Chất lượng là một khái niệm rộng, đa nghĩa và có nhiều quan niệm khác nhau. Chất lượng có thể đánh giá là có, khi một sản phẩm hay dịch vụ thoả mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật được đặt ra từ trước đối với nó hay thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Nói một cách khác, chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu, được đo bởi sự thỏa mãn nhu cầu của nhà sản xuất hoặc của khách hàng, mà nhu cầu luôn luôn biến động nên chất lượng cũng luôn biến động theo thời gian, không gian và điều kiện sử dụng. Nghĩa tương đối của chất lượng hiện được sử dụng rộng rãi trong quản lý chất lượng, do đó có thể hiểu chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu.
Khái niệm chất lượng giáo dục cũng có nhiều cách hiểu và nhiều cách đánh giá khác nhau, như đánh giá bằng “đầu vào”; “đầu ra”; “giá trị gia tăng”; “giá trị học thuật”; “văn hóa tổ chức”; “sự xuất sắc”,… Theo Từ điển Giáo dục học, chất lượng giáo dục là “tổng hòa những phẩm chất và năng lực được tạo nên trong quá trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho người học so với thang chuẩn giá trị của nhà nước hoặc xã hội. Chất lượng giáo dục có tính lịch sử cụ thể và luôn luôn tùy thuộc vào các điều kiện xã hội đương thời, trong đó có các thiết chế, chính sách và lực lượng tham gia giáo dục,…” [65, tr.44].
Theo tác giả Bùi Minh Hiển, chất lượng giáo dục được xác định theo chất lượng của môi trường học tập và đầu vào (chương trình, nội dung, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính, quản lý); chất lượng của quá trình học tập (phương pháp dạy, phương pháp học, thời lượng); chất lượng của kết quả học tập (sự tiếp thu kiến thức, giá trị, thái độ, kỹ năng) [29, tr.248]. Ở các góc độ khác nhau, các nhà nghiên cứu giáo dục Việt Nam đã đưa ra những khái niệm về chất lượng, như: Chất lượng giáo dục được đánh giá qua mức độ đạt được mục tiêu đã đề ra đối với một chương trình đào tạo (Lê Đức Ngọc, Lâm Quang Thiệp); chất lượng giáo dục là chất lượng thực hiện các mục tiêu giáo dục (Lê Đức Phúc); chất lượng đào tạo là kết quả của quá trình đào tạo được phản ánh ở các đặc trưng về phẩm chất giá trị nhân cách và giá trị sức lao động hay năng lực hành nghề của người tốt nghiệp
tương ứng với mục tiêu, chương trình đào tạo theo các ngành nghề cụ thể (Trần Khánh Đức),....
Mặc dù có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về chất lượng giáo dục nhưng các nhà khoa học đều có sự thống nhất cho rằng chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu. Do đó có thể xem: Chất lượng giáo dục là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Mục tiêu giáo dục là những yêu cầu của xã hội đối với con người, cấu thành nguồn nhân lực mà giáo dục có nhiệm vụ phải đào tạo. Chất lượng giáo dục thường liên quan đến thành tích học tập, sự đáp ứng các chuẩn mực và giá trị, sự phát triển cá nhân của người học, lợi ích của người đầu tư và sự phù hợp với những mục tiêu của xã hội và nhà trường đã đề ra. Trong luận án, chất lượng giáo dục của các trường trung cấp CAND được phản ánh qua chất lượng của chương trình, nội dung, giáo viên, cơ sở vật chất; chất lượng của phương pháp giảng dạy của giáo viên, chất lượng của kết quả học tập, rèn luyện của học viên, các đặc trưng về phẩm chất, năng lực của học viên tốt nghiệp theo mục tiêu đào tạo, đáp ứng yêu cầu của công an các đơn vị, địa phương.