Sách Lễ Ký thiên Nhạc Ký viết rằng: “Nhân sinh nhi tĩnh, thiên chi tính giã. Cảm ư vật nhi động, tính chi dục giã. Vật chí chi chi, nhiên hậu hiếu ố hình yên. Hiếu ố vô tiết ư nội, chi dụ ư ngoại, bất năng phản cung thiên lý diệt hỹ: Người ta sinh ra vốn tĩnh, đó là tính trời. Cảm với vật ở ngoài mà động là
cái muốn của tính. Vật đến thì cái biết của mình biết, nhiên hậu cái hiếu, cái ố, mới hình ra. Cái hiếu, cái ố mà không có tiết chế ở trong, cái biết của mình bị ngoại vật dẫn dụ cứ thế mà không nghĩ lại, thì thiên lý tiêu diệt vậy”. Như vậy, theo Khổng Tử thì con người cảm thụ cái tính của trời, cái tính ấy cảm xúc với ngoại vật mà động, tính động thành ra tình. Tình thì ai cũng có nhưng nếu không có cái gì để tiết chế thì sẽ bị ngoại vật làm cho đến mất cái thiên tính ấy đi, bởi vậy Khổng Tử nói: “Phù lễ, tiên vương dĩ thừa thiên chi đạo, dĩ trị nhân chi tình: lễ là tiên vương tuân theo cái đạo của Trời để trị cái tình của người” [Lễ ký: Lễ vận, IX].
Khổng giáo vốn lấy tình cảm làm trọng nhưng cái tình cảm của con người mà không được hạn chế thì thành hư hỏng. Khổng Tử nói: “Trung nhân chi tình hữu dư tắc sỉ, bất túc tắc kiện, vô cấm tắc dâm, vô độ tắc thất, túng dục tắc bại. Cố cẩm thực hữu lượng, y phục hữu tiết, cung thất hữu độ, xúc tụ hữu số, xa khí hữu hạn, dĩ phòng loạn chi nguyên dã: cái thường tình của hạng người trung nhân hễ có thừa thì xa sỉ, không đủ thì sẻn, không ngăn cấm thì dâm đãng, không theo tiết độ thì sai lầm, buông thả lòng dục thì hư hỏng. Cho nên ẩm thực phải có hạn lượng, y phục phải có tiết chế, cửa nhà phải có pháp độ, súc tụ phải có số thường, xe cộ và đồ dùng phải có ngữ, có hạn, là để giữ phòng cái nguồn loạn vậy” [Khổng Tử tập ngữ: Tề hầu vấn, XIII]. Vì vậy, mới theo thường tình của người ta mà đặt ra văn vẻ để giữ cho người ta khỏi làm bậy: “Lễ giả, nhân nhân chi tình nhi vi chi tiết văn, dĩ vi dân phường giả dã: Lễ là nhân cái thường tình của người ta mà đặt ra tiết độ, văn vẻ, để làm cái ngăn giữ cho dân” [Lễ ký: Phường ký, XXX]. Nhưng cái tình của người ta thường ẩn khuất trong bụng không sao biết được, chỉ có dùng lễ thì mới ngăn giữ được mà thôi: “Ẩm thực, nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên, tử vong, bần khổ, nhân chi đại ố tồn yên. Cố dục ố giả, tâm chi đại đoan giã, nhân tàng kỳ tâm, bất khả chắc đạt giã, mỹ át giai tại kỳ tâm, bất kiến kỳ sắc giã. Dục nhất dĩ cùng chi, xả lễ hà dĩ tai: cái đại dục của người ta là ở việc ăn uống trai gái,
bao giờ cũng có, cái đại ố của người ta là ở sự chết mất, nghèo khổ, bao giờ cũng có. Cho nên dục, ố, là cái mối lớn của tâm vậy, người ta dấu kín cái tâm không thể dò xét được, cái hay cái dở đều ở trong tâm, không hiển hiện ra ngoài. Nếu muốn tóm lại làm một để biết cho cùng mà bỏ lễ thì lấy gì mà biết được” [Lễ ký: Lễ vận, IX]. Các đế vương đời trước sở dĩ trị được thiên hạ là vì hiểu rõ cái tình của người cho nên mới đặt ra lễ và nghĩa để phân biệt cái lợi, cái hại, để trị thất tình là hỉ, lộ, ai, cụ, ái, ố, dục, sửa thập nghĩa là phụ từ, tử hiếu, huynh lượng, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thinh, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung, giảng điều tin, sửa sự hòa thuận, chuộng sự từ nhượng, bỏ sự tranh cướp [Lễ vận, IX].
Có thể nói rằng cái sự giáo hóa Lễ của Khổng Tử rất sâu sắc. Trong Lễ ký đã viết “Lễ chi giáo hóa giã vi, kỳ chỉ tà giả ư vị hình, sử nhân nhật tỷ thiện, viễn tộ, nhi bất tự tri giã: sự giáo hóa của lễ rất cơ màu, khăn cấm điều bậy ngay lúc chưa hình ra khiến người ta ngày ngày đến gần điều thiện tránh xa điều tội mà tự mình không biết”. Cũng chính vì thế cho nên các thánh nhân ngày trước rất chuộng Lễ: Phù lễ cấm loạn chi sở do sinh, do phương chỉ thủy chi tự lai dã: Lễ là cấm sự loạn sinh ra, như đường đê giữ cho nước không đến vậy” [Lễ ký: Kinh giải, XXVI]. Lễ của Khổng Tử dạy cho người ta, người giàu sang mà biết lễ mà không dâm tà, không kiêu căng, người bần tiện biết lễ thì không nản trí, không làm điều bậy bạ. Người làm vua làm chúa biết trị nước thì mới yên dân. “Lễ chi ư chính quốc giã, do hành chi ư khinh trọng giã, thằng mặc chi ư khúc trực giã, qui củ chi ư phương viên giã: Lễ đối với việc sửa nước cũng như cái cân với việc nặng nhẹ, cái dây với vật thẳng vật cong, cái qui cái củ với vật tròn vật vuông vậy” [Lễ ký, kinh giải XXVI].
Kết luận chương 1
Lễ là một trong những phạm trù đạo đức có ý nghĩa rất phổ biến trong
đời sống văn hóa tinh thần của người Trung Quốc; và cũng là một trong năm đức cơ bản nhất của con người trong thuyết “ngũ thường” của Nho gia là
nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Lễ là phạm trù xã hội tổng hợp, bao gồm những nghi thức trong tế lễ,
những nguyên tắc về tổ chức và hành động chính trị, những chuẩn mực về tư tưởng và hành vi của con người nhằm bảo đảm trật tự và sự yên bình của xã hội phong kiến Tông pháp Trung Quốc đương thời.
Lễ còn được coi là đường lối chính trị gọi là “Lễ trị” xã hội có trật tự
được xem là xã hội có lễ, con người có đạo đức được đánh giá là con người có lễ: Hiểu lễ là điều kiện để hiểu được thực chất các phạm trù và các khái niệm khác của học thuyết Khổng Tử.
Do tính chất quan trọng của lễ và do nội dung mở của khái niệm này, nên các nhà nho về sau còn tiếp tục khai thác và bàn luận, còn xây dựng cho nó những nội dung mới. Thời Chiến quốc Tiểu Đới có cuốn “Lễ ký”: Tuân Tử có cuốn “Lễ luận” Thời Tống Lý Cấu có cuốn “Lễ luận”. Thời Thanh Tuệ sỹ kỳ có sách “Lễ thuyết”. Trên cơ sở đó người ta lập ra các tác phẩm “Lễ ký tập truyện”, “Lễ ký tập giải”.v.v… Từ đó còn có thể thấy rằng: hiểu phạm trù lễ
không những là để hiểu được một nội dung cơ bản của học thuyết Khổng Tử mà còn là điều kiện để hiểu được tư tưởng lễ giáo trong lịch sử đạo Nho.
Mặc dù phạm trù này còn nhiều hạn chế do tính giai cấp song bên cạnh những yếu tố tiêu cực, Lễ cũng có những yếu tố có thể xem là tinh hoa tri thức nhân loại là kết quả của sự nhận thức trong thời kỳ mà Mác gọi là “phương thức sản xuất châu Á”. Đến nay nó còn để lại những yếu tố hợp lý có thể khai thác đối với nhiều dân tộc phương Đông, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đang có những bước chuyển
mình để có thể sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới. Những thách thức không nhỏ về mọi lĩnh vực đặc biệt là sự suy thoái đạo đức của giới trẻ do sự tác động của nền kinh tế thị trường thì phạm trù Lễ của Khổng Tử lại càng có giá trị.
Chương 2
Ý NGHĨA CỦA LỄ TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH VIỆT NAM HIỆN NAY