Sự tăng trưởng mạnh về vốn đầu tư vào Việt Nam từ 2005-2007 dẫn tới tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng cao đạt khoảng 51% năm 2007, và tăng trưởng tín dụng tập trung nhiều ở lĩnh vực bất động sản do thị trường nhà đất bùng nổ năm 2007. Đồng thời, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNN phát triển thông qua đẩy mạnh tín dụng cho DNNN.
Năm 2008, thị trường ngân hàng trong nước đã trải qua những biến động chưa từng có về lãi suất, tỷ giá… do chịu tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ và biến động kinh tế thế giới, cùng với sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế Việt Nam những năm trước đó dẫn đến lạm phát tăng cao, cũng như tăng trưởng tín dụng nóng đạt 51% năm 2007 khiến NHNN đã phải nhiều lần điều chỉnh lãi suất trong năm 2008 để siết chặt và kiểm soát để bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ.
Hình 2.7: Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng giai đoạn 2008-2016
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ World Bank
Giai đoạn năm 2009 - 2010, so với những thay đổi điều chỉnh liên tục nhiều lần trong chính sách tiền tệ năm 2008, thì qua năm 2009 - 2010 chính sách tiền tệ đã ổn định hơn, tổng dư nợ tín dụng qua hệ thống ngân hàng đều tăng trung bình trên 30%/năm, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu cũng gia tăng lên (năm 2009 là 1,797%; năm 2010 là 2,093%) và đạt đỉnh điểm vào năm 2012 (3,438%), các năm tiếp theo có xu hướng giảm dần do các biện pháp kiểm soát hạn chế và xử lý nợ xấu của NHNN và toàn hệ thống ngân hàng.
Hình 2.8: Tỷ lệ nợ xấu của 8 NHTM giai đoạn 2008 - 2016
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ BCTC của 8 NHTM
Năm 2011, các NHTM bắt đầu gặp khá nhiều trục trặc về thanh khoản và kết quả hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Đây là hậu quả tất yếu của: một là, chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và có phần thắt chặt; hai là, nợ xấu tích tụ từ nhiều năm trước được bùng phát; ba là, tình trạng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trở nên phổ biến. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống ngân hàng thương mại ở 3 phương diện: thứ nhất, gia tăng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng; thứ hai, giảm tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu; thứ ba, rủi ro thanh khoản, kỳ hạn, rủi ro đổ vỡ hệ thống ngân hàng. (Châu Đình Linh, 2015)
Năm 2012, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đạt cao nhất là 3,438% kể từ năm 2008, là kết quả tất yếu bùng nổ nợ xấu từ những năm trước đây do tăng trưởng nóng nền kinh tế và tín dụng, do tích lũy nhiều vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế-tài chính như đầu tư công kém hiệu quả gây thất thoát vốn, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kém, các vấn đề về cơ chế quản lý hoạt động kém hiệu quả và vi phạm pháp luật của TCTD trong huy động vốn và cấp tín dụng, trong sở hữu chéo vốn cổ phần giữa các ngân hàng, nguồn vốn tín dụng tập trung quá nhiều vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản kém hiệu quả, do môi trường kinh doanh bất lợi và ảnh hưởng của thị trường tài chính và kinh tế thế giới…
Năm 2013, nợ xấu vẫn đạt tỷ lệ cao (3,107%) và đe dọa đến an ninh hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính quốc gia. Do đó, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế và xử lý nợ xấu, đặc biệt là chính sách về tái cơ cấu trong hệ thống ngân hàng và việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản VAMC để xử lý nợ xấu. Tính đến 24/12/2013, VAMC đã mua được 32.000 tỷ đồng nợ xấu tính theo giá trị sổ sách1.
Hình 2.9: Quy mô nợ xấu của 8 NHTM giai đoạn 2008 - 2016
ĐVT: triệu đồng
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ BCTC của 8 NHTM
Kể từ năm 2013 trở đi, mặc dù tỷ lệ nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu của 8 NHTM vẫn có xu hướng gia tăng. Đó là chưa nói đến nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Đến năm 2016, đã có 3 ngân hàng là Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GP Bank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB, Ngân hàng Đại Dương OceanBank có tỷ lệ nợ xấu cao, bị âm vốn và không thể tái cơ cấu được, và buộc phải bán lại giá 0 đồng cho NHNN. Ngoài ra còn có những ngân hàng khác yếu kém buộc phải sáp nhập với các ngân hàng lớn hoạt động hiệu quả hơn. Nhìn chung tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các NHTM niêm yết là thấp hơn tỷ lệ chung của ngành, mức độ tăng giảm tỷ lệ nợ xấu là cùng chiều với tỷ lệ ngành.
Trong 4 năm trở lại đây, các biện pháp chính được sử dụng để giảm nợ xấu bao gồm: VAMC thu hồi nợ, TCTD trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC,
1 Báo cáo ngành ngân hàng Việt Nam tháng 01/2014 của VPBS: VAMC và các giải pháp cho vấn đề nợ xấu, trang 54
TCTD tự xử lý (bằng tái cơ cấu nợ, xóa nợ, thu hồi nợ...) đã góp phần làm giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một phần lớn nợ xấu đã được VAMC mua lại không có nghĩa là đã giải quyết được tận gốc vấn đề của nợ xấu, nếu các khoản nợ xấu không thu hồi được, các doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh hiệu quả trở lại, các ngân hàng tái cơ cấu thiếu hiệu quả... thì không thể tạo dòng tài chính lành mạnh cho thị trường tài chính và nền kinh tế.