Đối tượng được Nhà nước bồi thường bao gồm các “cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần” [31, tr.1] thuộc các trường hợp đã được quy định trong Luật TNBTCNN trong cả 03 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án do hành vi trái pháp luật của các cán bộ, công chức Nhà nước vì vô ý làm sai hay cố tình làm sai để trục lợi, thực hiện hành vi tư thù cá nhân hoặc vì vô trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ gây ra thiệt hại và hậu quả cho các cá nhân, tổ chức đó. Theo quy định này, có thể hiểu, các cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng được Nhà nước Việt Nam bồi thường bao gồm công dân Việt Nam, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; cá nhân mang quốc tịch của quốc gia, vùng lãnh thổ khác, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Các đối tượng này đều có thể trở thành đối tượng được bồi thường miễn là đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật TNBTCNN.
Tuy nhiên, Luật TNBTCNN không quy định nguyên tắc có đi có lại trong việc thực hiện TNBTCNN mà một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan…có quy định trong Luật về BTNN của họ, theo đó, một quốc gia chỉ bồi thường cho công dân mang quốc tịch của một quốc gia, vùng lãnh thổ khác nếu pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ mà công dân đó mang quốc tịch có quy định về TNBTCNN đối với người nước ngoài trong điều kiện tương tự. Tuy nhiên, để thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước ta đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức đang sống và làm việc trên đất nước Việt Nam nên Luật TNBTCNN của Việt Nam không quy định nguyên tắc này.