Nhịp điệu thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trường ca nguyễn anh nông (Trang 89 - 93)

7. Đóng góp của luận văn

3.2.2. Nhịp điệu thơ

Theo "Từ điển thuật ngữ văn học": Nhịp điệu (rythme) một phương tiện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật trong văn học, dựa trên sự lặp lại có tính chất chu kỳ, cách quãng hoặc luân phiên của các yếu tố có quan hệ tương đồng trong thời gian hay quá trình nhằm chia tách và kết hợp các ấn tượng thẩm mĩ. Trong văn học, nhịp điệu là sự lặp lại các quãng đều đặn và có thay đổi của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh, môtíp,...nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mĩ về thế giới, tạo ra cảm giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuật [14, tr.238].

Trường ca Nguyễn Anh Nông là sự dung hòa nhiều thể thơ: thơ tự do, thơ lục bát truyền thống của dân tộc, thơ năm chữ, thơ bảy chữ, thơ tứ tuyệt và cả thơ văn xuôi,...Vì vậy, đọc trường ca Nguyễn Anh Nông, ta thấy những câu thơ của anh không tuân theo một khuôn nhịp nào, mà là sự đa dạng trong nhịp điệu, mỗi nhịp điệu thơ đều là nhịp lòng, là điệu cảm xúc của nhà thơ.

Có khi Nguyễn Anh Nông sử dụng những câu thơ hai chữ dưới dạng những từ láy với nhịp thơ ngắn kết hợp với những thanh trắc để tái hiện hình ảnh người lính Trường Sơn đang phải gồng mình chống chọi với căn bệnh sốt rét rừng quái ác:

Đắp chăn/ Hầm hập/ Giần giật/ Lật đật/ Bật khật/ Ật ật/ Trầy trật/ Ậc ậc/ Lậc khấc/

Lăn lóc/ Trằn trọc/ Ồng ộc/ Sằng sặc/ Bặc khặc/ Nằng nặc/ Hục hặc/ Khục khặc...(Trường ca Trường Sơn).

Nếu như những câu thơ bảy chữ truyền thống nhịp điệu thường là 4/3 hoặc 3/4 thì đến Nguyễn Anh Nông, đã có sự chuyển nhịp linh hoạt:

Đạn bom/ tan tác cả rừng cây Núi toác/ gục/ hoang tàn/ đá lở

(Trường ca Trường Sơn)

Với nhịp thơ 2/5 và 2/1/2/2, Nguyễn Anh Nông đã tái hiện được cảnh thiên nhiên Trường Sơn bị tàn phá dữ dội trước bom đạn của kẻ thù.

Nguyễn Anh Nông còn dùng nhịp thơ chẵn 2/2 trong câu thơ bốn âm tiết để diễn tả niềm vui rạo rực của núi rừng, của con người khi được sống trong hòa bình, độc lập, trong không khí của Tây Nguyên đang tưng bừng vào hội:

Cồng chiêng/ rạo rực Núi non/ nhón gót Rừng xanh/ kiễng chân

(Trường ca Trường Sơn)

Nhìn vào trường ca Nguyễn Anh Nông, ta sẽ dễ dàng nhận ra nhiều đoạn thơ được sử dụng theo lối vắt dòng, hình thức thể hiện là những câu thơ dài, ngắn đan xen. Khi dùng cách vắt dòng, nhà thơ phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng. Điều này không chỉ giúp cho nhà thơ tạo nên sự đột biến trong cảm xúc mà còn thôi thúc người đọc đi tìm phần chưa trọn vẹn của câu thơ với tốc độ đọc nhanh hơn. Chẳng hạn như đoạn thơ:

Người lính cũ bên những người lính mới Họ mộc mạc, đơn sơ, thuần khiết

Họ cười nói như là không mệt nhọc Như là không khắc khoải nỗi chờ mong Nghiêng gầu máy

múc ánh trăng cổ thụ Đắp đầm lăn... đập chắn, ngăn sông Hút nước nhả ngược dòng mương máng mới

Lúa ngô trổ bắp, đơm bông

Cà phê mướt xanh lúc lỉu hoa trái mọng

(Trường ca Trường Sơn) Với lối vắt dòng và những câu thơ có nhịp điệu dài ngắn đan xen, Nguyễn Anh Nông đã giúp người đọc thấy được thế hệ cháu con đang tiếp bước cha anh tìm đến Trường Sơn, hăng say lao động để xây dựng Trường Sơn ngày thêm giàu đẹp. Và đây nữa, những câu thơ:

Thơ rằng:

Em sinh ra thế giới đã hỗn tạp bao âm, sắc buồn vui thiện ác

giằng xé - mỗi- tế bào.

(Gửi Bill Gates và trời xanh) Lối thơ vắt dòng với những nhịp thơ ngắn đã giúp nhà thơ bộc bạch được nỗi lo âu khi nhận ra rằng hòa bình, cái đẹp và cái thiện đang đứng trước nguy cơ đe dọa trong một thế giới hỗn tạp.

Cùng với việc sử dụng lối thơ vắt dòng, Nguyễn Anh Nông còn tạo nhịp điệu thơ bằng cách trình bày các dòng thơ theo dạng bậc thang. Chẳng hạn như đoạn thơ miêu tả chân dung người lính Trường Sơn:

Nhúc nhắc Túc tắc Nhổm dậy đi sấp ngửa mắt môi hoe.

(Trường ca Trường Sơn)

Lối thơ bậc thang này khiến nhịp thơ được ngắt ra rõ ràng, diễn tả tinh tế quá trình người lính từng bước nghị lực vượt qua trận sốt rét tai ác để tiếp tục cuộc hành quân.

Đến với trường ca Gửi Bill Gates và trời xanh, ta cũng gặp lối thơ bậc thang:

Tao chỉ sợ một điều... Một điều này...

Một điều này thôi... Một điều này thôi nhé... Một điều này thôi nhé muỗi... Một điều này thôi nhé...muỗi ơi! Nàng bỏ ta một mình với... muỗi.

(Gửi Bill Gates và trời xanh) Đoạn thơ là lời tâm sự của nhà thơ với muỗi. Cách sắp đặt dòng thơ theo kiểu bậc thang tăng dần kết hợp với việc sử dụng các dấu chấm lửng ở mỗi dòng thơ có tác dụng tạo chỗ ngắt nhịp dài hơn, lâu hơn đã thể hiện nỗi băn khoăn, lo sợ của nhà thơ khi nghĩ về một ngày mình phải sống trong nỗi cô đơn, thiếu vắng tình thương yêu.

Có thể thấy nhịp điệu thơ trong sáng tác trường ca của Nguyễn Anh Nông rất đa dạng. Mỗi một cách ngắt nhịp không chỉ làm cho thơ có hình thức mới lạ, hấp dẫn mà còn giúp cho nhà thơ dễ dàng bộc lộ cảm xúc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trường ca nguyễn anh nông (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)