4. Các ứng dụng của vật liệu bán dẫn CdS và vật liệu nano bán dẫn từ
2.2.4. Quang huỳnh quang
Cũng như phương pháp hấp thụ quang, phương pháp quang huỳnh quang rất hiệu quả để nghiên cứu tính chất quang của các NC bán dẫn. Phổ PL cung cấp thông tin về chuyển dời quang trong các NC bán dẫn, về các đặc trưng phát xạ của chúng như vị trí năng lượng của đỉnh phát xạ, độ rộng bán phổ (FWHM) và cường độ phát xạ. Qua đó có thể đánh giá về màu phát xạ, độ đơn sắc, phân bố kích thước hạt, và khi kết hợp với phép đo hấp thụ quang có thể đánh giá hiệu suất phát xạ của NC. Ngoài ra, khi khảo sát phổ PL theo nhiệt độ còn có thể khai thác các thông tin bổ sung về quá trình tán xạ hạt tải đối với các phonon âm học, phonon quang học và các sai hỏng mạng, cũng như khai thác thông tin về các quá trình vi mô xảy ra tại bề mặt tiếp giáp trong các cấu trúc nano dị chất. Trong mối liên hệ với công nghệ chế tạo, từ các phổ hấp thụ và PL có thể đánh giá ảnh hưởng của điều kiện chế tạo lên chất lượng của NC và các tính chất quang của chúng.
Trong luận văn này phổ PL của NC CdS và CdS:Mn được đo trên thiết bị FLS1000, Edingburgh thuộc viện Khoa học công nghệ, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên. Phổ kế huỳnh quang này sử dụng nguồn sáng kích thích là đèn Xe phát ánh sáng liên tục trong khoảng bước sóng từ 200 nm đến 1100 nm và có công suất 450 W. Hình 2.6 trình bày cấu hình chi tiết của máy phổ kế huỳnh quang FLS1000 mà chúng tôi đã sử dụng trong luận văn này. Dựa trên hình dạng phổ PL, vị trí đỉnh, xu hướng dịch, độ rộng bán phổ và cường độ đỉnh PL để phân tích mối liên hệ giữa tính chất quang của các NC với các điều kiện chế tạo.
Hình 2.6. Cấu hình chi tiết của máy phổ kế huỳnh quang FLS1000.