Pháp nhân là một thực thể xã hội, là chủ thể quan hệ pháp luật được thành lập và duy trì sự hoạt động phục vụ lợi ích của các thành viên pháp nhân phù hợp với lợi ích xã hội. Bởi vậy, việc thành lập pháp nhân phải tuân thủ các thủ tục, theo trình tự do các văn bản pháp luật quy định. Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định trình tự thành lập và giải thể các pháp nhân tuỳ theo loại hình pháp nhân với mục đích và nhiệm vụ của nó (Luật doanh nghiệp; Luật hợp tác xã).
Thủ tục thành lập pháp nhân do các văn bản pháp luật quy định. Trong luật dân sự người ta phân biệt việc thành lập pháp nhân theo trình tự - cách thức một pháp nhân được hình thành.
a. Trình tự mệnh lệnh
Đây là trình tự thành lập pháp nhân theo quyết định đơn hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Thủ tướng chính phủ; bộ trưởng; chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Những người này có thể ủy quyền cho cơ quan cấp dưới của mình thành lập pháp nhân). Căn cứ vào nhu cầu thực tế, vào khả năng thực tại, các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập pháp nhân. Trong quyết định thành lập có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của pháp nhân, lĩnh vực hoạt động của pháp nhân. Trình tự này thường được áp dụng để thành lập các cơ quan của Nhà nước.
b. Trình tự cho phép
Theo trình tự này, pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của các sáng lập viên, hội viên hoặc của các tổ chức. Họ tự đề ra mục đích, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thành viên... Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tính hợp pháp của điều lệ, sự cần thiết tồn tại của tổ chức đó và cho phép thành lập. Trình tự này thường được áp dụng để thành lập các pháp nhân là các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các quỹ từ thiện.ngoài ra các tổ chức này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận điều lệ.
c. Trình tự công nhận
Pháp luật đã dự liệu việc thành lập các pháp nhân bằng cách quy định về khả năng tồn tại của nó thông qua các văn bản pháp luật hoặc các điều lệ, quy chế mẫu, quy định điều kiện thành lập... Trong đó, đã xác định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của các tổ chức đó, cơ quan điều hành cũng như điều kiện của thành viên... Trên cơ sở các văn bản mẫu đó, cá nhân hay tổ chức đưa ra sáng kiến thành lập. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tính hợp pháp theo trình tự, thủ tục đã quy định, trên cơ sở đó ra quyết định thành lập. Trình tự này được áp dụng để thành lập các hợp tác xã, các công ti cổ phần, công ti trách nhiệm hữu hạn. Các doanh nghiệp phải có điều lệ riêng được xây dựng trên cơ sở điều lệ mẫu do Nhà nước ban hành. Điều lệ của doanh nghiệp được cơ quan nhà nước công nhận và doanh nghiệp phải đăng kí kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền của nhà nước.
2. Chấm dứt pháp nhân
Là chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức với tư cách là chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật mà trước đó tổ chức đó tham gia với tư cách pháp nhân. Các căn cứ làm chấm dứt pháp nhân được quy định tại Điều 99 BLDS, tư cách chủ thể của pháp nhân bị chấm dứt từ thời điểm xoá tên trong sổ đăng kí hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Pháp nhân chấm dứt được thực hiện dưới hai hình thức: Giải thể và cải tổ pháp nhân.
a. Giải thể pháp nhân
Các căn cứ giải thể pháp nhân được quy định tại Điều 98 BLDS. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập pháp nhân thì có thẩm quyền quyết định giải thể pháp nhân đó. Khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản của mình.
Nguyên nhân dẫn đến việc giải thể pháp nhân có thể là: Đã thực hiện xong nhiệm vụ; đạt được mục đích khi thành lập pháp nhân đó đặt ra; hoạt động của pháp nhân trái với mục đích khi thành lập gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội, vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc sự tồn tại của pháp nhân không cần thiết nữa; khi thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ đã hết...
Tuyên bố phá sản doanh nghiệp - Tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phá sản là một hình thức "giải thể" đặc biệt đối với các pháp nhân là doanh nghiệp, nhằm giải quyết tình trạng làm ăn thua lỗ đến mức không có khả năng thanh toán nợ đến hạn (Luật phá sản doanh nghiệp) của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị phá sản chấm dứt sự tồn tại, như pháp nhân bị giải thể.
b. Cải tổ pháp nhân
Cải tổ pháp nhân là một hình thức chấm dứt pháp nhân thông qua việc tổ chức lại pháp nhân đó. Việc cải tổ pháp nhân có thể được thực hiện dưới các hình thức sau:
+ Các pháp nhân cùng loại có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hợp nhất pháp nhân (theo công thức A + B = C): Hai hay nhiều pháp nhân liên kết lại thành pháp nhân hoàn toàn mới, các pháp nhân ban đầu (A, B...) chấm dứt sự tồn tại. Quyền và nghĩa vụ của các pháp nhân ban đầu được chuyển giao cho pháp nhân mới (C). Việc hợp nhất pháp nhân phải được tiến hành như việc thành lập pháp nhân.
+ Một pháp nhân có thể được sáp nhập vào một pháp nhân khác cùng loại theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sáp nhập pháp nhân thực hiện theo công thức A + B = A hoặc A + B = B. Pháp nhân được sáp nhập chấm dứt sự tồn tại, quyền và nghĩa vụ của nó được chuyển cho pháp nhân sáp nhập.
+ Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chia nhỏ pháp nhân (theo công thức A: 2 = B, C): Trên cơ sở pháp nhân ban đầu, hai hay nhiều pháp nhân được hình thành như những chủ thể độc lập của quan hệ dân sự. Quyền và nghĩa vụ của pháp nhân ban đầu được phân chia cho các pháp nhân mới hình thành.
+ Một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tách pháp nhân (theo công thức A = A + B): một pháp nhân mới hình thành bằng cách tách một phần của pháp nhân đang tồn tại và nó vẫn tồn tại và hoạt động như khi chưa được tách. Pháp nhân A có năng lực chủ thể như cũ. Pháp nhân B có năng lực chủ thể hoàn toàn mới không phụ thuộc vào pháp nhân A thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động của các pháp nhân đó.
Cải tổ pháp nhân về bản chất là sự kế quyền tổng hợp giữa pháp nhân mới hình thành và pháp nhân ban đầu. Cải tổ khác giải thể ở chỗ giải thể chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân như là một chủ thể, các quyền và nghĩa vụ của nó chấm dứt thông qua việc thanh lí tài sản và không còn chủ thể kế tục quyền và nghĩa vụ của chúng. Cải tổ cũng chấm dứt sự hoạt động của pháp nhân nhưng quyền và nghĩa vụ của nó được chuyển cho pháp nhân mới.
Giải thể kèm theo sự huỷ bỏ toàn bộ cơ cấu, tổ chức của pháp nhân. Cải tổ chỉ là việc sắp xếp lại tổ chức của pháp nhân, thực chất là chuyển cơ cấu tổ chức cho pháp nhân mới hoặc giảm cơ cấu tổ chức của pháp nhân.