IV I= RD + RF + RBA (1).
Đa dạng sinh học loài của lâm phần và tốc độ tăng trưởng quần thể của cây ươi (S macropodum) dưới các mức độ tác động
thể của cây ươi (S. macropodum) dưới các mức độ tác động hiện trường khác nhau
Điều kiện môi trường của hiện trường nghiên cứu cây ươi phụ thuộc nhiều vào những tác động của các phương thức khai thác quả ươi. Chúng tôi đánh giá bằng chỉ số tác động hiện trường SDI (Site Disturbance Index), và thấy rằng trên một hiện trường nghiên cứu, phương pháp thu hoạch quả ươi bằng cách chặt cành có thể quyết định tới 55 % tổng giá trị SDI (Chương 2). Chỉ số SDI có tương quan chặt chẽ với chỉ số đa dạng sinh học loài thực vật (Naveh and Whittaker 1979, During and Willems 1984, Acharya 1999, Bongers et al. 2009), và tương quan tỷ lệ nghịch với tỷ lệ sống của cây con và do vậy ảnh hưởng âm tính tới tốc độ tăng trưởng quần thể. Vấn đề này cũng được nghiên cứu phát hiện với các quần thể ươi nghiên cứu tại Việt Nam (Chương 3).
Chúng tôi đánh giá định lượng đa dạng sinh học thực vật của các lâm phần ươi nghiên cứu (Chương 2) và động thái quần thể của cây ươi (Chương 3) tại 4 hiện trường bao gồm: Nam Cát Tiên, hiện trường bị tác động mạnh bởi hoạt động khai thác quả ươi, sự xâm lấn của tre lồ ô, và sự xâm canh; Bạch Mã và M’drak, các hiện trường với những tác động từ trung bình đến cao, và Đăk Uy với tác động hiện trường nhỏ nhất (Bảng 1).
Bảng 1. Chỉ số SDI, Đa dạng sinh học loài (SR & H’) và Tốc độ tăng trưởng quần
thể (λ) của cây ươi (S. macropodum) tại các hiện trường nghiên cứu khác nhau
Site SDI SR H’ λ
Cattien 0.68-0.78 11-30 1.19-3.32 0.981
Dakuy 0.25-0.32 24-34 3.01-3.64 1.017
Bachma 0.40-0.48 39-56 4.69-5.08 1.022
M’drak 0.50-0.75 14-25 2.26-3.71 ---
Ghi chú: SDI- Chỉ số tác động hiện trường, SR-Độ phong phú loài, H’-Chỉ số đa dạng loài Shannon , λ- Tốc độ tăng trưởng quần thể; Nguồn: Chương 2 và Chương 3.
Trong các hiện trường nghiên cứu, Chỉ số Đa dạng Shannon (H’) giao động mạnh từ 1.19 đến 5.08 và tốc độ tăng trưởng quần thể (λ) giao động từ 0.981 đến 1.022. Trong đó, hiện trường Bạch Mã có giá trị H’ cao nhất, nơi có SDI trung bình và ở đó cây ươi có sinh trưởng tốt nhất, với giá trị λ cao nhất. Giá trị H’ thấp nhất tại Nam Cát Tiên, nơi có chỉ số tác động hiện trường SDI cao nhất và tốc độ tăng trưởng λ của cây ươi đạt được thấp nhất (Bảng 1). Trong các hiện trường nghiên cứu của chúng tôi, chỉ số đa dạng sinh học H’ tương quan tỷ lệ nghịch với giá trị quan trong tương đối của cây ươi trong lâm phần và chỉ số H’ cũng tương quan với chỉ số tác động hiện trường SDI theo một đường cong xác định (H’ = -1.381 + 25.095 SDI – 27.441SDI2, r2= 0.76, p<0.001), trong đó H’ tăng dần và đạt giá trị cực đại tại giá trị SDI tương ứng là 0,45 (giá trị trung bình).
Chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy một “điểm cân bằng” (trade-off) cho quản lý giữa chức năng sản xuất của cây ươi với vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học trong các lâm phần. “Điểm cân bằng” này là sự duy trì ổn định một tỷ lệ giữa số lượng cây ươi (hoặc tiết diện ngang) trên tổng số cá thể (cây) của tất cả các loài trong lâm phần (hoặc tổng tiết diện ngang), tại đó cả giá trị đa dạng sinh học H’ của lâm phần và sản lượng năng suất quả của cây ươi đạt được cao (Jobidon et al. 2004) và do vậy đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định đáng kể cho người dân liên quan. Tuy nhiên chúng tôi không tìm thấy được “điểm cân bằng” (trade-off) trong nghiên cứu này (Chương 2).
Thực tế chúng tôi thấy có hai xu hướng xảy ra trong quản lý phát triển tài nguyên cây ươi (S. macropodum). Một mặt, tại các lâm phần tự nhiên khi cây ươi có quả, người dân địa phương tìm mọi cách để khai khác quả được nhiều nhất bằng cách chặt cả cây hoặc chặt cành, điều này tất yếu dẫn đến sự suy thoái nghiêm trọng. Mặt khác, khi các lâm phần ươi đã bị suy thoái, người dân cố gắng trồng phục hồi, và thường trồng theo băng trong các rừng nghèo, tái sinh, các băng được phát dọn sạch, và trồng ươi với mật độ cao. Cả hai xu hướng này rõ ràng đều không phù hợp cho thiết lập và sinh trưởng của lâm phần ươi gây trồng, và không hỗ trợ cho đa dạng sinh học của lâm phần. Xu hướng 1 tất yếu sẽ làm suy thoái nghiêm trọng quần thể cây ươi và đa dạng sinh học của lâm phần, trong khi đó, xu hướng 2 cũng sẽ làm tổn thương và suy giảm đa dạng sinh học thực vật.