mình cũng khả nghi. Anh sống khéo nổi tiếng, chưa chê văn ai nửa câu. Hoặc khen hoặc không chứ chưa bao giờ chê.

Gặp lần nào anh cũng khen, anh khen rất khéo, không lộ như Trần Đăng Khoa, nhưng mình vốn khả nghi anh từ lâu nên không bao giờ mình tin là anh khen thật. Khi nào cũng nghĩ: ông này có đọc mình đếch đâu, chỉ khen thế thôi. Bởi vì ông nổi tiếng câu: Thằng nào thích khen thì khen cho nó chết.

Vì thế dù anh khen có thật lòng cũng chẳng sung sướng gì. Ở Hà Nội anh thân nhất là Nguyễn Khắc Trường, còn đám con nít tụi mình, anh chơi như sự chiếu cố mà thôi. Đấy là mình nghĩ thế, hóa ra không phải.

Hồi đại hội IV nhà văn mình còn hung hăng lắm. Mặc bộ đồ bò đầu gấu lên diễn đàn nói văng mạng, được vỗ tay càng nói hăng. Nói xong về chỗ thì run, không biết mình có nói hớ chỗ nào không. Nghỉ giải lao ra hành lang ngồi gần anh, hỏi: Em nói có được không anh? Anh nhìn mình chăm chăm nói: Ông có cái miệng tươi kinh. Tôi mà đàn bà tôi đã có chửa với ông lâu rồi.

Cả buổi sáng hôm đó mình cứ nghĩ vẩn vơ: Không biết ông này nói thế là có ý gì, tại sao mình nói thế ông lại nói thế. Bốn năm sau gặp lại, hỏi hồi đó anh nói thế là có ý gì? Anh cười nói tôi nói thật mà ai cũng cho tôi nói lỡm, khổ thế. Khi ông lên diễn đàn tôi có nghe đâu, tôi đang tán phét với Đỗ Chu ở ngoài sảnh. Rồi ông thở dài, nói Đảng cho tôi nói lỡm đã đành, bạn bè cũng nghĩ vậy, chán mớ đời.

Mình nghĩ bụng cũng tại anh quá thông minh, biết sợ, luôn cảnh giác, không tin ai thì ai cũng không tin anh thôi. Bụng nghĩ thế thôi chứ bố bảo cũng không dám nói.

Đợt đó anh khen mình, thằng Thiều, thằng Phong làm Văn Nghệ Trẻ giỏi, nói nhất định sẽ viết bài, mình cũng không tin. Bụng nghĩ ông này nói thế thôi, dư hơi mà đi khen đám con nít ranh tụi mình.

Hoá ra anh viết thật, khen nức nở, khen mình nhiều nhất, còn khen mình đẹp trai nữa, he he.

Cách đây gần hai tháng, mình viết đến tám giờ sáng thì vào buồng ngủ lại, chợt có điện của anh Trọng Huấn báo anh Khải mất rồi. Mình gọi điện lung tung báo cho mọi người.

Đến một giờ chiều anh Huấn lại gọi điện nói anh Khải chưa chết, người ta chưa cho anh Khải chết. Mình hỏi sao, anh Huấn nói nhà tang lễ đòi có thẻ 40 năm tuổi Đảng mới cho vào chết trong đó, nhưng anh Khải đã vứt nó đâu rồi, tìm không ra.

Ngao ngán hết nỗi, đến chết cũng khó thế thì sống làm sao. Anh Khải ôi anh Khải!

Trước khi vào Sài Gòn mình có đọc bài Cái tôi của anh, viết hay quá, hay đến nổi cả da gà. Đây là bài đầu tiên và cũng là bài cuối cùng Nguyễn Khải nói thật. Nhưng ai sắp chết mới chịu nói thật như anh cả thì bọn cần lao biết sống làm sao, sống thế nào!? Anh Khải ôi là anh Khải ôi!

Tuyết Nga

Năm 1986 mình có việc về Vinh, ghé qua Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh tìm Đức Ban, Phạm Việt Thư rủ nhậu chơi. Vào Hội chẳng biết ai với ai, thấy mấy ông cu cũ, lọ mọ, đi vào đi ra lờ vờ… y chang Hội nông dân tập thể huyện.

Văn thơ khét tiếng khắp nước nhưng ông nào ông nấy áo đại cán quàng khăn len, mũ nan lụp xụp, dép lê loẹt quẹt, đi đứng khóm róm… rất giống anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông.

Thế nên khi thấy một cô bé mặc áo tím hoa cà ngồi sau cái bàn cạnh cửa sổ, da trắng ngần, mắt bồ câu, môi hồng tươi đang lúi húi đọc đọc ghi ghi gì đấy thì mình mắt trợn mồm há… không thể tin nổi.

Mình kéo Phạm Việt Thư, nói này, em nào vậy mày. Thư nheo mắt cười cười, nói Tuyết Nga đấy, ngon không, duyệt không. Mình nói ngon ngon duyệt duyệt, rồi hỏi nó làm gì. Thư cười khục khục, nói đẹp thế không làm thơ thì làm cái gì. Mình nói không kiếm đại gia làm chồng lại đi làm thơ, ngu thế không biết.

Thư lại ôm bụng cười, nói ngu ơi ngôi sao sáng của xứ Nghệ đấy. Khi đó mới biết Tuyết Nga năm thứ hai đại học đã có thơ in Văn nghệ quân đội; Xuân Hoài, Trần Hữu Thung khen đứt lưỡi, phục nó tốt nghiệp cái là đem về Hội ngay.

Mình nhảy đại vào tán, mồm miệng như tép nhảy, nói chào em, anh đọc thơ em đã lâu mà giờ mới thấy mặt, đúng là thơ sao người vậy, mê hồn. Tuyết Nga cười to, tiếng cười trong vắt, cái nhìn sáng lấp lánh cho biết ông anh bốc phét sao kém thế.

Mấy hôm liền mình cứ lượn lờ văn phòng Hội, thỉnh thoảng lại nói thế nào, anh xong bài một được chưa. Nó cười he he he, lườm cái nói em đấm chết giờ.

Nó tung tăng đi lấy nước, nói nói cười cười rất tự nhiên như đã quen thân nhau từ lâu, không chút khách khí. Mình nghĩ bụng tình hình xấu, thà nó cứ ra vẻ ta đây, mặt hất lên trời, ngoảy đít đi thì lại dễ tán, đằng này nó cứ một anh hai anh vô cùng thân thiện lại chẳng biết tán làm sao, đành lên mặt đạo đức, đóng vai ông anh, chơi với nhau thân thiết cho đến tận ngày nay.

Lâu lâu mình ghé qua Vinh, tấp vào nhà nó một hai buổi, uống rượu tán phét pha trò vui vẻ tự nhiên như ở nhà em gái. Mê nhất là tiếng cười của nó, lúc nào cũng vang lên trong vắt, vô tư lự, cười và thế a thế a… đáng yêu vô cùng.

Mình nói xứ Nghệ có hai đặc sản quí hiếm gọi là kẹo Cu Đơ thơ Minh Huệ, nó cười hi hi hi, nói thế a thế a. Mình nói Minh Huệ đang làm Đêm nay bác không ngủ 2, Đêm nay bác không ngủ 3… có khả năng làm đến Đêm nay Bác không ngủ 30, nó lại cười he he he, nói thế a thế, đâu có anh phịa.

Mình nói Minh Huệ làm đến Đêm nay Bác không ngủ 3 thì dừng, may, nếu không bắt Bác thức

trắng cả tháng thì chết cha. Nó cười ngặt, đấm mình, nói điêu điêu, thế a thế a. Nghe nó cười cứ muốn ngồi tán phét mãi.

Hồi nó mới về Vinh, họa sĩ Trần Khánh nói mày về đây làm gì em, nó hỏi sao, Trần Khánh nói mày là giống công, ở đây toàn gà công nghiệp, mày sống làm sao? Thạch Quì nói nếu mày không muốn làm gà công nghiệp thì phải làm cú vọ mới tồn tại được em ơi. Nghe nói thế nó sợ toát mồ hôi.

Vào cái thời người ta lấy lập trường làm căn bản, tài năng là cái đinh, chuyện gì cũng có thể qui thành trọng tội, đại danh như Thạch Quì cũng lên bờ xuống ruộng không biết mấy lần, nó sống được cũng chỉ vì nó chẳng bận tâm đến mấy chuyện mà ai nấy đều cho là vô cùng quan trọng.

ông nào chủ tịch, ông nào có trong sổ đen, ông nào lý lịch xấu, nó cứ mắt tròn mắt dẹt thế a thế a ngơ ngơ như bò đội nón. Lúc đầu người ta tưởng nó giả đò, sau biết chắc nó lơ ngơ thật, chẳng ai thèm chấp nữa. Cái tên Tuyết Ngơ có từ hồi đó - Nghệ An có mười nhà thơ/ Thạch Quì là một Tuyết Ngơ

là mười.

Trong Hội mỗi mình nó con gái, từ cái cúc đứt đến việc tổ chức một bữa nhậu, ai gọi Nga ơi anh nhờ cái, nó dạ dạ rồi vui vẻ đi ngay. Đi chợ nấu nướng mua rượu soạn mâm một tay nó cả. Các ông anh cứ thế xếp bằng ngồi nhậu, nói đủ chuyện trên trời dưới biển có khi đến trắng đêm.

Lâu ngày nơi nó ở thành cái câu lạc bộ mini, những người tài danh nhất xứ Nghệ đều tụ về đấy cả. Các ông anh có chuyện bực bội không biết nói với ai lại tìm về nhà nó. Bất luận giờ nào, hễ gõ cửa là nó mở cửa, mặt mày tươi tắn, nói ui anh…Rồi ngồi bó gối nghe các ông anh kẻ đọc thơ người cằn nhằn, kẻ thắc mắc người dèm pha, rồi thét lác chửi bới mắng mỏ đủ cả… Nó vẫn kiên gan tiếp chuyện các ông anh, cứ thế a thế a không hề tỏ ra mệt mỏi hay chán nản.

Điều lạ là nó con gái xinh đẹp lại ở độc thân, mấy ông văn nghệ sĩ là đám cáo già trong chuyện trai gái mà bao nhiêu năm nó không hề bị tai tiếng gì, dù rất nhỏ. Tuyệt không một bà vợ nào ghen tuông, hết thảy đều yêu mến nó, hết thảy chứ không phải đa số. Bà nào cũng vậy, nửa đêm tỉnh giấc thấy chồng chưa về, gọi điện hỏi chồng đang ở đâu, nếu nghe chồng nói đang ở nhà Tuyết Nga là yên tâm trùm chăn ngủ. Cũng là một sự hiếm hoi.

Mình nói em cứ đánh đu với mấy ông Khôt-ta-bit đến khi nào mới lấy được chồng. Lấy đi em ạ, chồng hay lắm, không lấy sớm rồi sau này lại tiếc. Nó cười hi hi hi, đấm lưng mình nói thế a thế a, hay gì hay gì.

Rồi nó lấy chồng, hôm cưới thấy nó khoác tay chồng đi cà nhắc vào hôn trường, nhiều người mừng cho nó mà trào nước mắt. Nó mất mẹ từ hồi nhỏ, chân lại có tật, lúc nào cũng thấy nó mặt mày tươi rói, kì thực nó vất vả vô cùng.

Nó lấy chồng, cả đám ông anh đạo đức buồn ngẩn ngơ cả tháng, uống rượu say, nói mạ, thằng Hùng cũng gà công nghiệp như tụi mình thôi lại vớ được con công, cha tổ cái thằng may thế. Mình cũng buồn, dẫu rằng buồn là vô lý nhưng cứ buồn, như mình vừa đánh mất cái gì, lạ thế.

Anh em chơi lâu ngày, gặp nhau toàn tán phét, ít khi nghe nói nó đang viết gì, in gì, mình cứ tưởng nó mang tiếng nhà thơ thôi, kì thực chỉ sắm vai người hâm mộ. Một ngày đẹp giời có thằng bạn Bách Khoa gọi điện cho mình, nói mày đọc tập Thơ viết trước tuổi mình của Tuyết Nga chưa, mình nói chưa, nó nói đọc đi đọc đi, hay điếc tai.

Cái ông này hâm mộ thơ Tuyết Nga không kém kĩ sư Tuấn xứ Nghệ, hễ có bài nào của Tuyết Nga vừa in báo là cắt dán, đóng thành tập, suốt ngày ngâm nga như đọc kinh thánh.

Anh Tuấn là kĩ sư Tây học, người miền Nam lấy vợ Nghệ, mê thơ và bóng đá kinh hồn, đặc biệt bóng đá Brazil và thơ Tuyết Nga, suốt ngày lùng sục thơ nó. Vợ anh tình cờ quen em gái nó, bèn xin một tập thơ của nó cho chồng. Anh Tuấn quí hơn vàng, đọc đến thuộc lòng vẫn cứ đọc, hễ trước khi ngủ lại đọc dăm ba bài, ai đến chơi đều đem thơ nó ra khoe y chang ông anh trai khoe thơ em gái.

Không ngờ anh chết vì tai nạn, vợ anh đặt trong quan tài quả bóng và tập thơ Tuyết Nga. Nó nghe vợ anh Tuấn kể thì òa khóc, khóc xong thì sợ rúm ró, sợ anh Tuấn hâm mộ quá lại lôi nó xuống âm phủ thì bỏ mẹ.

Cũng cứ tưởng nó làm thơ hay hay vậy thôi, ai làm thơ viết văn mà không có một ít người hâm mộ, chẳng ngờ ít lâu sau tập thơ Ảo giác nó được giải Hội Nhà văn, ít lâu nữa thì được nó tặng tập sách Luận văn tiến sĩ của nó, ít lâu nữa thì nghe nói mua được đất xây được cái nhà, ngạc nhiên quá chừng.

chồng chưa. Nhờ có chồng mới có cô con gái xinh đẹp, đi đái có người đứng canh ma, thơ in ầm ầm, được giải ầm ầm, lại còn xây nhà xây nhiếc, tiến sĩ tiến siếc, đảng viên đảng viếc… sướng chưa!

Nó cười rất tươi, tiếng cười vẫn vang lên trong vắt, nói thế a thế a… Rồi nó cúi xuống mắt ngân ngấn nước, lát sau ngẩng lên, nói chồng em mất đã bốn năm rồi anh ạ. Mình sững sờ.

Nhìn nó cà nhắc đi ra cổng, một tay khoác vai con gái, một tay xách làn rau, mình ngẩn ra không hiểu sao nó lại có tiếng cười trong vắt bền bỉ suốt cả cuộc đời.

Một phần của tài liệu nguyenquanglap_kyucvun (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)