Nội dung thực hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho lợn con theo mẹ, giai đoạn từ sơ sinh đến cai sữa tại trại lợn giống cao sản công ty cổ phần dinh dưỡng hải thịnh​ (Trang 30 - 35)

3.3.1. Thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng lợn con sơ sinh đến 21 ngày tuổi

Chăm sóc nuôi dưỡng lợn con theo mẹ là khâu khó nhất của chăn nuôi lợn, đòi hỏi người chăm sóc tận tâm với nghề, giảm thiểu những ảnh hưởng của ngoại cảnh đến lợn con. Tại trại đặt mục tiêu tỷ lệ nuôi sống lợn con đến cai sữa đạt trên 95%, trọng lượng lợn cai sữa ở 21 - 24 ngày tuổi thấp nhất 5,5 kg/con, trung bình đạt 7kg/con. Các bước thực hiện quy trình như sau.:

3.3.1.1. Chuẩn bị ô chuồng cho lợn đẻ và đỡ đẻ cho lợn nái

Ô chuồng lợn nái trước khi đẻ được cọ rửa sạch sẽ, dội nước vôi và phun sát trùng hàng ngày cho đến khi nái chửa được chuyển.

Hàng ngày sàn, chuồng nái chửa được cào phân thường xuyên, không dính phân bẩn.

Nái chửa trước khi đẻ được cho ăn với chế độ hợp lý để quá trình đẻ diễn ra thuận lợi và vẫn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho nuôi con.

Chuẩn bị ô úm cho lợn con khi sinh: ô úm phải được che chắn cẩn thận, nhiệt độ ủ ấm lợn con từ 0 - 7 ngày tuổi khoảng 37 - 390C, từ 8 - 15 ngày tuổi khoảng 33 - 350C, từ 15 - 21 ngày tuổi 28 - 310C.

Khi lợn mẹ có dấu hiệu sắp đẻ phải được vệ sinh bầu vú, mông và bộ phận sinh dục bằng nước sát trùng ấm pha loãng (tỷ lệ 1 : 3200). Trong thời gian lợn mẹ đẻ phải chú ý theo dõi lợn mẹ, nếu thấy có hiện tượng đẻ khó như khoảng cách giữa các lần đẻ quá lâu hoặc có hiện tượng rặn nhưng thai không được đẩy ra ngoài thì phải có biện pháp can thiệp như xoa bầu vú kết hợp tiêm oxytoxin. Nếu sau khi đã tiêm oxytoxin rồi mà lợn mẹ vẫn có hiện tượng rặn, kiểm tra bằng que thăm thấy vẫn còn thai thì cần tiến hành dùng tay can thiệp. Nếu phải dùng tay can thiệp cần rửa tay sạch bằng nước sát trùng, cắt và vệ sinh sạch sẽ móng tay, sau đó bôi gen, tiến hành cho tay vào cơ quan sinh dục của lợn. Không nên quá lạm dụng vào việc dùng tay can thiệp vì sẽ dễ gây cho lợn mẹ bị viêm nếu vệ sinh và móc không đúng cách.

Lợn mẹ đẻ xong được lau mông và cơ quan sinh dục bằng nước ấm pha nước sát trùng (tỷ lệ tương ứng 1 : 3200) và bôi cồn iod.

Khẩu phần ăn trước, trong và sau khi đẻ được cung cấp theo quy định của công ty cổ phần dinh dưỡng Hải Thịnh để đảm bao khả năng tiết sữa và nuôi con và thuận lợi cho quá trình đẻ nhất là đối với nái hậu bị.

Những ngày thời tiết quá nóng bức lợn mẹ sẽ được bổ sung thêm chất điện giải, vitamin C. Sau khi đẻ, nếu lợn mẹ có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa sẽ được tiêm thuốc oxytoxin với liều lượng 1-2 ml, tiêm hoa và được truyền đường glucose và muối natri clorid.

3.3.1.2 Chăm sóc lợn con mới sinh

+ Khi lợn con được đẻ ra người đỡ đẻ cần lau sạch nhờn trong miệng, mũi để tránh dịch nhờn chảy ngược vào khí quản gây ngạt thở, sau đó mới lau toàn thân theo chiều lông. Nếu lợn con được sinh ra có hiện tượng thở yếu thì cần vỗ nhẹ vào vào lưng hoặc gập bụng 1 vài lần, khi nào thấy lợn con thở đều là được.

- Buộc dây rốn

Sau khi lau sạch nhờn toàn thân thì tiến hành buộc dây rốn để tránh tình trạng rốn sát với sàn chuồng gây nhiễm trùng rốn.

Vị trí buộc cách bụng lợn con khoảng 2 - 3 cm, sau khi buộc dùng kéo đã sát trùng cắt cách vị trí buộc 1cm, sau đó bôi cồn iod.

Khi buộc dây rốn cần thắt dây chặt để tránh máu vẫn chảy ra, trường hợp thấy máu chảy ra thì phải buộc lại, không nên thắt quá chặt sẽ làm đứt dây rốn.

Sau khi buộc dây rốn xong cho lợn con vào lồng úm đã chuẩn bị sẵn, có thắp bóng đèn và lót thảm (vào mùa đông nên xoa 1 ít bột năng lên cơ thể lợn con để làm ấm nhanh cơ thể và nhanh khô).

- Cho bú sữa đầu

- Sữa đầu là nguồn dinh dưỡng rất tốt đối với lợn con sơ sinh, sữa đầu chứa nhiều kháng thể giúp lợn con tránh được các mầm bệnh bệnh bên ngoài.

- Sữa đầu chứa nhiều vitamin A, protein, chất béo, canxi, phospho, đường lactose và γ - globulin. Lợn con được bú sữa đầu càng sớm càng tốt vì đường ruột lợn con chỉ hấp thu kháng thể mẹ truyền khoảng 150 - 200ml trong vòng 24 - 36 giờ.

- Đồng thời, việc cho lợn con bú sớm cũng kích thích lợn mẹ tiết prolactin, tiết sữa và đẻ nhanh hơn.

- Khi lợn con được đẻ ra khoảng 10 phút thì cho lợn con ra bú sữa đầu, vì lợn con được bú sữa đầu sớm sẽ tốt hơn.

- Ghép đàn: ghép đàn được thực hiện sau khi bú sữa đầu hoàn thiện, cụ thể ghép đàn sau 36 giờ lợn con được sinh. Ghép đàn thì chuyển những lợn to của đàn sang đàn có trọng lượng phù hợp và số ngày đẻ chỉ chênh lệch 1 - 2 ngày. Ghép đàn trong các trường hợp như: lợn con mất mẹ, quá nhiều lợn con trong một đàn, lợn mẹ ít sữa hoặc lợn mẹ bị bệnh.

3.3.1.3 Chăm sóc lợn con 24 giờ sau đẻ.

- Cắt đuôi

+ Phòng lợn con cắn đuôi nhau khi nuôi thịt.

+ Dùng dụng cụ máy cắt đuôi, cắt cách vị trí gốc đuôi lợn con 2cm, cắt xong sát trùng bằng cồn iod.

- Bấm nanh

+ Phòng tổn thương vú mẹ do lợn con tranh bú và tổn thương lợn con do cắn nhau giành bú.

+ Dùng máy mài nanh chuyên dụng đã được sát trùng, mài 4 răng nanh của hàm trên và 4 răng nanh hàm dưới. Vị trí mài 1/3 phía trên của răng, tránh bấm quá sâu gây tổn thương lợi.

- Bấm số tai

+ Để nhận diện lợn, biết được lý lịch, theo dõi được sức tăng trưởng từng cá thể và điều tra ngược khi nuôi thịt có vấn đề bệnh tật.

+ Cách bấm số tai được thực hiện theo sự hướng dẫn của kĩ sư trại và quy định của Công ty cô phần dinh dưỡng Hải Thịnh. Cụ thể đối với lợn con ở trại lợn giống cao sản thì số tai được cắt theo mã trại 9 ghép với mã giống (Lấy theo con bố; Duroc là 0, Landrace là 9, Yorkshire là 3 ) và mã tuần mà con lợn con đó được sinh ra.

Ví dụ : lợn con được sinh ra ở tuần thứ 31 trong năm được phối bởi con bố duroc thì số tai sẽ là 9031.

3.3.1.4. Chăm sóc lợn con 3 – 4 ngày tuổi.

-Tiêm sắt cho lợn con trong 3 - 4 ngày sau khi sinh. Việc tiêm sắt thường làm với các thao tác khác để tiết kiệm công lao động. Nếu cai sữa lúc 3 tuần tuổi,

tiêm 1 lần 100mg là đủ. Nếu cai sữa sau 3 tuần tuổi, nên tiêm 200mg sắt, tiêm 2 lần. Lần 1: 3 ngày tuổi, lần 2: 10 - 12 ngày tuổi.

- Cách tiêm sắt cho lợn con

Dùng 1 bơm tiêm sạch lấy dung dịch sắt khỏi lọ chứa, sử dụng kim tiêm 14 hoặc 16 (đường kính lớn) để lấy thuốc. Sau khi lấy thuốc đầy bơm dùng kim 8, dài 1 cm để tiêm. Sắt tiêm quá liều có thể gây hại, thậm chí có thể gây độc. Kiểm tra liều dùng ghi ở trên nhãn sản phẩm, không cần thay hay sát trùng kim tiêm cho từng con lợn, song điểm tiêm nếu bẩn nên lau bằng nước sát trùng. Rửa và sát trùng dụng cụ sau khi tiêm cho nhóm lợn con. Việc sử dụng kim tiêm và tiêm 1 lần tạo điều kiện vệ sinh hơn.

Nên tiêm vào cổ, không nên tiêm ở mông vì có thể làm hại đến dây thần kinh và cũng có thể vết sắt dư thừa lưu ở thân lợn thịt mổ bán. Tiêm sắt vào cơ bắp hay tiêm vào dưới da. Cẩn thận không tiêm vào phần xương sống. Giữ mũi tiêm một lúc để tránh hoặc giảm lượng thuốc chảy ngược ra. Điểm khuyến cáo để tiêm dưới da là chỗ da kéo lên được ở phía trước chân trước.

3.3.1.5. Chăm sóc lợn con 5 - 7 ngày tuổi

- Thiến lợn đực: Đối với lợn đực nuôi thịt ta cần thiến càng sớm càng tốt. Thông thường trong chăn nuôi lợn nái sinh sản người ta thường thiến lợn vào 5 - 7 ngày tuổi.

Trước khi thiến lợn đực cần chuẩn bị dụng cụ thiến đầy đủ gồm: Dao thiến, cồn sát trùng, panh kẹp, bông gòn, khăn vải sạch, xi - lanh tiêm và thuốc kháng sinh.

Thao tác: Người thiến ngồi ghế cao và kẹp lợn con vào giữa 2 đùi sao cho đầu của lợn con hướng xuống dưới. Một tay nặn sao cho dịch hoàn nổi rõ, tay còn lại cầm dao rạch hai vết đứt vào chính giữa của mỗi bên dịch hoàn. Dùng 2 tay nặn dịch hoàn ra ngoài rồi lấy panh kẹp vào giật dịch hoàn ra, dùng khăn sạch lau vùng dịch hoàn và bôi cồn vào vị trí thiến.

- Tập ăn

+ Mục đích tập ăn cho lợn con là hạn chế được stress khi thay đổi sữa mẹ sang thức ăn lúc cai sữa, cung cấp thêm dinh dưỡng khi lợn mẹ giảm lượng sữa

và kích thích phát triển dịch tiêu hóa khi theo mẹ. Thức ăn tập ăn luôn luôn mới, không bị mất mùi và không để dư thừa quá 6 giờ. Thức ăn tập ăn phù hợp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng không gây tiêu chảy và dị ứng cho lợn con theo mẹ.

+ Thời gian tập ăn cho lợn con theo mẹ khi lợn con được 5 ngày tuổi, số lần tập ăn 4 - 5 lần/ngày không để thức ăn dư thừa quá 6 giờ sẽ làm giảm lượng ăn khi tập ăn. Phương pháp tập ăn hiệu quả cao là sau khi lợn con bú mẹ, tập tính lợn con sau khi bú mẹ xong phải đi phá phách xung quanh chuồng lúc này gặp thức ăn rồi nhai.

+ Thức ăn tập ăn là 517S ĐB lưu hành nội bộ của công ty cổ phần dinh dưỡng Hải Thịnh.

3.3.1.6. Chăm sóc lợn con 15 - 17 ngày tuổi

- Thức ăn: đây là giai đoạn lợn con sắp cai sữa, lượng thức ăn cung cấp sẽ thay thế hoàn toàn nguồn sữa mẹ, lượng thức ăn cần cung cấp khoảng 0,037g/con.

3.3.1.7. Chăm sóc lợn con 21 - 24 ngày tuổi

- Tiến hành cai sữa và cai sữa phải dựa trên các điều kiện: lợn con cai sữa phải có sức khỏe tốt, lợn con cai sữa phải biết ăn, lợn con cai sữa đạt trọng lượng thấp nhất 5kg/con và trung bình 7kg/con.

- Lợn con có cân nặng đủ tiêu chuẩn, không mắc bệnh, khỏe mạnh sẽ được chọn và xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho lợn con theo mẹ, giai đoạn từ sơ sinh đến cai sữa tại trại lợn giống cao sản công ty cổ phần dinh dưỡng hải thịnh​ (Trang 30 - 35)