VỀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA BỆNH NHÂN 1 Sự phân bố bệnh Gút theo tuổi và giớ

Một phần của tài liệu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh gout (Trang 33 - 35)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.1.VỀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA BỆNH NHÂN 1 Sự phân bố bệnh Gút theo tuổi và giớ

4.1.1. Sự phân bố bệnh Gút theo tuổi và giới

Bệnh Gút thường gặp ở độ tuổi ≥ 30 tuổi chiếm tỷ lệ 97.14 %.

Trong đó, độ tuổi thường gặp nhất là trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ 51.43 %. Độ tuổi từ 30 – 59 tuổi chiếm tỷ lệ 45.72 %.

Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả trong nước như Trần Ngọc Ân [2], Tạ Diệu Yên và cộng sự, Bs Đinh Minh Tân và cộng sự [24] với lứa tuổi hay gặp là 60 – 79 tuổi và tương đối phù hợp với kết quả nghiên cứu của Ths.Bs. Phan Hữu Chính ( Bệnh Viện Tỉnh Khánh Hòa) với lứa tuổi thường gặp là từ 41 - 60 tuổi (55 %) [8].

Kết quả của chúng tôi cũng khá phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài Harris, Siegel và Alloway : bệnh thường gặp ở lứa tuổi 30 – 50 tuổi [32]. Theo NHANES III 1988 – 94 bệnh Gút gặp nhiều ở lứa tuổi > 30 tuổi, đặc biệt nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất [27].

Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Larbre thì bệnh Gút không gặp trường hợp nào trước tuổi dậy thì. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng vậy. Điều này có thể được giải thích như sau: từ khi tăng acid uric máu đến khi khởi phát cơn Gút đầu tiên thường trải qua một thời gian dài (20 – 30 năm), do vậy hiếm gặp ở lứa tuổi dậy thì cũng là điều dễ hiểu. Thế nên lứa tuổi khởi phát bệnh thường là từ 30 tuổi trở lên vì lứa tuổi này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Điều kiện kinh tế xã hội, sự chuyển biến trong cơ thể rõ ràng hơn, dưới ảnh hưởng của một số yếu tố theo thời gian làm cơ thể dễ mắc bệnh hơn như đời sống đầy đủ hơn, hoạt động chân tay ít hơn...[15].

Tuổi trung bình mắc bệnh của 2 giới là 56 ± 16.49, cũng phù hợp với một số nghiên cứu khác [1], [8], [9], [10], [26].

Kết quả ở bảng 3.1 cũng cho thấy bệnh đa số gặp ở nam giới với tỷ lệ 91.43 %. Kết quả trên phù hợp với kết quả của các tác giả trong nước nêu trên : Trần Ngọc Ân, Tạ Diệu Yên, Đoàn Thị Huyền Trân, Phan Hữu Chính [1], [8], [9], [10], [36].

Sự chênh nhau về tỷ lệ giữa nam và nữ có thể được giải thích là do sự khác biệt về lối sống, chế độ ăn uống ( nam thường uống nhiều rượu bia) và có thể do vấn đề di truyền ( liên quan đến bất thường các enzyme).

Theo kết quả của James Witter tỷ lệ nam/nữ mắc bệnh ở Mỹ là 6/1, sau 60 tuổi nam nữ mắc bệnh ngang nhau [43]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ nam/nữ là 10/1, trên 60 tuổi không có trường hợp nữ nào mắc bệnh. Sự khác biệt về tỷ lệ nam/nữ của chúng tôi không có ý nghĩa thống kê với p > 0.05. Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi có 2 trường hợp ngoại lệ là nữ mắc bệnh trước tuổi mãn kinh, cả 2 trường hợp đều mắc bệnh hệ thống có lẽ do yếu tố di truyền và Gút là hậu quả của sau nhiều năm mắc bệnh hệ thống. Có thể chính 2 trường hợp ngoại lệ này đã làm cho sự khác biệt giữa tỷ lệ nam và nữ không có ý nghĩa thống kê, và không phù hợp với một số nghiên cứu khác [2], [8], [38].

Một phần của tài liệu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh gout (Trang 33 - 35)