Một số yếu tố liên quan tới bạo lực gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bạo lực gia đình ở phụ nữ 15 49 tuổi có chồng huyện định hóa, tỉnh thái nguyên năm 2019 và một số yếu tố liên quan​ (Trang 26 - 30)

Trên thế giới cũng như Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra được các yếu tố liên quan đến BLGĐ cụ thể như sau:

- Tuổi: Theo nghiễn cứu của Garcia tại Brazil năm 2016 cho thấy: tuổi có liên quan đến BLGĐ, cụ thể là tuổi càng trẻ thì tỷ lệ bạo lực thể xác thấp hơn ở phụ nữ trong độ tuổi cao [33], [39]. Tuy nhiên trong các nghiên cứu khác được thực hiện ở Brazil, tuổi không liên quan đến sự xuất hiện bạo lực của người phụ nữ với chồng/bạn tình [27], [67]. Ngược lại nghiên cứu của Borah lại cho rằng tuổi phụ nữ càng cao thì tỷ lệ bạo lực càng nhiều [26]. Mặc dù vậy, phần lớn các nghiên cứu tìm thấy mối liên quan giữa BLGĐ với lứa tuổi và cho rằng phụ nữ trẻ tuổi hơn sẽ có tỷ lệ bị BLGĐ nhiều hơn phụ nữ lớn tuổi. Một giả thuyết được đưa ra để giải thích những điều này là phụ nữ lớn tuổi hơn thường có điều kiện hơn về mặt kinh tế và xã hội, mặt khác phụ nữ lớn tuổi có thể đã có cơ hội từ bỏ tình trạng này từ khi còn trẻ. Do đó ít có khả năng bị bạo lực gần đây hơn phụ nữ trẻ tuổi [33], [45]. Cụ thể hơn, nghiên cứu của Zarei cho rằng những phụ nữ ít chênh lệch tuổi tác với chồng thì ít bị bạo lực hơn. Sự chênh lệch tuổi

tác của các cặp vợ chồng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ BLGĐ [75].

- Trình độ học vấn: Tại Brazil, nghiên cứu của Garcia cũng đã cho kết quả là trình độ học vấn của người phụ nữ có liên quan đến BLGĐ: trình độ học vấn càng thấp thì tỷ lệ BLGĐ càng cao [33]. Nghiên cứu của Leite còn chỉ ra cụ thể rằng: trung bình, bạo lực tinh thần xảy ra thường xuyên hơn 45% ở những người có trình độ học vấn thấp [39]. Kết quả tương tự như vậy là nghiên cứu của Borah [26] tại Đông Bắc Ấn Độ, nghiên cứu của Almeida [22], nghiên cứu của Ozpinar [47].

- Khả năng tham gia vào hoạt động kiếm tiền: Garcia cho rằng đây là một yếu tố có liên quan đến BLGĐ, những phụ nữ không có khả năng tham gia vào các hoạt động kiếm tiền sẽ bị bạo lực nhiều hơn những phụ nữ khác [33]. Tương tự như vậy đối với phụ nữ có thai ở Tây Bắc Ethiopia [29]. d'Oliveira cũng cho rằng tình trạng kinh tế thấp và không có các công việc được trả thù lao sẽ làm tăng tỷ lệ bị bạo lực hơn những phụ nữ tự mình kiếm ra tiền [27]. Tương tự vậy, Almeida cũng cho rằng phụ nữ thất nghiệp và thu nhập hàng tháng <1000 euro có tỷ lệ bị bạo lực cao hơn phụ nữ có việc làm và thu nhập cao [22].

- Sử dụng rượu bia: Trình trạng sử dụng rượu bia của bản thân người phụ nữ và chồng của họ vừa là nguyên nhân vừa là yếu tố liên quan tới BLGĐ, tỷ lệ bạo lực tăng lên ở những gia đình có người phụ nữ thường xuyên sử dụng rượu bia. Và nghiên cứu chỉ ra rằng đây cũng chính là yếu tố có liên quan nhiều nhất tới tình trạng BLGĐ vì gia đình của họ luôn có ý thức chống lại hành vi này của người phụ nữ [33], [55]. Theo Sharps cho rằng việc sử dụng rượu bia của cả nạn nhân và cả người gây ra bạo lực đã làm tăng tỷ lệ bạo lực lên 8,24 lần so với việc không sử dụng rượu bia [55]. Mối quan hệ giữa lạm dụng rượu bia và BLGĐ được biết đến rộng rãi và được ghi nhận ở nhiều nghiên cứu khác [23], [27], [67]. Một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện tại đô thị Paulista

cho thấy người phụ nữ báo cáo đã sử dụng rượu có rủi ro cao gấp hai lần phải chịu đựng bạo lực do chồng/bạn tình gây ra [67].

- Nghiện ma túy: Leite cho rằng những gia đình có chồng nghiện ma túy thì tỷ lệ bạo lực cao hơn những gia đình khác 1,35 lần. Và bản thân phụ nữ có tiền sử sử dụng ma túy có tỷ lệ bị bạo lực thể xác cao hơn 2,4 lần bởi chồng/bạn tình [39].

- Kinh tế gia đình: những gia đình có kinh tế thấp thì tỷ lệ bạo lực cao hơn gia đình có thu nhập cao [26]. Theo nghiên cứu của Leite thì phụ nữ có thu nhập gia đình thấp chính là nạn nhân của bạo lực tình dục bởi chồng của họ nhiều gấp ba lần so với phụ nữ có thu nhập gia đình cao [39]. Nghiên cứu của Ozpinar cũng cho kết quả tương tự như vậy [47].

- Nghề nghiệp: Nghiên cứu của Zarei cho kết quả rằng hầu hết phụ nữ bị BLGĐ là những bà nội trợ, nhưng bạo lực với mức độ vừa phải khi ở cùng những người đàn ông thất nghiệp, mức độ bạo lực tăng lên đối với những phụ nữ làm nội trợ ở cùng đàn ông có việc làm [75]. Rasoulian thấy rằng nghề nghiệp của người chồng có liên quan chặt chẽ với mức độ bạo lực cụ thể cho thấy những người chồng ít học hành có hành vi bạo lực hơn những người chồng có học thức [51].

- Số con trong gia đình: Borah cho rằng gia đình không có con hay số con nhiều hơn 2 thường có tỷ lệ bạo lực nhiều hơn những gia đình có từ một đến hai con [26]. Một nghiên cứu khác tại Iran lại cho rằng có mối tương quan có ý nghĩa thống kê giữa bạo lực và việc có bé trai trong gia đình: những phụ nữ không có con trai bị bạo lực nhiều hơn, nhưng không có mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa số lượng con gái trong gia đình và bạo lực đối với phụ nữ [75].

- Tiền sử bị bạo lực của cha mẹ trong thời thơ ấu: những gia đình có cả vợ và chồng đều có tiền sử bị BLGĐ thời thơ ấu thì tỷ lệ xảy ra bạo lực hiện tại cao hơn những gia đình khác không có tiền sử trên [47]. Nghiên cứu của Leite cũng cho kết quả: tỷ lệ bạo lực tinh thần cao hơn 70% ở những phụ nữ có mẹ

bị bạo lực bởi chồng/bạn tình hoặc bản thân bị bạo lực tình dục trong thời thơ ấu [39].

- Kiến thức của người phụ nữ về BLGĐ: trong nghiên cứu của Niveta Shivjatan và cộng sự năm 2008 cho kết quả là: hơn một nửa số phụ nữ (64%) có kiến thức về bạo lực tinh thần, hơn một phần ba phụ nữ (33%) nhận thức được các khía cạnh của bạo lực tinh thần. Bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục ít nhận ra hơn các hình thức BLGĐ khác của phụ nữ. Khoảng 10% phụ nữ không có kiến thức để xác định bất kỳ hình thức BLGĐ nào [56].

- Thái độ: Phụ nữ bày tỏ quan điểm rằng nạn nhân của BLGĐ cần: báo cáo những trường hợp như vậy với cảnh sát (29%), chọn rời khỏi hôn nhân/mối quan hệ (24%), tìm kiếm sự trợ giúp từ gia đình và bạn bè hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà lãnh đạo cộng đồng (12%). Hầu hết phụ nữ (93%) đều đồng ý rằng bạo lực không nên được tha thứ hoặc chấp nhận trong xã hội. Phần lớn số người được hỏi (93%) phụ nữ cũng đồng ý rằng nạn nhân BLGĐ nên có quyền truy cập dịch vụ và sự hỗ trợ của cơ quan/chính phủ/nhà nước/một hoặc cơ quan phi nhà nước. Ngoài ra, hầu hết tất cả những người được hỏi đều sẵn sàng hỗ trợ cho một người bị BLGĐ [56].

- Màu da: nghiên cứu của Garcia tại Brazil năm 2016 chưa cho thấy có sự liên quan giữa BLGĐ và màu da của người phụ nữ [33]. Tương tự như vậy trong nghiên cứu của Leite cũng cho rằng không có mối liên hệ của bất kỳ loại bạo lực nào với màu da hoặc tôn giáo của người phụ nữ. Ngược lại Almeida lại cho rằng: phụ nữ không phải người da trắng sẽ có tỷ lệ BLGĐ cao hơn phụ nữ da trắng [22].

- Mặt khác BLGĐ còn liên quan tới rất nhiều yếu tố khác cụ thể như: Không có sự hài lòng về của hồi môn của vợ làm tăng tỷ lệ bạo lực [26], phụ nữ có tiền sử mắc bệnh tâm thần hoặc có chồng có tiền sử bệnh tâm thần dường như dễ trở thành nạn nhân của BLGĐ hơn. Người chồng hút thuốc có khả năng thực hiện hành vi BLGĐ cao gấp 6,5 lần so với người không hút thuốc (p <

0,001) [51]. Những gia đình có chồng ham mê cờ bạc thì tỷ lệ bạo lực cao hơn những gia đình khác, hay thời gian kết hôn càng dài thì tỷ lệ bạo lực càng cao [26], phụ nữ kết hôn < 18 tuổi có tỷ lệ BLGĐ cao hơn những phụ nữ kết hôn sau 18 tuổi [34].

Tóm lại, có nhiều yếu tố liên quan đến BLGĐ đã được chứng minh ở nhiều nghiên cứu khác nhau. Đó sẽ là cơ sở để chúng ta thực hiện tốt các can thiệp nhằm giảm bớt tỷ lệ BLGĐ trong tương lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bạo lực gia đình ở phụ nữ 15 49 tuổi có chồng huyện định hóa, tỉnh thái nguyên năm 2019 và một số yếu tố liên quan​ (Trang 26 - 30)