IV. TÌNH HÌNH VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH
9. Vị thế của Công ty so với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành
9.1. Vị thế của Công ty trong ngành
Công ty Cổ phần SCI tiền thân là một đơn vị thuộc Tổng Công ty Sông Đà, được thành lập vào năm 1998 và hoạt động theo hình thức CTCP từ năm 2003. Trong quá trình hoạt động và phát triển Công ty đã đảm nhận thi công nhiều công trình công nghiệp và dân dụng trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều công trình thủy điện lớn Công ty đã tham gia thi công như: nhà máy thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Se San 4, Nậm Chiến, Pleikrong,... Nhìn chung, hoạt động thi công các công trình công nghiệp và dân dụng của Công ty đã khẳng định được vị thế và uy tín. Trong giai đoạn hiện nay và định hướng phát triển trong những năm tới, Công ty không ngừng đổi mới, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các biện pháp thi công tiên tiến và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài lĩnh vực thi công xây dựng thủy điện, vị thế và uy tín của Công ty cũng được thể hiện qua những dự án lớn trong các lĩnh vực khác mà Công ty đã ký kết như công trình dự án Đường nam Quảng Nam – tỉnh Quảng Nam, bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, đường giao thông liên xã của huyện Kế Sách – tỉnh Sóc Trăng.... Hiện nay, Công ty cũng đang đàm phán một số dự án lớn khác.
Với kinh nghiệm nhiều năm thi công xây dựng các công trình công nghiệp, cùng đội ngũ cán bộ công nhân viên tâm huyết và Ban lãnh đạo sáng suốt, Công ty tin tưởng sẽ thành công trong việc điều chỉnh định hướng hoạt động.
9.2. Triển vọng phát triển ngành
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng là điều tất yếu.
Chu kỳ kinh tế mới đang hình thành và Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. Trong đó, chi xây dựng các công trình giao thông chiếm 40% – 50% chi đầu tư xây dựng cơ bản của Chính phủ. Trong điều
kiện hiện tại của Việt Nam, tăng chi tiêu của Chính phủ dành cho đầu tư xây dựng cơ bản sẽ là điều kiện thúc đẩy tăng đầu tư xây dựng công trình giao thông, hạ tầng.
Theo quy hoạch phát triển các công trình giao thông, hạ tầng tại Việt Nam từ 2010 - 2020 và định hướng tới 2030 mà Chính phủ Việt Nam đưa ra, tổng mức đầu tư xây dựng giao thông đường bộ tại Việt Nam sẽ là 1.687.317 tỷ đồng, trung bình mỗi năm vốn đầu tư xây dựng giao thông đường bộ sẽ là 168.731 tỷ đồng.
Ngành xây dựng đường bộ được dự báo có tốc độ tăng trưởng 11% kể từ 2015 - 2023, tốc độ tăng trưởng này được dự báo dựa trên vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Chính phủ Việt Nam, và quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tại Việt Nam.
Hiện nay, số lượng các công ty tham gia ngành xây dựng công trình giao thông, hạ tầng là không nhiều gồm: Tổng Công ty xây dựng thuộc Bộ Giao thông, Công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng và các nhóm công ty thuộc quản lý cấp tỉnh. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Nhà nước cùng sự phát triển của Đất nước trong xu thế chung của toàn thế giới, ngành xây dựng công trình giao thông, hạ tầng sẽ có động lực để phát triển trong tương lai.
Thị trường điện Việt Nam hiện nay có cung nhỏ hơn cầu, dự báo mức tăng trưởng tiêu thụ điện sẽ tăng nhanh 11% - 12% /năm, cao hơn dự báo tăng trưởng sản lượng 8%/năm. Để đáp ứng mức độ tăng trưởng nhu cầu về sử dụng điện trong cả nước, các công trình thủy điện, nhiệt điện sẽ được ưu tiên phát triển và khuyến khích đầu tư theo Chiến lược phát triển Điện Việt Nam và Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia các giai đoạn của Chính phủ. Dự kiến tổng công suất tích năng của các hồ thủy điện dự kiến đạt 2.400 MW vào năm 2020 và sẽ nâng lên 5.700 MW vào năm 2030. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời cũng đang được Chính Phủ quan tâm và tạo nhiều điều kiện phát triển.
9.3. Đánh giá về sự phù hợp định hướng phát triển của Công ty với định hướng của ngành, chính sách của Nhà nước và xu thế chung trên thế giới
Với định hướng trở thành một công ty chuyên về đầu tư và xây dựng, chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam. Về đầu tư: Đầu tư các công trình năng lượng, môi trường. Về thi công: Lấy thi công hạ tầng, giao thông thủy bộ, thủy điện làm chủ lực, tạo thế phát triển bền vững. Công ty đã có những thay đổi và đưa ra những chính sách cho phù hợp với hoạt động này.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực cơ sở hạ tầng chưa phát triển tương xứng với tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế. Mặc dù trong những năm vừa qua Chính phủ đã thực hiện đầu tư rất nhiều cho hệ thống hạ tầng tại Việt Nam như việc mở rộng, xây dựng các tuyến đường quốc lộ, xây dựng hệ thống thoát nước, chống úng ngập....nhưng rõ ràng điều này vẫn chưa đủ. Hơn nữa, ngoài các đô thị lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, công trình giao thông tại các vùng khác cũng rất lớn, đặc biệt là các khu công nghiệp,... Chính vì vậy, trong tương lai, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng vẫn là lĩnh vực hứa hẹn có nhiều tiềm năng và được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Với việc điều chỉnh định hướng hoạt động, S99 tập trung tìm kiếm những công ty có ngành nghề tương đồng để đầu tư góp vốn, mua cổ phần nhằm nâng cao quy mô, năng lực và hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động thi công xây dựng trong lĩnh vực giao thông và hạ tầng theo định hướng tái cơ cấu hoạt động của Công ty.
Định hướng phát triển của S99 trong những năm tới là xây dựng được uy tín, hình ảnh thương hiệu tương xứng với tầm vóc và quy mô phát triển của Công ty trong từng giai đoạn với thương hiệu là Nhà đầu tư trong lĩnh vực Năng lượng và Nhà thầu xây dựng đẳng cấp trong lĩnh vực xây dựng thủy điện, hạ tầng giao thông thủy bộ, hạ tầng công nghiệp.
Như vậy có thể nói, định hướng S99 đưa ra là phù hợp với năng lực nội tại của Công ty, định hướng của ngành, chính sách của Nhà nước và xu thế chung của thế giới.