CHIA SẺ NHƯ THẾ NÀO?

Một phần của tài liệu cho-di-la-con-mai (Trang 53 - 55)

CHƯƠNG 4: HỌC CÁCH CHIA SẺ

CHIA SẺ NHƯ THẾ NÀO?

Nếu tay bạn lúc nào cũng đút sâu vào trong túi, bạn sẽ không thể nào bắt tay người khác, không thể dang tay ôm ai đó vào lòng, hay không thể bày tỏ những cảm xúc của tình yêu

thương… Và bạn sẽ không thể lớn lên thành người - chừng nào bạn chưa học được cách rút bàn tay ra khỏi chiếc túi ích kỷ của mình. Chỉ khi nào đôi tay bạn dám cầm một khoản tiền để giúp đỡ một đứa trẻ mồ côi, giúp bảo vệ môi trường hoặc mang tình yêu thương đến cho nhân loại, thì khi đó, bạn mới thực sự hiểu được giá trị của sự chia sẻ.

Sự chia sẻ dưới bất kỳ hình thức nào cũng tốt hơn là chẳng bao giờ chia sẻ một cái gì. Đặc biệt, khi sự chia sẻ xuất phát từ tình yêu thương thật sự thì ý nghĩa của nó sẽ cao đẹp hơn rất nhiều. Người nhận cảm nhận được tình cảm chân thành, sâu sắc từ một trái tim rộng mở.

Kahlil Gibran – một nhà thơ, đồng thời cũng là nhà triết học – từng nói: “Người có trái tim rộng mở sẽ luôn bất tử trong trái tim mọi người”. Chính vì vậy, hãy cố gắng để tiếng nói từ sâu thẳm trái tim bạn trở thành ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn người khác! Hãy mở lòng với mọi người

chung quanh! Mỗi khi bạn lạc quan vui vẻ, hãy sẵn sàng bày tỏ tình cảm yêu thương, bạn sẽ tạo thêm được nhiều gương mặt tươi cười ở quanh mình. Những hơi ấm hạnh phúc sẽ tiếp tục có sức lan tỏa, khiến người khác cảm nhận được niềm hạnh phúc giản dị của cuộc sống. Và để có thể làm được như thế, đôi khi, chỉ một nụ cười của bạn cũng đủ!

Chia sẻ của cải vật chất là điều tốt. Tuy nhiên, khi chia sẻ thêm cả những giá trị tinh thần của mình, bạn sẽ tạo nên nhiều tác động sâu sắc hơn đối với người khác. Món quà vật chất chỉ có giá trị tạm thời và trước mắt. Nhưng những quà tặng tinh thần như sự quan tâm, an ủi đến những người xung quanh, hoặc đơn giản chỉ là ở bên cạnh họ mỗi khi họ cần, sẽ tạo nên tình yêu thương. Lòng tốt trong sự chia sẻ sẽ có giá trị vĩnh hằng.

Tất cả chúng ta đều có năng lực chia sẻ rất lớn. Sự chia sẻ trở nên có ý nghĩa hơn nhờ vào tình cảm chân thành của chúng ta. Chính điều này sẽ được người nhận hết sức trân trọng và cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự. Từ đó, chúng ta không những có thể chia sẻ được nhiều hơn mà còn phát hiện ra nhiều khía cạnh mới mẻ khác của cuộc sống.

Hãy chia sẻ với tấm lòng trân trọng

Con người dù ở bất kỳ địa vị xã hội nào, hoặc lứa tuổi, giới tính hay tôn giáo nào đi nữa cũng cần được tôn trọng. Một trong những cách để bạn bày tỏ lòng tôn trọng sự khác biệt giữa mình và người khác là biết chân thành lắng nghe. Qua đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn những gì người

khác đang nói và biết cách chia sẻ tốt hơn. Ngược lại, người đó sẽ cảm thấy họ được tôn trọng, được thấu hiểu và được yêu thương. Một cách nữa để chia sẻ với người khác là bạn hãy gợi mở để người đó tự suy nghĩ và lựa chọn giải pháp hành động cho riêng họ. Qua đó, họ không có cảm giác bị bạn ép buộc phải lựa chọn một giải pháp mang tính khiên cưỡng. Họ sẽ thấy rằng, bản thân họ cũng có khả năng tự giải quyết được những vấn đề riêng tư mà không làm phiền đến người khác. Sự khéo léo, tế nhị của bạn trong những trường hợp như vậy giúp họ giữ được lòng tự trọng, không cảm thấy bị tổn thương.

Trong một thế giới có quá nhiều sự khác biệt, xung đột và bất trắc như hiện nay, nhiều người luôn cảm thấy bị hụt hẫng, sợ bị công kích và lo âu đủ thứ chuyện. Các quốc gia không tin tưởng lẫn nhau, người của tôn giáo này xem thường người của tôn giáo khác. Nếu mỗi người, bằng cách riêng của mình, biết bày tỏ lòng tôn trọng những người có quốc tịch khác, có nền văn hóa khác, có niềm tin, có tôn giáo khác với mình, thì đây sẽ là món quà tuyệt vời mà nhân loại có thể dành cho nhau.

Chính việc biết đặt niềm tin vào người khác giúp mọi người cùng có cơ hội học hỏi, phát triển tương lai và quan tâm lẫn nhau. Đây cũng là cách để mọi người trong xã hội biết sống hòa hợp với nhau, cùng tồn tại trong một thế giới có nhiều nhóm sắc tộc, nhiều tư tưởng chính trị hay nhiều tôn giáo khác nhau. Thế giới có thể chung sống hòa bình khi mọi người cùng tôn trọng sự đa dạng và khác biệt. Nó giúp chúng ta nhận ra mọi ngả đường đều đưa đến chân lý, từ đó thúc đẩy lòng khoan dung, sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

Mọi cây xanh dù có hoa lá khác nhau như thế nào cũng đều có một bộ rễ bám sâu vào lòng đất, cũng như chúng ta có cùng cội nguồn, chúng ta cùng sống trên một hành tinh, cùng đối mặt với những thử thách, khó khăn của loài người. Mỗi người chúng ta có thể tin theo một tôn giáo nào đó, nhưng mọi tín ngưỡng đều dạy chúng ta bài học về sự chia sẻ, chia sẻ với tất cả tấm lòng, thời gian và của cải của mình cho người khác. Bạn chia sẻ không vì những toan tính thiệt hơn, không vì vụ lợi hay vì bất kỳ một giá trị hữu hình nào khác.

Động lực của sự chia sẻ hoàn toàn xuất phát từ lý lẽ của con tim.

Chia sẻ với lòng khiêm tốn

Không phải ai cũng biết cách chia sẻ, thậm chí ngay cả khi họ có cơ hội để thể hiện điều này. Do vậy, chúng ta đừng vội vã, mà hãy biết đón nhận cơ hội để chia sẻ bằng cả hai tay, bằng cả tấm lòng yêu thương, kính trọng và phẩm cách của mình.

Để có được lòng nhân ái và khiêm tốn, chúng ta phải rèn luyện thói quen không lên án hoặc nói xấu sau lưng người khác. Nếu bạn thật sự khiêm tốn và tôn trọng người khác, bạn sẽ biết tự kiềm chế và không phê phán họ. Bạn sẽ nhận thấy cách bạn nhận xét thế giới không phải là do bản thân thế giới như thế nào mà chính là do cách nhìn của bản thân bạn. Chúng ta rất dễ diễn giải mọi thứ trong đời theo ý muốn chủ quan của mình, vì vậy bất cứ ai cũng có thể mắc phải sai lầm.

Mọi người quanh bạn cũng đang cố gắng hết sức để làm mọi việc theo cách mà họ hiểu. Nhưng nếu ai cũng cố gắng làm theo cách đó thì cuộc sống chung của nhân loại trên hành tinh này sẽ đi về đâu? Plato từng nói: “Hãy sống tốt với nhau, vì mỗi chúng ta đều cùng sống và cùng chiến đấu trong một trận chiến rất cam go”. Do vậy, thay vì phê phán, bạn hãy giúp đỡ những người khác mỗi khi họ cần đến. Khi bạn đưa bàn tay nhân ái ra, thế giới sẽ vươn tay về phía bạn, bạn sẽ đón nhận nhiều điều tốt đẹp, bạn sẽ nhận được nhiều hơn mỗi khi bạn thật lòng giúp đỡ một ai đó.

Suy cho cùng, vũ trụ và thiên nhiên không phán xét ai cả – chúng chỉ đem lại những bài học và hậu quả cho chúng ta.

Chia sẻ một cách tự nguyện

Nếu chúng ta chia sẻ chỉ để được xã hội công nhận và mong được người khác đền đáp, thì hành động chia sẻ đó sẽ không còn ý nghĩa cao đẹp nữa. Nên nhớ rằng, bản chất của sự chia sẻ là không bao giờ tính toán thiệt hơn. Thiên nhiên đã cho chúng ta nhiều thứ hoàn toàn vô điều kiện, hoa vẫn tỏa hương, mặt trời vẫn chiếu sáng mà không cần đền đáp... Tình yêu thật sự là vô giá. Khi bạn yêu, không phải vì người đó đáng yêu hay vì người đó yêu bạn, mà đơn giản chỉ vì bạn yêu người ấy. Sự chia sẻ vô điều kiện giúp bạn nhận được nhiều phần thưởng vô hình. Sự hài lòng với cuộc sống sẽ tăng lên cùng với mức độ chia sẻ, vị tha của mỗi người.

Như nhà văn Ralph Waldo Emerson nhận xét: “Khi bạn giúp đỡ mọi người là bạn đang giúp đỡ chính mình. Đó là sự đền bù đẹp nhất mà cuộc đời đã trao tặng cho chúng ta”.

Một phần của tài liệu cho-di-la-con-mai (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)