8.1. Khái niệm
Nghiệp vụ repo trái phiếu được sử dụng rộng rãi trong đầu tư chứng khoán nợ tại các thị trường phát triển. Giao dịch repo trở thành trung tâm đối với các hoạt động đầu tư, huy động vốn, giảm thiểu rủi ro (hedging), cũng như các chiến thuật khai thác lợi nhuận chênh lệch (abitrage) trên thị trường.
Repo hay hợp đồng bán và cam kết mua lại thực chất là việc sử dụng chứng khoán có tính thanh khoản và chất lượng tốt làm tài sản cầm cố đi vay trên thị trường. Bên đi vay (người bán) sẽ ký cam kết hợp đồng bán và cam kết mua lại chứng khoán với bên cho vay (người mua) tại mức giá nhất định. Chênh lệch giữa giá mua lại và giá bán chính là khoản lãi suất mà bên đi vay phải trả cho bên vay.
Bản chất của giao dịch repo không phải là hai giao dịch mua và bán chứng khoán mà chỉ là một giao dịch tín dụng có đảm bảo. Rủi ro biến động giá chứng khoán hoàn toàn thuộc người bán (người đi vay). Người mua nắm giữ chứng khoán với mục đích làm tài sản đảm bảo. Giao dịch này dưới góc độ người bán chứng khoán được gọi là repo. Trong khi dưới góc độ người mua thì được gọi là giao dịch mua và cam kết bán lại (reverse repo)
Repo Reverse repo
Đối tượng tham gia Bên đi vay
Bên bán chứng khoán
Bên cho vay
Bên mua chứng khoán
Giao dịch 1 Bán chứng khoán Mua chứng khoán
Giao dịch 2 Mua chứng khoán Bán chứng khoán
Nghiệp vụ repo đã giải quyết được mâu thuẫn: người có tiền muốn có chứng khoán song lại không muốn mua chúng, đồng thời bên kia có chứng khoán nhưng cần tiền mà lại không muốn bán chứng khoán. Nghiệp vụ repo giúp cho thị trường hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn.
8.2. Cơ chế hoạt động repo
Tại thời điểm bán, chứng khoán được chuyển đổi sở hữu từ bên đi vay sang bên cho vay. Tới thời điểm mua lại, chứng khoán được chuyển đổi sở hữu lại từ bên cho vay sang bên đi vay. Trong quá trình hiệu lực của hợp đồng, các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến chứng khoán repo phát sinh, sẽ thuộc về người bán. Hai bên tham gia hợp đồng có thể thuê một bên thứ ba đảm nhiệm việc quản lý giao dịch và lưu ký chứng khoán cũng như giải quyết các quyền lợi nghĩa vụ phát sinh liên quan đến chứng khoán trong quá trình repo.
Repo thường được thực hiện cho các kỳ hạn ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản tạm thời của bên bán. Kỳ hạn repo ngắn nhất là một ngày được gọi là repo qua đêm. Các kỳ hạn dài hơn được gọi là repo có kỳ hạn. Cũng có hợp đồng repo dài hạn từ 2-3 năm, repo có kỳ hạn mở.
Tỷ lệ lãi suất áp dụng đối với giao dịch repo được gọi là tỷ lệ repo. Lãi suất áp dụng đối với nghiệp vụ repo là giao dịch tín dụng có đảm bảo nên thông thường thấp hơn so với tín dụng không có đảm bảo. Do đó, repo là một cách thức huy động vốn khá hiệu quả đối với nhà đầu tư chứng khoán. Lãi suất repo
phụ thuộc vào : kỳ hạn repo, định mức tín nhiệm của bên đi vay, chất lượng chứng khoán repo, và tình hình thị trường chung tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Lãi suất repo được tính như sau:
I=F x rr x M/360
Trong đó: I: Lãi repo
F: giá trị vay theo giao dịch repo rr: tỷ lệ lãi suất repo
M: thời hạn repo
8.3. Rủi ro tín dụng của repo
Giao dịch repo là giao dịch cho vay có tài sản đảm bảo nhưng người cho vay vẫn chịu rủi ro tín dụng.
Rủi ro tín dụng phát sinh khi đáo hạn hợp đồng mà người đi vay không thể thực hiện cam kết mua lại. Trong trường hợp này, bên cho vay sẽ thực hiện xiết nợ, phát mại chứng khoán tất toán số tiền cho vay. Tuy nhiên nếu giá trị chứng khoán giảm mạnh trong quá trình repo thì bên cho vay vẫn có thể chịu tổn thất tín dụng.
Biện pháp an toàn nhằm giảm rủi ro tín dụng đối với repo:
- Yêu cầu tỉ lệ an toàn cao: Bên cho vay sẽ chỉ cho vay thấp hơn giá thị trường của khoản vay. Phần chiết khấu giá trị chứng khoán đảm bảo được gọi là biên độ an toàn nhằm tạo ra vùng đệm cho bên cho vay. Tỷ lệ chiết khấu đối với trái phiếu chính phủ rất thấp (khoảng 1%-2%). Tỷ lệ này đối với trái phiếu doanh nghiệp sẽ cao hơn, đặc biệt là các loại trái phiếu hình thành từ nghiệp vụ chứng khoán hoá các danh mục cho vay bất động sản.
Ví dụ nếu tỉ lệ chiết khấu là 5%, bạn thực hiện giao dịch repo bằng cách bán trái phiếu có giá thị trường là $100, bạn chỉ nhận đựơc $95 tiền mặt.
- Yêu cầu thêm tài sản đảm bảo: thực hiện đánh giá lại TSĐB theo giá thị trường trên cơ sở hàng ngày. Trong trường hợp hạn mức cho vay dựa trên giá trị TSĐB thấy hơn giá trị khoản vay hiện tại thì sẽ yêu cầu bên đi vay cung cấp thêm tài sản đảm bảo.
- Giảm hạn mức cho vay: thực hiện đánh giá lại hạn mức cho vay dựa trên giá trị TSĐB. Nếu giá trị khoản vay hiện tại vượt quá hạn mức cho vay được tính toán lại thì khách hàng phải hoàn trả một phần khoản vay để đưa rủi ro về trong hạn mức mới.
8.4. Ví dụ về nghiệp vụ repo trái phiếu
1. Nhà đầu tư X sử dụng 2 triệu USD trái phiếu có mức tín nhiệm cao làm TSĐB cho một hợp đồng repo với nhà kinh doanh Y để có thể vay một khoản tiền là 2 triệu USD và cam kết mua lại 2 triệu mệnh giá trái phiếu này sau 3 tháng nữa với mức giá cao hơn 2 triệu. Nếu NĐT X không thể mua lại trái phiếu trên, nhà kinh doanh Y có thể giữ lại TSĐB. Trong trường hợp, lãi suất thị trường trái phiếu tăng cao sau khi giao dịch repo được kí kết, giá trị thị trường của trái phiếu giảm, nhà kinh doanh Y sở hữu trái phiếu với giá thị trường thấp hơn số tiền đã cho NĐT X vay. Rủi ro thuộc về nhà kinh doanh Y. Ngược lại, nếu giá thị trường của trái phiếu tăng lên, NĐT X sẽ lo lắng việc thu lại TSĐB
và mức lãi suất phải trả cho nhà kinh doanh Y (thông qua mức giá mua lại cao hơn giá bán ban đầu), khi đó trái phiếu đã có giá thị trường cao hơn khoản vay. Rủi ro thuộc về NĐT X.
2. Ngày 16/3/2020, chi nhánh FED tại Newyork tuyên bố sẽ tiến hành bơm thêm 500tỷ USD vào thị trường repo qua đêm nhằm giúp đồng tiền tiếp tục luân chuyển trong hệ thống, tăng tính thanh khoản cho thị trường cho vay ngắn hạn sau khi lãi suất giảm mạnh. FED cho các ngân hàng vay tiền bằng cách sử dụng trái phiếu làm TS thế chấp. Thông thường khoản vay này diễn ra trong thời gian rất ngắn hoặc qua đêm. Các ngân hàng sẽ cam kết mua lại trái phiếu từ FED với một mức giá nhất định vào một ngày cụ thể trong tương lai.