Sai lệch trong đánh giá các xét nghiệm

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH DỊCH TỄ HỌC (Trang 50 - 51)

10.1. Tính tương đối và tuyệt đối của độ nhạy và độ chuyên biệt

Rất khó xác định tình trạng bệnh thật sự của những thú dùng trong việc chuẩn hóa các xét nghiệm. Tuy nhiên, độ nhạy tương đối và độ chuyên biệt của một xét nghiệm có thể được ước tính bằng cách so sánh kết quả của xét nghiệm này với kết quả của các xét nghiệm đã được dùng như xét nghiệm “chuẩn” trong nhiều năm. Cách này có thể được dùng bởi các thú y viên để so sánh xét nghiệm huyết thanh và kỹ thuật Knott truyền thống trong định bệnh giun tim chó. Khi không có xét nghiệm chuẩn, sự so sánh khả năng của một xét nghiệm này với một xét nghiệm khác được xem như đo lường sự phù hợp mà không là đo lường sự chính xác. So sánh độ chính xác tương đối của một xét nghiệm này so với xét nghiệm khác chỉ có giá trị khi biết chính xác tình trạng sức khỏe của thú được xét nghiệm.

Trong việc đánh giá xét nghiệm ELISA ở bò nhiễm M. paratuberculosis, khả năng của xét nghiệm chỉ có tính tương đối mà không tuyệt đối vì bản thân xét nghiệm chuẩn - phân lập từ phân, đã có khuynh hướng sai lệch. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cứng rắn trong việc xác định đàn bò không bị nhiễm (đàn bò có lịch sử âm tính trong 15 năm, kết quả âm tính khi phân lập vi khuẩn từ phân, không có những dấu hiệu bệnh và kết quả âm tính khi phân lập vi khuẩn từ ít nhất 3 mẫu sữa) đã cho thấy không có sai lệch trong nghiên cứu này.

10.2. Tính đa dạng của thú bệnh

Độ nhạy và độ chuyên biệt phải được xác định với một quần thể thích hợp. Cần trắc nghiệm độ nhạy trên nhiều loại thú bệnh và độ chuyên biệt cũng được xác định với nhiều loại thú không bệnh.

Thách thức đối với nhóm thú bệnh là phát hiện liệu (và khi nào) xét nghiệm tạo nên kết quả âm tính giả. Thú bệnh nên gồm các cá thể có nhiều dạng bệnh lý lâm sàng và kể cả những cá thể có bệnh lý phức tạp đến nỗi có thể gây nên kết quả âm tính giả.

Thách thức đối với nhóm thú không bệnh là xác định liệu (và khi nào) xét nghiệm tạo nên kết quả dương tính giả. Cần phân biệt xét nghiêm sàng lọc (thực hiện ngẫu nhiên trên đàn thú có vẻ khỏe mạnh bên ngoài) và xét nghiêm chẩn đoán (thực hiện trên nhóm thú có dấu hiệu lâm sàng giống nhau). Với xét nghiệm sàng lọc, thú có vẻ bên ngoài khỏe mạnh được dùng như thú không bệnh. Trong xét nghiệm chẩn đoán, thú không bệnh nên gồm những thú không có bệnh mà xét nghiệm cần được đánh giá nhưng có những bệnh khác mà những bệnh đó được chú ý trong chẩn đoán phân biệt.

10.3. Sai lệch liên quan đến kết quả xét nghiệm dương tính hay âm tính

Sai lệch có thể xảy ra khi kết quả của xét nghiệm - dương tính hay âm tính và tình trạng bệnh - hiện diện hay không hiện diện, không được xác định độc lập. Hai sai lệch đầu xảy ra khi kết quả xét ngiệm đã có trước khi chẩn đoán được tiến hành.

Sai lệch gia công (work-up bias) xảy ra khi đã có kết quả xét nghiệm thì mới tiến hành chẩn đoán. Như thế kết quả đã có sẽ ảnh hưởng đến khả năng chẩn đoán. Chẳng hạn, khi đã biết kết quả trước đó là dương tính thì người ta cố gắng theo đuổi chẩn đoán và như thế làm tăng khả năng phát hiện bệnh nếu có bệnh thật sự.

Sai lệch duyệt lại (review bias) xảy ra sau khi đã chẩn đoán và kết quả chẩn đoán ảnh hưởng đến tiến trình xem xét số liệu. Chẳng hạn, kết quả huyết thanh học dương tính có thể ảnh hưởng đến cách giải thích kết quả X quang lồng ngực thường được dùng để hỗ trợ cho chẩn đoán tình trạng giun tim không rõ ràng.

Sai lệch phối hợp (incorporation bias) xuất hiện khi xét nghiệm được đánh giá nhưng lại được dùng để chẩn đoán chính bệnh đó.

Tính đa dạng của bệnh, chẳng hạn phân bố của các giai đoạn bệnh trong quần thể có thể ảnh hưởng đến sự đo lường độ nhạy và độ chuyên biệt của xét nghiệm.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH DỊCH TỄ HỌC (Trang 50 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)