Tinh thần giáo dục của Tỳ Ni:

Một phần của tài liệu Hoa-Ngoc-Lan-HT-Chon-Thien (Trang 60 - 64)

Tỳ ni giúp người Sa Di tự huấn luyện tinh thần tự giác, tự tri, tự trách nhiệm, sự chú tâm, lòng từ ái và thái độ sống thanh thản chấp nhận đời sống đang là.

- Tinh thần tự tri tự giác:

Người Sa Di nắm vững lời khai tâm của nhà chùa, "trở về nương tựa mình và nương tựa Pháp, và hãy tự nỗ lực"; từ đó theo dõi các hành động của thân, khẩu, ý; làm chủ tâm mình hướng về sự tỉnh giác vô ngã và lòng từ vô hạn để đi dần ra khỏi khổ đau, và giúp người khác đi dần ra khỏi khổ đau. - Tinh thần tự trách nhiệm:

Công phu hành tỳ ni là công phu theo dõi và kiểm soát tâm mình. Việc này tự thân trách nhiệm về tự thân; thầy và các huynh trưởng, các đồng phạm hạnh chỉ là trợ duyên nhắc nhở, chỉ đường. Ai khác có thể kiểm soát công phu âm thầm ấy?

Vì vậy, tỳ ni đòi hỏi người tu tự nguyện chịu trách nhiệm về tự thân trên mọi hành vi của đời sống.

- Tinh thần giáo dục năng lực chú tâm:

Theo dõi tâm qua từng cử chỉ hằng ngày là cách tu tập sự chú tâm, tập trung tư tưởng vào "con đường". Chú tâm là công phu căn bản đưa đến định và tuệ. Từ định và tuệ, người Sa Di sẽ bắt gặp các niềm hân hoan, hỷ, lạc, và giải thoát.

Khi năng lực chú tâm vào một đối tượng trở nên mạnh mẽ, ổn cố, thì đấy là định tâm. Khi tâm vững trú vào thiền quán vô ngã, thì đấy là tuệ tâm.

Năng lực chú tâm và tỉnh giác trên là linh hồn của thiền định Phật giáo cần thiết cho mọi người tu tập (gồm những Phật tử tại gia) để phát triển Giới - định - Tuệ.

- Giáo dục lòng từ ái, vị tha:

Tất cả niệm khởi mong cầu an lạc giải thoát cho chúng sinh đều là hình thức nuôi dưỡng và phát triển lòng từ ái, vị tha (hay gọi là từ bi).

Lòng từ ái, vị tha có công năng dẹp bỏ tâm sân hận, chấp ngã, vị kỷ. Ðấy là công phu tháo gỡ các phiền não sinh khởi từ chấp thủ, vị ngã và sân hận. Tinh thần giáo dục đó tốt cho cả người đời

- Giáo dục thái độ sống chấp nhận thực tại, thanh thản:

Nếp sống nhà chùa rất thực, tập trung vào đương niệm, nên mọi việc đều trôi qua nhẹ nhàng mỗi ngày. Các tư duy vô bổ về quá khứ và vị lai (tiếc nuối quá khứ, mơ ước tương lai) gây sự rối loạn tâm lý sẽ không có đất đứng trong tâm lý của người tu trong hướng sống hành thuần thục tỳ ni nầy.

Con đường đi vào thực tại trước hết phải đi vào đương niệm; sau đó là giác tỉnh vô ngã, vô tham và vô sân. Ở đó, có mặt của vĩnh cửu, của thực tướng, khi tâm tập trung và giác tỉnh mạnh.

Cuộc sống sẽ không còn gì được giấu kín, trừ ra bị tự ngã che khuất. Bí mật của cuộc đời chỉ còn lại trong dục vọng và trong tư duy hữu ngã. Nhận thức rõ ràng về điều đó thì người tu sẽ sống an lạc mỗi ngày như mọi ngày. Ðây là kết quả mà mọi cuộc phấn đấu của con người nhắm đến.

Nội dung của chương Tỳ Ni nhật dụng vừa được giới thiệu nói lên rõ nếp sống nhà chùa là nếp sống rất hiện sinh, rất người và rất an lạc, nuôi dưỡng giác tỉnh và từ bi

Năm đức tính của Sa Di

1.Phát tâm xuất gia là do lòng cảm mến đạo giải thoát. 2.Từ bỏ hình hài đẹp đẽ để thích ứng với pháp phục. 3.Lìa xa ân ái, từ giã thân thích vì không còn thân sơ.

4.Buông bỏ thân mạng vì tôn sùng Phật Pháp. 5.Chí cầu Ðại thừa vì để hóa độ mọi người.

Năm đức tính trên nói lên nhận thức và chí sống của người xuất gia một cách rõ ràng: Mọi sự biểu hiện của thân tâm chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là giải thoát sinh tử cho mình và người.

Người ta không thể hiểu lầm nếp sống đó là tiêu cực, lánh đời , hay ích kỷ. Về đức tính thứ nhất:

Lý do đích thực của xuất gia là ý thức rõ con đường giải thoát và mến mộ giải thoát, mà không phải là do những động cơ khác. Trên thực tế, mỗi người đến chùa vì một lý do riêng, nhưng chỉ thực sự được nhận vào hàng ngũ xuất gia khi nào giác ngộ 'con đường'.

Ở lãnh vực giáo dục học đường, hướng dẫn một học viên chọn nghề cần dựa vào hai nhân tố quyết định:

- Sở thích ngành nghề, - Khả năng ngành nghề.

Tại đây, lòng cảm mến, tôn sùng giải thoát là một nhân tố quyết định. Cảm mến đạo giải thoát là do hiểu đạo; đây là khả năng để thực hiện giải thoát. Về đức tính thứ hai:

Nếp tu hành thì xa lìa các ham muốn phàm thế, hướng tâm vào chỗ rời dục, rời ác pháp bất thiện pháp, và nuôi dưỡng lòng từ, nên các hình thức làm duyên, làm dáng, làm đẹp thân thể không được duy trì. Làm vậy để nuôi dưỡng tâm, chí giải thoát.

Về đức tính thứ ba:

Người xuất gia chỉ có một hướng đi dốc chí hành giải thoát, và bình đẳng giúp tất cả đi vào giải thoát, nên các tình nghĩa, ân ái riêng tư cần được lánh xa.

Chỉ khi tình riêng không còn, thì tình thân thương với mọi chúng sinh mới có thể tu tập, thực hiện được.

Về đức tính thứ tư:

Sự nghiệp chính và duy nhất của người xuất gia là sự nghiệp giải thoát, nên thân mạng chính bây giờ là thân huệ mạng, là thân giải thoát. Vì thế, không thể vì lý do duy trì thân mạng vật lý (như là phương tiện) mà hy sinh thân huệ mạng. Việc làm chỉ có thể ngược lại.

Về đức tính thứ năm:

Vấn đề giải thoát trọn vẹn cần được thực hiện với tâm đại bi và đại trí. Vì thế cần nghĩ đến vấn đề giải thoát cho tất cả. Chỉ khi lòng đại bi ấy được mở rộng, thật rộng, thì tất cả tập khí chấp thủ tự ngã mới tiêu tan, và đại tuệ mới bung vỡ.

Vấn đề thực hiện giải thoát của tự thân là thế.

Năm đức tính trên là giá trị về nếp sống giải thoát của người xuất gia. Trong đời sống xuất thế đó, không có mặt của danh vọng, lợi dưỡng, và các ham muốn trần thế khác.

Mười điều giới luật Sa Di 1.Không sát sinh

2.Không lấy của không cho 3.Không dâm dục.

4.Không nói dối.

5.Không uống các chất men say.

6.Không trang sức đẹp, không xức thoa các thứ hương

7.Không hát, vũ; không hòa tấu, không biểu diễn văn nghệ; không đi xem nghe.

8.Không nằm ngồi chỗ cao sang. 9.Không ăn phi thời (chỉ ngọ trai)

10.Không cất giữ vàng, bạc, tiền và các vật quý.

Giới được thiết lập trên nền tảng Bi và Trí. Về mặt từ bi, giới giúp người tu loại bỏ ác tâm, hại tâm, dục tâm, để tránh gây tổn hại đến chúng sinh, người đời, vừa để bảo vệ hạnh phúc và niềm tin giải thoát cho đời.

Về mặt trí tuệ, giúp người tu loại bỏ tham, sân, si của tự tâm, chế ngự dục vọng hầu tăng trưởng định và tuệ giải thoát.

Thử phân tích tác dụng của một giới "không sát sinh" thì sẽ rõ.

Giới nầy nhằm bảo vệ và tôn trọng sự sống của con người và các loài sinh vật khác, vừa để loại bỏ ác tâm, sân tâm, hại tâm và dục tâm của người tu. Nhưng không phải vì hạn chế các sinh hoạt sai lầm mà Giới hạn chế sự thoải mái , tự do của tâm thức. Thực sự, cứ sống đời sống xuất gia, bạn sẽ thấy Giới giúp bạn mở rộng phương trời tự do. Càng giới hạn dục vọng, tự do tâm lý càng được mở rộng.

Về mặt nhân quả, Giới không những chỉ đem lại an lạc cho mình và người trong hiện tại, mà còn đem lại an lạc cho đời sau nữa.

Ðó là nếp sống khôn ngoan, hiền thiện và trí tuệ không phải để tiêu hủy mầm sống, mà là để khai mở sức sống.

Như một người nhà nông cần giữ đúng một số quy luật gieo trồng để có mùa gặt tốt, cũng vậy, người xuất gia cần giữ giới luật để chờ đợi mùa gặt của an lạc và giải thoát.

Một phần của tài liệu Hoa-Ngoc-Lan-HT-Chon-Thien (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)