sống cửa người nghèo
Khi đánh giá tác động của tín dụng đối với mức sống của người nghèo, một câu hỏi đặt ra là liệu có sự khác nhau nào giữa tác động của tín dụng chính thức và tín dụng phi chính thức hay không? Để trả lời câu hỏi này tác giả tiến hành hồi qui hai mô hình, một phản ánh tác động của tín dụng chính thức và phi chính thức lên thu nhập và mô hình khác phản ánh tác động của tín dụng chính thức và phi chính thức lên chi tiêu của hộ nghèo.
Kết quả hồi qui được thể hiện ở bảng 5 (đã điều chỉnh HET) cho thấy tác động của tín dụng chính thức và phi chính thức lên thu nhập của hộ nghèo đều không có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 10%. Do đó không có đủ cơ sở để kết luận có sự khác biệt giữa tác động của tín dụng chính thức và phi chính thức đối với thu nhập của người nghèo.
Tuy nhiên, ở mức ý nghĩa 10%, tác động của cả hai loại tín dụng này lên chi tiêu đều dương và có ý nghĩa thống kê. Nghĩa là cả hai loại tín dụng này đều có tác động làm tăng chi tiêu của hộ nghèo đáng kể. Nếu các yếu tố khác không đổi, trung bình một hộ nghèo vay vốn từ khu vực chính thức sẽ cải thiện chi tiêu cho đời sống 27.3 nghìn đồng/người/tháng so với trường hợp không vay, nếu hộ nghèo vay vốn từ khu vực phi chính thức sẽ tăng chi tiêu thực cho đời sống thêm 31.8 nghìn đồng/người/tháng so với trường hợp không vay vốn. Như vậy, việc tiếp cận tín dụng đã giúp người nghèo cải thiện đời sống không kể đó là tín dụng chính thức hay tín dụng phi chính thức.
Bảng 5: Tác động của tín dụng chính thức và tín dụng phi chính thức lên thu nhập và chi tiêu thực của hộ nghèo
ĐVT: 1000 đ/người/tháng
Biến độc lập REALINCPERCA REALEXPERCA
Tung độ gốc 216.83 131.564 (0.0000) (0.0000) Thời gian 18.763+ -0.286+ (0.1317) (0.9767) Tín dụng chính thức 11.058+ 12.078+ (0.4157) (0.2100) Tín dụng phi chính thức -1.649+ -3.350+ (0.9048) (0.7216) Thời gian* Tín dụng chính thức 28.130+ 27.330*** (0.2294) (0.0711) Thời gian* Tín dụng phi chính thức 21.316+ 31.856*** (0.3773) (0.0540) Qui mô hộ -8.495* -9.534* (0.0013) (0.0000) Trình độ giáo dục trung bình 6.469* 6.860* (0.0010) (0.0000) Tỷ lệ phụ thuộc -14.504* -5.439** (0.0002) (0.0402)
Tỷ lệ thu nhập phi nông nghiệp 52.477* (0.0002) Giới tính chủ hộ 22.470** (0.0116) Tuổi chủ hộ 0.412*** (0.0639) Dân tộc 18.526** (0.0125) Miền Nam 38.270* (0.0001) Số quan sát 434 434 R2 điều chỉnh 0.156 0.2562
Ghi chú: - Tín dụng chính thức =1 nếu hộ có vay vốn từ khu vực chính thức trong năm 2006 và không vay trong năm 2004 =0 nếu hộ không vay vốn trong cả hai thời điểm trên. Tín dụng phi chính thức=1 nếu hộ có vay vốn từ khu vực phi chính thức trong năm
2006 và không vay trong năm 2004, =0 nếu hộ không vay vốn trong cả hai thời điểm trên.
- Số trong ngoặc đơn là Pvalue, * có ý nghĩa thống kê ở mức 1%; ** có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5%, *** có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, + không có ý nghĩa ở mức 10%..
CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH 5.1. Kết luận
Bằng phương pháp khác biệt trong khác biệt (DID) và dựa vào bộ số liệu VHLSS 2004 và VHLSS 2006, đề tài đã tiến hành đánh giá tác động của tín dụng đối với giảm nghèo ở nông thôn Việt Nam. Với qui mô mẫu là 217*2 =434 quan sát được lọc ra từ hai bộ dữ liệu nói trên hy vọng có thể đại diện cho những hộ nghèo ở nông thôn cả nước. Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã rút ra những kết luận quan trọng sau đây:
1.Tín dụng có tác động làm tăng chi tiêu thực cho đời sống của hộ nghèo, tuy nhiên tín dụng không có tác động cải thiện thu nhập cho hộ nghèo. Việc tiếp cận tín dụng đã giúp tăng chi tiêu cho đời sống của hộ nghèo lên 29 nghìn đồng/người/tháng, tương đương khoảng 20%. Nhờ vậy, tín dụng góp phần đáng kể vào cải thiện đời sống cho hộ nghèo. Nhưng đáng tiếc là chưa tìm thấy bằng chứng về tác động của tín dụng đối với thu nhập của hộ nghèo.
2.Tác động của tín dụng chính thức và phi chính thức đến mức sống của người nghèo giống nhau ở chổ cả hai đều có tác động làm tăng chi tiêu đời sống nhưng không có tác động làm tăng thu nhập của hộ nghèo. Mặc dù tín dụng phi chính thức có lãi suất cao hơn tín dụng phi chính thức từ hai đến năm lần nhưng tín dụng phi chính thức vẫn là nguồn tín dụng rất quan trọng với hộ nghèo ở nông thôn Việt Nam. Cho thấy, chính sách tín dụng cho người nghèo không nhất thiết là có lãi suất ưu đãi mà quan trọng là nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, kết hợp với hồi qui OLS đề tài cũng tìm ra mối liên kết giữa mức sống của hộ nghèo với những yếu tố khác:
3.Đầu tư cho giáo dục là cách tốt để người nghèo thoát nghèo bền vững. Kết quả hồi qui cho thấy những hộ có trình độ giáo dục trung bình càng cao thì thu nhập và chi tiêu đời sống bình quân đầu người càng cao.
4. Số người phụ thuộc trên một lao động cao hay thấp cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thu nhập cũng như chi tiêu cho đời sống của hộ. Có thêm một người phụ thuộc trên một lao động sẽ làm giảm thu nhập thực 14.5 nghìn đồng/người/tháng và làm giảm chi tiêu cho đời sống 5.7 nghìn đồng/người/tháng. Chính vì vậy, thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình là biện pháp tốt để giúp người nghèo thoát nghèo nhanh hơn.
5. Tồn tại sự khác biệt đáng kể giữa mức sống của hộ có chủ hộ là nam với hộ có chủ hộ là nữ. Những hộ có chủ hộ là nam có chi tiêu đời sống bình quân đầu người cao hơn 21.4 nghìn đồng/người/tháng so với hộ có chủ hộ là nữ.
6.Cũng như kết luận của nhiều nghiên cứu trước, đề tài này một lần nữa khẳng định rằng đa dạng hóa việc làm là một cách tốt để thoát nghèo nhanh chóng. Vì vậy, chính sách của chính phủ nên hướng đến tạo thêm việc làm cho người nghèo để họ sử dụng thời gian hiệu quả, cải thiện thu nhập.
7. Mặc dù không tìm thấy bằng chứng về sự khác biệt trong thu nhập nhưng có đủ bằng chứng cho thấy những hộ nghèo dân tộc Kinh có mức chi tiêu cho đời sống cao hơn những hộ nghèo dân tộc thiểu số.
5.2. Gợ ý chính sách
Từ kết quả nghiên cứu trên đây, tác giả đề xuất một số gợi ý chính sách như sau:
Thứ nhất, phát triển hệ thống ngân hàng nông thôn thân thiện với người nghèo
bằng cách giảm khoảng cách giữa người nghèo với ngân hàng và đơn giản hóa thủ tục cho vay. Tiếp cận tín dụng là điều kiện cần thiết để người nghèo cải thiện mức sống, có cơ hội để hòa nhập với cộng đồng và nâng cao vị thế của họ trong xã hội. Tín dụng cho người nghèo được cung cấp từ khu vực chính thức là rất quan trọng. Tuy nhiên, đa phần người nghèo ở nông thôn Việt Nam vẫn rất khó tiếp cận với nguồn vốn từ các ngân hàng và các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Do đó cần phát triển một hệ thống ngân hàng ở nông thôn sao cho thật sự gần gủi với người nghèo, giảm bớt khoảng cách giữa người nghèo với ngân hàng.
Hiện nay, Ngân hàng NNPTNT và Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có chi nhánh và phòng giao dịch đến hầu khắp các tỉnh, huyện trên cả nước. Tuy nhiên hầu hết các chi nhánh và phòng giao dịch này thường gắn liền với đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện và được đặt tại các khu vực trung tâm như thị trấn, thị xã Trong khi người nghèo thường ở những vùng sâu, vùng xa nên họ rất e ngại khi đến ngân hàng vay vốn. Chính vì vậy, để hỗ trợ và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người nghèo ở nông thôn, các ngân hàng này nên mở rộng mạng lưới các phòng giao dịch xuống đến cấp xã, thậm chí cấp thôn, bản để dễ dàng hiểu được người nghèo và giảm bớt sự xa lạ đối với họ.
Hơn nữa, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để người nghèo vay vốn nhanh chóng và kịp thời là một việc làm cần thiết. Bởi vì các thủ tục cho người nghèo vay vốn hiện nay khá
rườm rà, phức tạp trong khi người nghèo có trình độ thấp nên hoàn thành được các thủ tục này là một trở ngại lớn đối với họ. Thủ tục phức tạp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch trong xét duyệt đối tượng được vay. Do vậy để tín dụng chính thức đến được với người nghèo thì điều quan trọng khác là phải đơn giản hoá thủ tục cho vay.
Tất nhiên, để làm được những điều này đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bởi vì về phía các ngân hàng, mở thêm phòng giao dịch sẽ làm tăng thêm chi phí, và cho người nghèo vay vốn có rủi ro rất cao. Do đó, cần được tài trợ từ phía Chính phủ để khuyến khích phát triển hệ thống ngân hàng ở nông thôn gần gủi hơn với người nghèo.
Thứ hai, thực hiện chính sách lãi suất ở nông thôn phù hợp với cơ chế thị trường, dần dần bỏ lãi suất ưu đãi. Hiện nay, các chương trình cho người nghèo vay vốn của Chính phủ thường được thực hiện thông qua ngân hàng CSXH dưới hình thức lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi đã dẫn đến nhiều hệ quả đi ngược lại với mục đích hỗ trợ người nghèo của các chương trình này. Một là, những khoản vay này khó đến được với người nghèo. Lý do là: Về phía ngân hàng, cán bộ tín dụng luôn chịu áp lực thu hồi nợ vì rủi ro vỡ nợ đối với người nghèo vẫn rất cao. Trong khi đó, mức lãi suất ưu đãi thường thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường nên có rất nhiều người (nghèo và không nghèo) muốn vay. Trong trường hợp đó, cán bộ tín dụng thường quyết định cho những hộ có thu nhập trung bình, khá giả hoặc những người có quan hệ thân quen vay vốn để có lợi cho cả đôi bên. Đối với người nghèo, để vay được vốn họ phải làm rất nhiều thủ tục, qua rất nhiều khâu phê duyệt làm cho họ nãn lòng. Thậm chí, đôi khi họ không có được thông tin đầy đủ về những khoản vay này cũng như không được hướng dẫn đầy đủ về những thủ tục cần thiết. Kết quả là những khoản tín dụng có lãi suất càng ưu đãi thì càng khó đến được với người nghèo. Vì vậy, lãi suất thấp không hẵn là hỗ trợ được người nghèo. Lãi suất có thể bằng với lãi suất của thị trường nhưng thủ tục cho vay đơn giản là một cách để giảm chi phí giao dịch cho cả người dân và ngân hàng, từ đó nâng cao mức độ tiếp cận tín dụng của người nghèo.
Hai là, lãi suất thấp dẫn đến tình trạng sử dụng vốn vay không hiệu quả. Lãi suất vừa phản ánh giá cả của tín dụng vừa là cơ chế để sàng lọc người vay. Nếu lãi suất quá thấp sẽ khuyến khích vốn chảy vào những dự án kém hiệu quả nhất. Đối với người nghèo, khoản vay với lãi suất ưu đãi thường được xem như tiền chùa nên họ chi tiêu một cách hoang phí. Vì vậy không cải thiện được thu nhập bền vững trong tương lai. Mức lãi suất
cao hơn sẽ khuyến khích người vay vốn sử dụng vốn hiệu quả hơn và giảm được rủi ro cho ngân hàng.
Ba là, lãi suất thấp ở khu vực nông thôn không khuyến khích được các ngân hàng cổ phần tham gia vào khu vực này, do đó kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng nông thôn.
Như vậy, một chính sách lãi suất có tính thịtrường sẽ giúp giảm chi phí giao dịch, tăng lượng vốn đến với người nghèo, khuyến khích người nghèo sử dụng vốn hiệu quả và khuyến khích các ngân hàng cổ phần tham gia vào thị trường nông thôn, tăng cơ hội lựa chọn cho người nghèo.
Thứ ba, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp đối với hoạt động cho vay phi chính thức để phát huy vai trò tích cực của khu vực này trong xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
Thực tế, các khoản vay phi chính thức có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của hộ nghèo nên cần được khuyến khích. Tuy nhiên, tín dụng phi chính thức thường gắn liền với mức lãi suất rất cao, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa nơi mà tín dụng chính thức không vươn tới được, nên cần được quản lý chặt chẻ để giảm nguy cơ rơi vào tình trạng cùng cực do không trả được nợ của người nghèo.
Thứ tư, cho người nghèo vay vốn cần kết hợp với các chính sách hỗ trợ hướng dẫn sản xuất, kinh doanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tín dụng không có tác động làm
tăng thu nhập của người nghèo có thể do họ chưa có một phương án sử dụng vốn vay hiệu quả. Vì thế người nghèo dễ rơi vào tình trạng nợ nần trầm trọng hơn và khó thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Do đó, cung cấp tín dụng cho người nghèo cần gắn liền với những chương trình hướng dẫn đầu tư sản xuất để người nghèo biết đầu tư vào đâu và đầu tư như thế nào để sinh lợi. Đồng thời người cho vay cũng cần giám sát chặt chẻ mục đích sử dụng vốn vay của người nghèo để hạn chế khả năng không trả được nợ.
Thứ năm, nghiên cứu này cũng như những nghiên cứu khác chỉ ra rằng đầu tư cho
giáo dục là cơ hội giúp người nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và sớm thoát khỏi cảnh nghèo đói. Chính vì vậy, cùng với chính sách tín dụng, nâng cao trình độ giáo
dục cho người nghèo là chìa khóa giúp họ thoát nghèo một cách bền vững. Mặc dù vậy,
điều này không đơn giản chỉ là miễn giảm học phí cho người nghèo. Bởi vì đối với hộ nghèo thì những em nhỏ trong độ tuổi đi học cũng là một nguồn lao động quan trọng. Nếu không nhận thấy được lợi ích lâu dài của giáo dục, các hộ nghèo sẽ buộc con mình ở nhà để giữ em, chăn trâu thay vì khuyến khích chúng đến trường. Vì vậy, chính sách giáo dục
cho người nghèo ở nông thôn đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa cần được thực hiện như thế nào cũng phải xem xét thêm.
Thứ sáu, đẩy mạnh chính sách kế hoạch hóa gia đình cho người nghèo để giúp
họ thoát nghèo nhanh hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy những hộ gia đình có tỷ lệ phụ
thuộc cao sẽ có mức thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người thấp. Tỷ lệ phụ thuộc cao không những không đảm bảo về đời sống sinh hoạt mà còn không có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Chính điều này làm cho người nghèo cứ nghèo từ đời này sang đời khác. Hơn nữa, đông con sẽ làm cho phụ nữ kiệt sức và thiếu điều kiện hòa nhập với cộng đồng. Do vậy, cần có chương trình giáo dục, tuyên truyền phù hợp để khuyến khích người nghèo giảm sinh đẻ, giúp họ thoát nghèo nhanh và bền vững hơn.
Thứ bảy, đa dạng hóa việc làm cũng là một cách để cải thiện đời sống cho người nghèo. Chính quyền các địa phương cần phát triển các làng nghề, các ngành thủ công
nghiệp ở nông thôn để tạo thêm việc làm cho người nghèo vào lúc nhàn rỗi. Cho người nghèo vay vốn để phát triển các ngành nghề hoặc kinh doanh, buôn bán cần được xem xét hỗ trợ cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng hộ.
5.3. Hạn chế của nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng bộ số liệu có sẵn nên có một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, không có thông tin về động cơ vay vốn của các hộ nghèo. Có thể những hộ vay vốn là tích cực tìm lối thoát nghèo hơn những hộ không vay hoặc có mối quan hệ tốt với người