TỔ HỢP TÁC 1 Khái niệm tổ hợp tác

Một phần của tài liệu Bài giảng Quan hệ pháp luật dân sự (Trang 34 - 37)

1. Khái niệm tổ hợp tác

Theo Điều 111 BLDS , tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của uỷ ban nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ pháp luật dân sự.

Nội dung chủ yếu của hợp đồng hợp tác được quy định tại khoản 2 Điều 111 BLDS bao gồm: Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác; họ, tên, nơi cư trú của tổ trưởng và các tổ viên; mức đóng góp tài sản, nếu có; phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ trưởng, của các tổ viên; điều kiện nhận tổ viên mới và ra khỏi tổ hợp tác; điều kiện chấm dứt tổ hợp tác và các thoả thuận khác (nếu có)

Theo quy định này, không phải bất cứ sự liên kết nào cũng có thể hình thành tổ hợp tác mà chỉ những liên kết do ít nhất ba cá nhân trở lên dựa trên cơ sở hợp đồng được kí kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng có chứng thực của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Thông qua việc chứng thực, uỷ ban nhân dân cấp cơ sở kiểm tra tính hợp pháp của mục đích hoạt động, sự tự nguyện của các thành viên và các yếu tố khác (tài sản, mức góp vốn, cách thức phân chia hoa lợi, lợi tức...). Pháp luật chỉ quy định tư cách tổ viên là người từ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự mà không quy định bất cứ một sự hạn chế nào khác về tư cách tổ viên. Bởi vậy, tổ hợp tác có thể được hình thành từ các tổ viên có nơi cư trú khác nhau, mức đóng góp từ tài sản khác nhau và sự phân chia hoa lợi, lợi tức khác nhau. Trong trường hợp các thành viên tổ hợp tác có nơi cư trú khác nhau thì uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi các hoạt động chính là của tổ hợp tác diễn ra là nơi có thẩm quyền chứng thực hợp đồng hợp tác và mặc nhiên được coi là nơi đăng kí hoạt động của tổ hợp tác. Số lượng thành viên tổ hợp tác có thể thay đổi trong quá trình hoạt động của tổ hợp tác nhưng tối thiểu phải có ba cá nhân tham gia, việc thay đổi thành viên tổ hợp tác thông qua việc kết nạp tổ viên mới và ra khỏi tổ hợp tác. Tổ hợp tác có thể nhận thêm thành viên mới khi được đa số các thành viên đồng ý, nếu không có thoả thuận khác được ghi trong hợp đồng hợp tác ban đầu đã được chứng thực. Thành viên mới phải chấp thuận các điều kiện đã ghi trong hợp đồng hợp tác. Tuy nhiên, nếu tất cả các tổ viên cũ đều chấp nhận yêu cầu về thay đổi nội dung hợp đồng do tổ viên mới đưa ra thì hợp đồng hợp tác mới phải được chứng thực lại. Việc ra khỏi tổ hợp tác chỉ được thực hiện theo các điều kiện này là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng hợp tác mà các bên phải thoả thuận.

Khi ra khỏi tổ hợp tác, tổ viên có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã góp khi hình thành tổ, được chia phần trong khối tài sản chung và phải chịu trách nhiệm thanh toán các nghĩa vụ tương ứng với tài sản mà họ đã nhận. Trong trường hợp việc phân chia tài sản cho thành viên ra khỏi tổ hợp tác mà ảnh hưởng đến việc tiếp tục hoạt động bình thường của tổ thì tài sản sẽ được thanh toán bằng tiền, tổ viên ra khỏi tổ hợp tác sẽ được nhận tiền

tương ứng với phần tài sản đó.

2. Năng lực chủ thể của tổ hợp tác

Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác để thực hiện "những công việc nhất định". Bởi vậy, "những công việc nhất định" là phạm vi hoạt động và là giới hạn của năng lực chủ thể của tổ hợp tác. Pháp luật không quy định "những công việc nhất định" là gì cho từng tổ hợp tác riêng biệt cho nên trong hợp đồng hợp tác phải ghi rõ những công việc đó là sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ... Tuy nhiên, những "công việc" đó phải là những "công việc" hợp pháp, phù hợp với pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Việc chứng thực của uỷ ban nhân dân cấp cơ sở là xác nhận sự tồn tại của tổ hợp tác với tư cách chủ thể qua đó kiểm tra tính hợp pháp của "công việc" mà tổ hợp tác dự định thực hiện. Uỷ ban nhân dân cấp cơ sở có quyền từ chối chứng thực nếu công việc mà tổ hợp tác dự định thực hiện không hợp pháp, trái với đạo đức xã hội. Trong trường hợp này không thể hình thành tổ hợp tác. Việc thay đổi công việc, thêm công việc mà tổ hợp tác dự định thực hiện cũng phải được ghi nhận trong hợp đồng hợp tác và phải được xác nhận lại của uỷ ban nhân dân cấp cơ sở.

Năng lực chủ thể của tổ hợp tác là năng lực chuyên biệt - chỉ được thực hiện những công việc đã được ghi nhận trong hợp đồng hợp tác. Việc giao kết hợp đồng hợp tác phải tuân thủ các quy định chung về giao dịch dân sự và hợp đồng dân sự, các tổ viên tổ hợp tác chính là các bên tham gia trong hợp đồng hợp tác. Họ có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng đó, phải thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng dân sự, đồng thời phải chịu trách nhiệm dân sự nếu họ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng, nếu gây thiệt hại phải bồi thường cho tổ hợp tác.

Năng lực chủ thể của tổ hợp tác phát sinh đồng thời với việc thành lập và chấm dứt khi chấm dứt sự tồn tại của tổ hợp tác với tư cách là một chủ thể. Thời điểm thành lập tổ hợp tác là thời điểm uỷ ban nhân dân cơ sở chứng nhận hợp đồng hợp tác. Kể từ thời điểm này tổ hợp tác tồn tại như một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Những căn cứ làm chấm dứt tổ hợp tác được quy định tại Điều 120 BLDS (hết thời hạn hợp đồng, mục đích hợp tác đã đạt được, các tổ viên thoả thuận chấm dứt tổ hợp tác). Việc chấm dứt tổ hợp tác phải được báo cáo cho uỷ ban nhân dân cấp cơ sở nơi đã chứng nhận hợp đồng hợp tác. Khi chấm dứt, tổ hợp tác phải thanh toán các khoản nợ bằng tài sản chung của tổ, nếu không đủ phải dùng các tài sản riêng của tổ viên để thanh toán.

3. Tài sản của tổ hợp tác

Tài sản của tổ hợp tác là điều kiện vật chất để tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã đăng kí hoạt động và chịu trách nhiệm dân sự. Tài sản của tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở các tổ viên đóng góp, cùng tạo lập và được tặng cho chung. Các tổ viên quản lí và sử dụng tài sản của tổ hợp tác theo phương thức thoả thuận. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất của tổ hợp tác phải được toàn thể tổ viên đồng ý; đối với các loại tài sản khác phải được đa số tổ viên đồng ý.

Các tổ viên có quyền tham gia quyết định các vấn đề có liên quan đến hoạt động của tổ hợp tác, thực hiện việc kiểm tra hoạt động của tổ hợp tác. Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác theo thoả thuận. Thực hiện sự hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, giúp đỡ lẫn nhau và bảo đảm lợi ích chung của tổ hợp tác; bồi thường thiệt hại cho tổ hợp tác do lỗi của mình gây ra.

4. Hoạt động và trách nhiệm của tổ hợp tác

a. Hoạt động của tổ hợp tác

Tổ hợp tác hoạt động thông qua đại diện của tổ. Đại diện của tổ là tổ trưởng do các tổ viên bầu ra. BLDS không quy định hoạt động bên trong của tổ hợp tác như cách thức bầu đại diện, thành phần tổ viên tham dự họp và số phiếu cần thiết... Nhưng theo tinh thần chung về tổ chức, các nguyên tắc chung của BLDS thì tổ trưởng phải do phiên họp của tất cả các tổ viên và phải được các tổ viên đồng ý, tổ trưởng đầu tiên có thể ghi ngay vào hợp đồng hợp tác. Việc thay đổi tổ trưởng cũng có thể diễn ra trong quá trình hoạt động của tổ hợp tác dưới hình thức bầu lại tổ trưởng.

Tổ trưởng có thể uỷ quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ. Việc uỷ quyền cho tổ viên phải tuân thủ các quy định chung về uỷ quyền được ghi nhận tại Chương V - Phần thứ nhất BLDS về nội dung cũng như hình thức uỷ quyền.

Người đại diện tổ hợp tác, nhân danh tổ xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của tổ, trong phạm vi những công việc đã được ghi nhận trong hợp đồng hợp tác làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của cả tổ. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 114 BLDS còn quy định thêm: "Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất của tổ hợp tác phải được toàn thể tổ viên đồng ý; đối với các loại tài sản khác phải được đa số tổ viên đồng ý" thì hành vi của người đại diện mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho cả tổ.

Quy định này có thể được hiểu theo hai nghĩa sau: Thứ nhất: Mỗi một giao dịch định đoạt tài sản mà người đại diện xác lập hay thực hiện đều phải có sự đồng ý của toàn thể hay đa số tổ viên. Việc đồng ý phải được thể hiện trước hoặc sau khi giao dịch đó đã xác lập. Thứ hai: Người đại diện của tổ được mặc nhiên suy đoán là đã được các tổ viên đồng ý khi xác lập, thực hiện các giao dịch vì mục đích hoạt động của tổ.

Xét theo ngữ pháp thì khoản 3 Điều 114 BLDS năm 2005 thể hiện cách hiểu thứ nhất. Nếu như vậy thì khó có thể tưởng tượng được việc hoạt động bình thường của tổ hợp tác trong điều kiện kinh tế thị trường, bởi việc quyết định của tổ trưởng không phải lúc nào cũng có thể được sự đồng ý của toàn thể hay đa số các tổ viên và việc đồng ý này bên đối tác khó có thể biết được. Nếu một giao dịch mang lợi ích cho tổ mà các tổ viên không chấp nhận sẽ dẫn đến giao dịch mà người đại diện xác lập, thực hiện bị coi là vô hiệu.

Theo các quy tắc chung về chủ thể, cũng như về đại diện theo pháp luật thì tổ trưởng là người đại diện cho tổ (khoản 6 Điều 141; khoản 1 Điều 144 BLDS) họ có quyền thực hiện các giao dịch mà không cần sự đồng ý của đa số các thành viên, miễn là những giao dịch đó phù hợp với công việc của tổ và vì lợi ích của tổ. Những giao dịch đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của cả tổ.

Tuy nhiên, việc định đoạt tài sản của tổ hợp tác phải được toàn thể tổ viên đồng ý (nếu là tư liệu sản xuất) và đa số đồng ý (nếu là các tài sản khác). Đối với các loại giao dịch làm giảm tài sản của tổ thì người đại diện phải tuân thủ các quy định trên nhằm tránh sự lạm quyền của tổ trưởng trong việc thực hiện vai trò của mình. Pháp luật không chỉ rõ quy định "đa số" gì? Đa số thường hay đa số tuyệt đối? Nhưng theo các nguyên tắc chung thì chỉ cần đa số thường (50% + 1) và việc đồng ý phải được xác định trước khi người đại diện thực hiện việc định đoạt đó.

Với tư cách là chủ thể của quan hệ dân sự, tổ hợp tác có các quyền và nghĩa vụ dân sự đồng thời phải chịu trách nhiệm do không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ. Hành vi của người đại diện tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho tổ hợp tác thì cũng có thể tạo ra nghĩa vụ cho tổ hợp tác nếu các hành vi đó thực hiện nhân danh tổ hợp tác.

Tổ hợp tác chịu trách nhiệm bằng tài sản chung của tổ. Nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đã đóng góp bằng tài sản riêng của họ. Như vậy, trách nhiệm tài sản của tổ hợp tác là trách nhiệm vô hạn. Việc thực hiện nghĩa vụ của những tổ viên phải tuân thủ cách thức thực hiện nghĩa vụ liên đới được quy định tại Điều 298 BLDS. Sự liên đới có phân chia thành phần tương ứng với phần vốn mà tổ viên đã đóng góp vào tài sản chung của tổ nhưng sự phân chia này không làm mất tính liên đới của nghĩa vụ. Trong trường hợp một tổ viên không thực hiện nghĩa vụ, người có quyền có thể yêu cầu các tổ viên khác phải thực hiện. Nếu một tổ viên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, họ chỉ có quyền yêu cầu các tổ viên khác thực hiện nghĩa vụ theo phần đối với họ.

Tài sản của tổ hợp tác được hình thành từ việc đóng góp của các tổ viên (mức đóng góp, cách thức đóng góp được ghi nhận trong hợp đồng hợp tác), tài sản được tặng, cho chung. Ngoài ra các tổ viên có thể thoả thuận trích một phần hoa lợi, lợi tức của tổ làm tài sản chung. Việc quản lí, sử dụng tài sản chung của tổ do các tổ viên thoả thuận trong hợp đồng hợp tác.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quan hệ pháp luật dân sự (Trang 34 - 37)