Những nguyên nhân của hoàn cảnh lịch sử, xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tính dự báo trong thơ trần tế xương (Trang 28 - 30)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.1. Những nguyên nhân của hoàn cảnh lịch sử, xã hội

Sự kiện trung tâm và nổi bật nhất của lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX - nửa đầu thế kỉ XX chính là cuộc xâm lược của thực dân Pháp và cuộc chiến đấu rất quyết liệt của nhân dân ta. Kéo theo đó là sự phân hóa diễn ra khá phức tạp xét trên tất cả các bình diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Những biến động đó đã tạo nên những tiền đề cơ bản cho sự phát triển của tư duy trào phúng và dòng thơ trào phúng trong văn học Việt Nam giai đoạn này.

Về chính trị: Trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp, trong khi nội bộ triều đình còn đương bế tắc và lúng túng thì phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống lại kẻ thù xâm lược lại diễn ra sục sôi khắp trong Nam ngoài Bắc. Các cuộc khởi nghĩa của Phạm Văn Vĩnh, Phạm Văn Nghị, Trần Thiệu Chính, Lê Huy, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Tòng... nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của quần chúng nhân dân. Đặc biệt khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi ra Sơn Phòng xuống chiếu Cần Vương thì phong trào đấu tranh

càng diễn ra mạnh mẽ. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng, Trần Văn Dự, Nguyễn Phạm Tuân, Đinh Công Tráng... Tuy nhiên, khi vua Hàm Nghi bị bắt, các nghĩa quân Mạc Đình Phúc, Vương Quốc Chính, Võ Trứ tan rã và khi cuộc đình chiến lần thứ hai của nghĩa quân Đề Thám diễn ra thì cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta chống thực dân Pháp coi như thất bại.

Về kinh tế: Không thể phủ nhận rằng cuộc xâm lược của thực dân Pháp dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Nước ta từ một nước kinh tế nông nghiệp lạc hậu bị kéo vào quỹ đạo của nền kinh tế tư bản nhưng không được công nghiệp hóa. Do đó, trên thực tế, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ và cung cấp nguyên liệu và hàng hóa xuất khẩu cho Pháp. Thực dân Pháp ra sức bóc lột nhân dân bằng các chính sách thuế khóa nặng nề. Không những vậy, chúng còn giữ độc quyền khai thác khoáng sản, độc quyền ngân hàng, độc quyền kinh doanh các mặt hàng quan trọng khiến cho nhân dân ta trở nên cùng quẫn.

Về giai cấp: Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong các giai cấp xã hội Việt Nam. Bên cạnh tầng lớp nông dân và nho sĩ, nhiều tầng lớp mới bắt đầu xuất hiện như: tư sản, tiểu tư sản và giai cấp công nhân. Xã hội trải qua một cuộc phân hóa mạnh mẽ chưa từng có. Mâu thuẫn xã hội bị đẩy lên đến mức gay gắt trong đó nổi lên hàng đầu là mâu thuẫn giữa thực dân Pháp với nhân dân ta.

Chính những biến đổi sâu sắc trên các bình diện chính trị, văn hóa và giai cấp đã khiến cho văn học thời đại Tú Xương đi chệch ra khỏi cái quỹ đạo thông thường của nó trước đây: vốn để tỏ chí và tải đạo. Văn học hướng vào phản ánh các vấn đề trước mắt của đời sống con người như: vấn đề độc lập dân tộc, vấn đời sống và vai trò của giai cấp, vấn đề đô thị hóa, vấn đề thi cử, vấn đề số phận của con người trong tương lai...Tính hiện thực được đề cao là một trong những thay đổi lớn nhất của văn học thời kì này. Không ít nhà văn tỏ ra băn khoăn và dự đoán cho tương lai cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc hay cho các vấn đề về vận mệnh giai cấp, hay thay đổi trong đời sống của con người... trong các tác phẩm của mình. Do đó, tính dự báo trong văn học trở thành một xu hướng mới của văn học buổi giao thời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tính dự báo trong thơ trần tế xương (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)